{keywords}
EVN đã cấp điện đến 100% số xã, trong đó có 8.072/8.902 xã (khoảng 90,7%) trên cả nước đạt tiêu chí số 4 về Nông thôn mới, tăng gần 46% so với năm 2010.

Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, hiện nay, mức độ phủ điện của Việt Nam cao hơn một số nước trong khu vực. EVN đã cấp điện đến 100% số xã, trong đó có 8.072/8.902 xã (khoảng 90,7%) trên cả nước đạt tiêu chí số 4 về Nông thôn mới, tăng gần 46% so với năm 2010. Số hộ dân có điện sử dụng điện tăng từ 97,31% tương ứng 19 triệu hộ (năm 2010) lên 99,47% tương ứng 27,41 triệu hộ (tính đến tháng 6 năm 2019).

Trong đó, số hộ dân nông thôn có điện sử dụng tăng từ 96,29% tương ứng 13,26 triệu hộ năm 2010) lên 99,18% tương ứng 16,98 triệu hộ vào tháng 6 năm 2019.

Đáng chú ý, việc đầu tư phát triển điện khí hóa nông thôn trong 10 năm qua đã thay đổi đáng kể tình hình cung cấp điện về vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo trên mọi miền Tổ quốc.

Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm, được TTXVN dẫn lời cho hay, nếu như mười năm trước đây, ở nhiều vùng nông thôn hệ thống lưới điện ở tình trạng xập xệ cột tre, cột gỗ, dây dẫn nhỏ, chắp vá, tới nay sau khi được ngành điện tiếp nhận và đầu tư cải tạo nâng cấp, lưới điện đã được chỉnh trang, các hộ dân được cung cấp điện ổn định và an toàn.

Đến nay, cả nước đã có trên 92% xã do ngành điện quản lý bán điện trực tiếp. Theo đó, người dân được mua điện theo đúng giá quy định của Chính phủ và hưởng các dịch vụ điện trực tiếp do ngành điện cung cấp.

Trước khi EVN tiếp nhận và quản lý bán điện trực tiếp cho các đảo, người dân trên các đảo chỉ được cấp điện một số giờ trong ngày, từ các nguồn phát chạy dầu diesel giá cao. Nguồn điện cấp chủ yếu chỉ để phục vụ chiếu sáng và những sinh hoạt cần thiết tối thiểu của người dân.

Sau khi được EVN tiếp nhận và quản lý bán điện trực tiếp, người dân trên các đảo đảo đã được cấp điện 24/24h. Điều quan trọng nhất là người dân được hưởng giá điện thống nhất trên toàn quốc, không phải chịu giá điện cao như trước đây (từ 4.000 đồng/kWh - 6.000 đồng/kWh).

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong thời gian qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn thách thức, EVN đã nỗ lực cố gắng và hoàn thành kế hoạch Nhà nước giao. EVN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vai trò chủ đạo cung cấp điện cho khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo nâng cao chất lượng cung cấp điện đáp ứng nhu cầu điện phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân nông thôn.

Hành trình điện khí hóa nông thôn của EVN cũng được không ít chuyên gia quốc tế ghi nhận và đánh giá rất cao. Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam ông Ousmane Dione cho rằng, điện khí hóa nông thôn của Việt Nam là một kỳ tích. Tỷ lệ tiếp cận điện của Việt Nam đã tăng từ 14% vào năm 1993 lên tới hơn 99% vào năm 2018. Như vậy trong vòng 25 năm, đã có thêm hơn 14 triệu hộ gia đình hay 60 triệu người dân đã được hoà lưới điện quốc gia.

Nhìn lại chặng đường bền bỉ đưa điện thắp sáng đến những vùng xa xôi, khó khăn nhất, ông Lê Thành Chung, Trưởng ban Quản lý đầu tư EVN cho hay: Điện khí hóa nông thôn luôn là vấn đề có nhiều thách thức đối với EVN.

Thực tế cho thấy tại nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới bà con sống thưa thớt, có dự án kéo điện cả chục km chỉ cho vài chục hộ sử dụng. Hoá đơn tiền điện/hộ gia đình nhiều khi chưa tới 20.000 đồng/ tháng. Tại nhiều vùng, nhân viên Điện lực phải mất cả nửa ngày đường để có thể thu được tiền điện của bà con.

Đối với ngành điện nói đến hiệu quả của suất đầu tư, hiệu quả kinh tế của các dự án tại những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo này thật khó khăn nhưng những hiệu quả xã hội mà các dự án  này đem lại không thể đo đếm đơn thuần bằng tiền mà là những mục tiêu về an sinh xã hội để dòng điện lưới quốc gia tạo động lực quan trọng nhằm phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Bài: Bạch Thị Hân - Nhóm PV
Ảnh: Nguyễn Quyết Thắng - Nhóm PV