- Nếu trước đây bà con Phú Quốc phải dùng những phương tiện cũ kỹ, thô sơ trong sinh hoạt thì giờ đây đã thay đổi hẳn. Chỉ mới mấy ngày thôi mà nhà nào cũng có nồi cơm điện, bàn ủi, tivi, máy hát v.v...

Phú Quốc đang trở mình

Chúng tôi đến Phú Quốc (Kiên Giang) 10 ngày sau ngày hòn đảo này đón nhận tuyến cáp ngầm 110 Kv vượt biển hòa vào lưới điện quốc gia. Đây là một sự kiện quan trọng có tầm ảnh hưởng lớn với người dân trên đảo.

{keywords}
Cảnh sinh hoạt đầm ấm của một gia đình người dân ở xã Gành Dầu sau khi có điện quốc gia.

Dự án cáp ngầm xuyên biển vừa khánh thành ngày 6/2, dài hơn 57 km đã làm giảm giá điện trung bình ở Phú Quốc từ 5.060 đ/kWh (cá biệt có nơi hơn 25.000 đ/kWh) xuống bằng giá đất liền, bình quân khoảng 1.783 đ/ kWh.

Dạo quanh thị trấn Dương Đông vào buổi tối, dễ dàng cảm nhận được những thay đổi nhanh chóng tại nơi này. Những con đường chính trong thị trấn rực rỡ ánh đèn, quán hàng được trang hoàng lộng lẫy hơn…

Tìm vào những con đường nhỏ. Anh xe ôm nói: “Trước đây về đêm những con đường này chìm trong bóng tối. Nhưng, từ ngày có điện lưới quốc gia, đèn đường đã bật sáng. Điện quốc gia đến với bà con đã làm cho mọi sinh hoạt thay đổi hẳn, bởi giá điện hạ thấp nhiều lần so với trước”.

{keywords}
Chợ đêm Dinh Cậu lung linh ánh đèn

Vào chợ đêm Dinh Cậu. Một dãy phố dài hàng trăm mét đang bừng lên sức sống. Những gian hàng nối tiếp gian hàng đang khoe mình dưới ánh đèn đêm. Du khách tấp nập vào chợ.

Chủ một gian hàng bán quà lưu niệm cho biết, trước đây họ phải oằn mình gánh chịu giá điện khá cao. Nhưng từ ngày có điện lưới quốc gia, giá điện rẻ hơn, những chủ hàng trong chợ đã mạnh dạn quảng bá sản phẩm với du khách và cũng nhờ đó có thể hạ được giá thành, kích thích du khách đến với chợ đêm mua sắm…

Khó có thể nói hết được niềm vui của người dân trên đảo khi có lưới điện quốc gia. Cả một hòn đảo như chuyển mình bởi điện đóng một vai trò thiết yếu trong đời sống hàng ngày. Nhờ có điện giá rẻ, kích thích được sản xuất, đưa người dân đến gần với những tiện nghi sinh hoạt mà từ lâu, ai cũng ái ngại vì giá điện quá cao.

Một người dân cho biết thêm: “Ở thị trấn ít thấy được sự đổi thay khi điện lưới về với đảo. Phải vài năm nữa khi những dự án được hình thành từ hiệu quả của dòng điện mới thấy rõ nét sự đổi thay. Bây giờ, về các vùng xa, những vùng mà người dân hàng ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời mới thấy được sự diệu kỳ đó”.

Gành Dầu hồi sinh

Trước ngày có lưới điện quốc gia, điện tại Phú Quốc chỉ phủ đến được xã Cửa Cạn. Gành Dầu một xã kế cận cách đó gần 20km là xã duy nhất trên đảo Phú Quốc, lưới điện trên đảo chưa vươn tới. Người dân Gành Dầu phải dùng điện do tư nhân sản xuất…

{keywords}
Con đường đến Gành Dầu trải nhựa phẳng phiu. Dọc bên đường, hàng trụ dẫn điện lưới về xã..

Ông Văn Hà Phong, Bí thư Huyện ủy Phú Quốc vui mừng nói: “ở Gành Dầu bây giờ người dân vui lắm. Điện về giúp cho sinh hoạt của bà con thay đổi hẳn. Nếu trước đây, giá điện giá điện do tư nhân sản xuất 25.000đ/kWh thì nay chỉ còn 1.700đ tác động trực tiếp đến đời sống người dân”.

Quả thật, trên con đường hun hút đi đến Gành Dầu, hàng trụ điện với đường dây dẫn đang nối tiếp nhau kéo dài đến trung tâm xã.

Hai bên đường, những vườn tiêu đang đâm chồi nẩy lộc. Dòng nước đến với những gốc tiêu qua mô-tơ điện đã khiến cho sức sống của tiêu trở nên mãnh liệt hơn.

{keywords}
Cửa hàng bán đồ điện với những mặt hàng như nồi cơm điện, ấm điện…

Một chủ vườn tiêu cho biết, tiêu Phú Quốc là một đặc sản nổi tiếng cả nước nhưng sản lượng không nhiều. Nguyên nhân cũng chỉ vì giá điện.

“Trước đây chúng tôi không dám tưới, hoặc chỉ tưới cầm chừng thì nay với giá điện rẻ, cây tiêu sẽ khởi sắc. Hi vọng nhờ có điện lưới, hạt tiêu Phú Quốc sẽ vươn xa hơn…”.

Bãi Gành Dầu là một bãi biển khá đẹp. Từ nơi đây nhìn về hướng tây ngọn núi mờ ảo trong mây là địa phận của nước bạn Campuchia.

Càng đi vào trung tâm xã, cảnh sinh hoạt càng nhộn nhịp hơn. Một người đàn ông dùng vòi xịt nước lên mái tôn để làm dịu bớt nhiệt độ trong nhà. Xa hơn một chút, điểm rửa xe bọt tuyết đang chờ khách.

Cạnh đó, trong tủ kính chưng hàng, gồm nồi cơm điện, bình nước nóng, cùng các dụng cụ sinh hoạt sử dụng điện được bày biện bắt mắt.

“Những hình ảnh này chỉ mới xuất hiện từ khi có điện lưới” – một chị bán hải sản nói.

Ông Nguyễn Văn Bé, một người dân Gành Dầu đã ngoài 70 tuổi thổ lộ: “Năm nay bà con Gành Dầu thật hạnh phúc. Một lúc được hưởng trọn vẹn 2 niềm vui lớn. Một con đường thẳng tắp, tráng nhựa hoàn chỉnh từ thị trấn Dương Đông về đến tận xã được đưa vào sử dụng trước Tết. Vài ngày sau đó, dòng điện lưới quốc gia được kéo về đây làm cho bộ mặt của xã thay đổi hẳn.

Anh đi khắp xã sẽ thấy rõ điều đó. Nếu trước đây bà con phải dùng những phương tiện cũ kỹ, thô sơ trong sinh hoạt thì giờ đây đã thay đổi hẳn. Chỉ mới mấy ngày thôi mà nhà nào cũng có nồi cơm điện, bàn ủi, tivi, máy hát v.v...

{keywords}
Người chủ tiệm tiệm tạp hóa cho biết chị vừa mua chiếc tủ lạnh này dùng để bán hàng, trước đây do giá điện quá cao không thể mơ tới..

Các hộ kinh doanh thì phấn khởi vô cùng. Thời gian kinh doanh được kéo dài, những thiết bị phục vụ kinh doanh bằng điện được phát huy hết công xuất nhưng giá thành lại hạ nhờ dùng điện giá rẻ. Đã rẻ mà lại ổn định và liên tục.

Cảnh cúp điện bất ngờ, điện khi có khi không của dòng điện tư nhân đã không còn nữa. Vài tháng hoặc vài năm nữa anh trở lại đây sẽ thấy một Gành Dầu khác hẳn bây giờ. Tôi tin thế”.

Đảo một vòng qua các con đường trong xã, ghi nhận được niềm vui của bà con gần như bất tận.

Nỗi khao khát đợi chờ đã bao năm nay giờ trở thành sự thật. Cũng như ông Bé, chúng tôi tin tưởng ở một ngày mai Gành Dầu sẽ tươi sáng hơn.

Trần Chánh Nghĩa