Qua gần 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), toàn tỉnh  Ninh Thuận đã huy động được hơn 8.528 tỷ đồng cho xây dựng NTM và đã đạt được một số  kết quả nổi bật. 

Đến hết năm 2018 toàn tỉnh có 20/47 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ 42,55%;  số tiêu chí bình quân/xã tăng dần qua từng năm, từng giai đoạn từ 3,51 tiêu chí/xã khi bắt đầu triển khai đến 12,04 tiêu chí/xã năm 2015 (theo Bộ tiêu chí cũ) và 14,02 tiêu chí/xã năm 2018 (thời điểm tháng 6/2019 theo Bộ tiêu chí mới); đạt được các mục tiêu cơ bản của chương trình theo kế hoạch từng năm, từng giai đoạn và có khả năng hoàn thành sớm mục tiêu chương trình giai đoạn  2016-2020 trước 01 năm.

Từ kết quả đầu tư thực hiện Chương trình và lồng ghép các chương trình khác đã góp phần giảm số lượng hộ nghèo ở khu vực nông thôn, thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn tăng trưởng và phát triển bền vững, an sinh xã hội được đảm bảo. Người nghèo được hỗ trợ, cải thiện một bước về điều kiện sống; tiếp cận tốt hơn các chính sách, nguồn lực hỗ trợ từ nhà nước và cộng đồng phục vụ cho phát triển kinh tế, đã tạo ra việc làm, tăng thu nhập, giảm dần mức chênh lệch so với khu vực thành thị.

Tính đến cuối năm 2018 thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 25,82 triệu đồng/người/năm, tăng 2,16 lần so với 2011 (11,96 triệu đồng/người/năm) và tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới đa chiều giảm xuống còn 11,48%.

{keywords}
Gần 10 năm xây dựng NTM, Ninh Thuận đã có nhiều mô hình nông nghiệp cho thu nhập cao

Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư, nâng cấp qua từng năm, nhất là đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu (Giao thông, thủy lợi, điện, nước ...); lồng ghép các chương trình, dự án khác đầu tư các công trình phúc lợi như trường học, y tế, cơ sở vật chất văn hóa, … đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất và sinh hoạt của người dân; bộ mặt nông thôn ngày một khang trang, hiện đại và sạch đẹp hơn.

Theo lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, qua 10 năm xây dựng NTM, một trong những thành quả quan nổi bật nhất là xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp cho thu nhập cao, nhiều hộ dân thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Ví như mô hình trồng táo sử dụng nhà lưới khá phát triển và cho thu nhập cao ở xã Phước Thuận (Ninh Phước). Trước đây, diện tích trồng táo chỉ vỏn vẹn 60ha, thì hiện nay đã phát triển được 120ha. Trong đó, 90ha đã sử dụng nhà lưới cho vườn táo.

Theo đó, với cách làm này, năng suất táo hiện đạt 4 tấn trái/sào/vụ. Với giá bán hiện tại 18.000 đồng/kg, trừ chi phí lãi gần 70 triệu đồng/sào/vụ.

Ông Đặng Kim Cương, Phó Giám đốc phụ trách Sở NN-PTNT, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tỉnh Ninh Thuận cho biết, sau 10 năm xây dựng NTM, tỉnh Ninh Thuận đã rút ra nhiều bài học quý báu trong quá trình xây dựng NTM.

Thứ nhất,  phải có hệ thống chỉ đạo đồng bộ, hiệu quả, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, nhất là vai trò của người đứng đầu; sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể.

Thứ hai, phải thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng phải là giải pháp quan trọng hàng đầu làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng bằng sự tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp công, của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình là yếu tố quyết định sự thành công của Chương trình.

Điều quan trọng đó là phải có cách làm phù hợp với điều kiện của từng địa phương thông qua lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách không máy móc thực hiện theo quy định và hướng dẫn chung...

Ngoài ra cơ chế chính sách cần phải ban hành kịp thời và phù hợp với thực tiễn. Thực tế cho thấy cơ chế chính sách phù hợp sẽ thu hút doanh nghiệp, nhân dân, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất. Đồng thời phải thường xuyên kiểm tra, giám sát và gắn với các phong trào thi đua, vừa là thước đo kết quả, vừa là động lực cho các tổ chức, cá nhân phấn đấu thực hiện Chương trình.

Bài: Đỗ Thị Thanh Bình - nhóm PV
Ảnh: Vũ Việt Bảo Phùng - nhóm PV