Dân gian truyền tụng câu nói "Tu Phật Phú Yên, tu tiên Bảy Núi", bởi vậy những ngày cận Tết chúng tôi khăn gói về vùng Thất sơn huyền thoại của xứ An Giang - nơi tụ hội đạo sĩ ngày xưa, thuật sĩ giang hồ ngày nay - để nghe tận tai những truyền tụng về bùa ngải yêu đương khiến người đời nay vẫn mơ hồ, bán tính bán nghi.

Nụ cười bí ẩn của kẻ "dính bùa"

Trong câu chuyện cà phê sáng ở vùng Bảy Núi huyền thoại, ông Mai Văn Gấm - một lãnh đạo của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh An Giang - cười sảng khoái khi chúng tôi hỏi chuyện bùa ngải giúp người ta yêu nhau thời nay. "Hết rồi, hết lâu rồi. Thời nay đốt đuốc tìm hổng ra đâu", ông Gấm lắc đầu quầy quậy. "Nhưng hồi tui còn nhỏ thì có à nghen. Có điều, mấy ông thầy đó chết hết rồi. Đến mấy ông bà xin bùa ngải hầu trói trái tim người mình yêu cũng chết cả rồi", ông Gấm, vốn dân bản địa xứ An Giang bao đời nay hé lộ.

Và rồi chuyện xưa được ông Gấm trầm giọng kể đều. Theo đó, hồi ông Gấm khoảng chừng 10 tuổi, gần nơi ông sống có ông thầy bùa tên Năm lưu lạc từ Cao Miên về. Biết thầy Năm giỏi bùa chú, lại cao tay ấn bắt ma trừ tà nên thường nhật người làng chả ai lai vãng đến nhà. Duy chỉ ông Gấm vốn tính tò mò, lại có họ hàng nên thường ghé chơi xem trộm. Ngày nọ, có cô gái làng bên qua xin ông thầy lá bùa yêu. Ông hỏi kỹ lưỡng mới hay cô gái thương thầm nhớ trộm một chàng trai làng này. Thầy Năm hẹn ít ngày quay lại sẽ quyết định giúp hay không. Dù ngạc nhiên nhưng cô gái đành quay về làng chờ đợi. Sau khi cô gái rời gót, thầy Năm bèn xuống làng dò hỏi, mới hay người mà cô gái nọ thầm thương trộm nhớ chưa vợ chưa con, gia cảnh cũng chẳng có gì. Vậy là ông thầy bùa về nhà họa sẵn lá bùa yêu.

Đúng ngày hẹn, cô gái tới hỏi ý thầy Năm. Thầy trao lá bùa không lấy đồng tiền hay lễ vật gì, chỉ căn dặn rằng bỏ lá bùa trong người rồi tìm gặp chàng trai mình yêu mà trò chuyện. Trong cuộc nói chuyện, tay cứ sờ bùa mà nói chuyện cưới hỏi sẽ được như ý. Quả thực, không lâu sau đó hai làng có hỷ sự, cô gái làng bên hân hoan về làm dâu làng này, sinh con đẻ cháu đùm đề. "Hai người đó giờ chết cả rồi. Tui biết chuyện đó nên dõi theo từ xưa đến giờ, thấy hai ông bà yêu thương nhau đến lúc chết chứ có chuyện gì khác thường xảy ra đâu. Sau này có lần tôi đánh bạo hỏi chuyện người bị bỏ bùa yêu ấy, rằng ông ấy có biết mình dính bùa không, ông không nói gì chỉ mỉm cười bí ẩn", ông Gấm kể.

Câu chuyện của ông Gấm ngày càng đi đến chỗ... li kì hơn: "Có hôm thầy Năm tìm gặp bố tôi hỏi "mầy có thằng con nào tên Mai Văn D không?". Bố tôi ngạc nhiên quá mới thưa lại: "Dạ có, nhưng có chuyện gì vậy chú?". Thầy Năm kể, hôm rồi có cô gái đến tìm đòi xin lá bùa yêu để được se duyên với một thanh niên tên Mai Văn D người trong làng. "Tao thấy làng này có mấy người họ Mai cùng họ với tao ngoại trừ gia đình chú mày nên phải hỏi cho rõ". Bố tôi sợ hết hồn, liền hỏi gấp: "Vậy chú có làm bùa chưa?". Thầy Năm cười nói: "Tao chỉ hẹn cô gái ấy mấy hôm mới trả lời, chưa làm". Bố tôi hú hồn hú vía. Mãi sau này, ông D - là anh hai của tui chứ ai, mới biết cô gái xin bùa yêu là bạn học cùng trường". Ông Gấm cũng hé lộ thêm: "Có lần tôi trực tiếp hỏi thầy Năm, rằng: "Ông chú làm bùa yêu có thiệt hay không mà sao nhiều người đến xin vậy?". "Ổng không trả lời, chỉ nhìn tui cười cười, nói: "Mày còn nhỏ, biết gì mà hỏi, mấy thứ này là chuyện người lớn nghen con". Tôi định bụng đến lớn hỏi thêm lần nữa về bùa yêu, nhưng chưa kịp lớn thì ông đã mất".

{keywords}

Một loại bùa yêu (Ảnh: Pháp lý)

Khổ vì ngải yêu... dỏm!

Những ngày cận Tết, núi Sam dập dìu khách tứ phương tìm về chốn tâm linh có tiếng của xứ An Giang. Từ chân núi Sam lên tới đỉnh cơ man là am, cốc nho nhỏ, đây là nơi ẩn thân của thuật sĩ giang hồ tứ phương tụ về. Khách đến núi Sam, ngoài việc cúng bái ở Miếu Bà Chúa Xứ còn dạo bước vãn cảnh núi non lạ lùng. Nếu không cứng lòng, những vị khách phương xa này sẽ dễ dàng sập bẫy của những tên giang hồ thuật sĩ đang ẩn thân chờ... "con mồi".

Hồi đầu năm 2013, một nữ khách đến núi Sam từ Sài Gòn, chị Huỳnh Trần H.L, người vốn mệt mỏi bởi tình trường lận đận hơn 3 năm qua. Trong cuộc tình tay ba, chị H.L vốn là kẻ đến sau. Tình yếu vụng trộm giữa chị và ông L.V.T, người đã có vợ con đề huề, mấy lần suýt lộ khiến ông này sợ hãi buông rơi, xem chị như chuyện qua đường. Tới lui níu kéo mãi không được, chị H.L bèn tìm đến phương cách "tà đạo" để giành bằng được người đàn ông mình yêu.

Theo lời bạn bè chỉ dẫn, chị H.L tìm đến am thầy Hai ở lưng chừng núi. Ông thầy này, theo lời bạn bè chị H.L, là người luyện ngải Cao Miên, rất cao tay. Nghe chuyện của chị, thầy Hai luyện ngải xua tay: "Không phải lo, không phải lo. Gặp thầy một lần khắc được như ý". Chị H.L nghe vậy cả mừng, hỏi một lần gặp xin ngải yêu phải cúng am, dâng thầy bao nhiêu là đủ? Thầy Hai nhẹ nhàng bảo chị "hơn 3 triệu là được". "Hôm đó tính đi tính lại tôi còn không đủ tiền, thiếu một ít. Thầy Hai nói đừng ngại, chuyện đó không đáng. Tôi mừng quá dốc hết tiền khoảng 2,8 triệu để xin thầy ngải yêu. Khoảng 20 phút sau, thầy Hai trao cho tôi túi rút nhỏ bằng vải, nói ngải yêu này thầy luyện lâu rồi, mạnh lắm, thấy tôi gặp cảnh trớ trêu nên mới trao cho", chị H.L kể.

Về Sài Gòn, chị H.L hăm hở tìm cách mời ông T uống cà phê để nói chuyện "dứt điểm" mối quan hệ, dĩ nhiên là với ngải yêu bên mình. Người đàn ông tên T, vốn đã không còn ý tới lui với chị H.L, nay nghe chị nói "dứt điểm" thì cả mừng nhận lời ước hẹn.

Gặp nhau, ông T ngây người khi nghe chị H.L không hề nói gì đến chuyện "kết thúc" mà toàn nhắc đến chuyện yêu đương mùi mẫn, lại nói chuyện tương lai cả hai sẽ này thế này thế nọ. Quá hoảng sợ trước viễn cảnh mà chị H.L say sưa vẽ ra, rằng ly dị vợ, chia tài sản rồi về chung sống, ông T chỉ còn biết chắp tay vái lạy chị H.L cầu mong bỏ qua cho ông. "Ông ấy nói vẫn một lòng một dạ lo cho gia đình, chuyện giữa tôi với ông ấy là một sai lầm, nhất mực xin tôi để gia đình ông yên. Tôi cứ ngỡ ngải yêu của thầy Hai có thể thay đổi tâm tính ông ấy, nào ngờ chẳng ăn thua gì", chị H.L nhớ lại.

{keywords}

Loại bùa yêu này được rao bán với giá 1 triệu đồng. (Ảnh: PLO)

Sau màn "ngỡ ngàng" đó, chị H.L quyết tìm thầy Hai hỏi cho ra lẽ. Lặn lội đến núi Sam lần nữa, đến am thầy Hai thì cửa đóng then cài. Chị H.L lân la hỏi xung quanh mới tá hỏa vì thầy Hai luyện ngải đã bị cơ quan chức năng bắt do hành vi lừa đảo. Chị H.L ngậm ngùi rời núi Sam, cõi lòng tan nát vì gặp đúng "bang môn tà đạo".

Thật mà không thật?

Không thể phủ nhận "sáng tạo" của loài người về bùa ngải yêu đương, bởi không chỉ ở xứ An Giang mới có "cao nhân" làm được loại bùa ngải này. Từ ngàn xưa đến nay còn truyền tụng, thậm chí nhiều "công thức" làm bùa ngải yêu đương được hé lộ ở nhiều vùng, miền khác như Tây Nguyên, Đông Bắc, Tây Bắc. Thế giới cũng không lạ gì bùa ngải yêu đương bởi xứ Ai Cập nhiều kỳ bí cũng có "công thức" yêu đương nay từ xưa đến nay vẫn còn truyền tụng. Câu hỏi đặt ra là trai gái kết hợp thành vợ chồng nên tin vào tình yêu phát xuất từ trái tim hay tin vào quyền năng của bùa ngải khiến trái tim bị sai khiến "phải yêu"?

Một chuyên gia nghiên cứu bùa yêu ở Quảng Trị cho rằng bùa ngải yêu đương có hai dạng: Một là luyện thành thuốc để ép người khác phải yêu mình, có tác dụng tức thời, tối đa là vài tháng. Người bỏ bùa kiều này thường cho thuốc vào áo sau đó rũ áo này trước mặt người muốn bỏ bùa, hoặc nhờ người đó giặt hộ chiếc áo ấy. Khi ngửi hoặc hít loại bột này, hay chỉ đơn giản là giặt áo, nạn nhân sẽ lập tức trở nên không tỉnh táo, làm việc theo sự sai khiến của chủ nhân chiếc áo. Hai là luyện thành "nội lực" phát tiết ra bên ngoài qua cử chỉ như ánh mắt, lời nói... khiến đối phương như bị thôi miên. Theo như mô tả của vị chuyên gia (ở huyện Hướng Hóa) thì "hạn sử dụng" của cả hai loại bùa yêu không tồn tại mãi. Nếu kẻ bỏ bùa ngải yêu đương "hết thuốc" hay "nội lực" suy giảm vì tuổi tác thì đối phương sẽ... trở về nguyên trạng. Nếu như vậy thì làm gì có chuyện kẻ bỏ ngải yêu đương và người dính bùa sống với nhau cả đời?

Trở lại "nụ cười bí ẩn" của người trong cuộc mà ông Mai Văn Gấm xứ An Giang thuật lại bên trên, có thể nói bùa ngải yêu đương chỉ là liệu pháp tâm lý giúp người trong cuộc tự tin vào bản thân hơn khi cởi mở tấm lòng, thổ lộ tình yêu với đối phương. Còn chuyện tiếp nhận tình yêu đó thì tùy thuộc vào người bị cho là "dính bùa" mà trên thực tế khó có "thuốc" hay "nội lực" nào sai khiến được.

Bàn về bùa yêu, GS.TS Trần Trí Dõi, Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam (thuộc Khoa Ngôn ngữ học) kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển các dân tộc thiểu số và miền núi - Trường ĐHKHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), dí dỏm rằng "bùa yêu có thật mà không thật". GS Dõi nói đã nghe nhiều về các loại bùa ngải, vốn là những câu chuyện huyền bí rất hấp dẫn người nghe. "Riêng về bùa yêu thì tôi cho rằng đó là chuyện có thật mà lại không có thật. Bởi vì, có nhiều loại bùa yêu, người ta làm bằng bột, trong đó có chứa chất kích dục. Và trong một chừng mực nhất định nào đó, nó có thể khiến cho một người xa lạ bỗng muốn "gần gũi " với người bỏ bùa. Cho nên, nhiều người mới tưởng, thứ bùa yêu đó có tác dụng thần kỳ. Rồi, họ huyền thoại hóa câu chuyện đó lên và truyền bá ra bên ngoài, sau đó tiếp tục lan truyền đến các đời sau.

Những người đời sau nghe chuyện, cũng nửa tin nửa ngờ nhưng cuối cùng lại chấp nhận tin đó là chuyện có thực, lại đẩy những câu chuyện đó lên như một giai thoại. Do vậy, những câu chuyện về bùa yêu luôn khiến nhiều người tò mò. Còn việc dùng bùa yêu rồi mỗi khi chồng đi ngoại tình, vợ ở nhà rang quần áo để chồng trở về là một câu chuyện không có thực. Bởi vì, ngày xưa, không chỉ có người dân tộc, mà người Kinh cũng hay có tục rang quần áo của người đi xa, để họ nóng ruột mà trở về chứ không phải thứ bùa ngải nào cả", GS Trần Trí Dõi giải thích.

(Theo Gia đình & Xã hội, số Xuân Ất Mùi)