Bà Tư Hoàng sinh năm 1939, lớn lên tại xã Tân Trung (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang). Những năm 1959 - 1960, bà tham gia phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre và Tiền Giang. Sau đó, bà thoát ly lên Sài Gòn làm biệt động thành và bị địch bắt năm 1971.

Tháng 10/1972, bà bị đưa ra Côn Đảo và bị giam ở phòng 6 trại 2 (trại Phú Hải) cùng nhiều chị em tù chính trị khác.

{keywords}
Trại giam Phú Hải - nơi bà Nguyễn Thị Ni bị giam cầm 
{keywords}
Bà Nguyễn Thị Ni, cựu tù đang sống tại Côn Đảo

Nhắm mắt ăn để sống nơi địa ngục trần gian

Theo chỉ dẫn của người dân Côn Đảo, tôi gặp bà tại nhà riêng những ngày đầu năm 2019, khi bà đang chăm sóc người chồng 85 tuổi không còn minh mẫn. Bà bảo "chỉ gặp 30 phút thôi để còn chăm ông...".

Dù ở tuổi 80, nhưng vẻ mạnh mẽ, dứt khoát trong từng câu trả lời đã tái hiện ký ức về những năm tháng ở địa ngục trần gian.

"Vào tù, ai cũng bị đem ra tra tấn để chúng truy xét" - bà nhớ lại. Không khai, chúng dùng dùi cui đập 2 đầu gối, chích điện vào đầu các ngón tay, gí điện vào tai... Cũng có người không chịu được đau đớn đã khai, nhưng cơ bản chị em một lòng xác định: Vào tù cũng là một mặt trận - nếu có hy sinh cũng là hoàn thành nhiệm vụ!

"Bởi vậy, dù bị bỏ đói trong tù, thậm chí chúng cho ăn đồ bỏ đi (khô mục, mắm đắng, tương chua, cá có dòi lúc nhúc...) vẫn phải nhắm mắt ăn để sống" - bà Ni nói.

Nước thì chúng cho 1 người nửa lon sữa bò/ngày. Do vậy phải tích nước phòng những chị em lớn tuổi đổ bệnh thì có nước uống, còn mấy chị còn trẻ khỏe thì nhấm nhấm môi thôi để đỡ khô cổ chứ không đủ nước để uống. Rồi bà chùng giọng "có khi phải tiểu ra uống...".

Còn tắm giặt, đấu tranh thì 5-7 ngày mới cho tắm 1 lần. Mỗi lần ra tắm chỉ được 15 phút cho một chuồng cọp 5 người. Để ai cũng được tắm, chúng tôi phân công tắm luân phiên, người tắm hôm nay sẽ giặt đồ cho người chưa được tắm... Dây phơi đồ được kết từ tóc dài của chị em trong chuồng cọp...

Chưa hết, trời nắng chúng đổ vôi bột từ trên xuống, trời mưa thì đổ nước xuống... Cuộc sống rất gian khổ, nhưng chị em vẫn động viên nhau vượt qua.

Bà nhớ lại lần bị tra tấn, chúng lấy giầy táng bên trái, táng bên phải rồi đạp từ đằng lưng - may tôi khỏe kịp chống tay chứ không đập mặt xuống đất thì bể cái mặt rồi (cười).

Hy sinh trong tù cũng là hoàn thành nhiệm vụ

Theo bà Ni, chúng đánh không có chết nhưng bị bầm dập. Chúng càng đánh, chị em càng đấu tranh phản đối dữ dội.

{keywords}
 
{keywords}
Trại giam Phú Hải
{keywords}
 
{keywords}
Mỗi một "chuồng cọp" có 1 thùng vôi để chúng thả xuống phòng giam

"Tôi được các chị ra trước truyền dạy kinh nghiệm chống lựu đạn cay bằng nước tiểu. Mỗi người có sẵn một chén nhựa nước tiểu, khi địch ném lựu đạn cay vào buồng giam đàn áp, lấy nước tiểu uống sẽ hết ngạt, dùng nước tiểu xoa đều lên hai mắt sẽ hết cay. Bằng cách này, chị em đã hạn chế được thương vong..." - bà kể.

Những trận đòn và những cơn đau dường như cũng chai sạn. Chị em động viên nhau phải đoàn kết, khi bệnh hoạn chăm sóc cho nhau. "Chúng tôi xác định làm cách mạng, một là vào tù, hai là chiến đấu hi sinh ngoài chiến trường. Ba là còn nguyên vẹn không bị ở tù, không bị hi sinh ngoài chiến trường".

Khi bị bắt thì xác định nơi đây là chiến trường - để đấu tranh dứt khoát không đầu hàng, không khai báo ai - dù có hy sinh thì cũng hoàn thành nhiệm vụ. Do đó chúng tôi động viên nhau ráng chịu đựng....

Chúng tôi xác định: Mình vì Đảng, vì nước, vì dân. Nếu người này chết thì người kia đứng dậy. Cho nên phải cố gắng tiến lên, quyết tâm đánh đuổi kẻ thù. Bác đã dạy "Không có gì quý hơn độc lập, tự do".

Năm 1974, bà được trao trả ở sân bay Lộc Ninh (Bình Phước), sau khi đấu tranh đòi trao trả tù binh. Khi leo lên máy bay cũng xác định nếu có bị đổ xuống biển thì cũng hoàn thành nhiệm vụ, chứ không đi là chống lại lệnh trao trả.

Hạnh phúc được gắn bó với nơi một thời bị gông cùm

32 tuổi, chưa một lần hò hẹn, ước duyên. 3 năm bị tù đày, đánh đập, bà xác định nếu phải chết vì cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thì cũng không hối tiếc.

Thế nhưng, duyên đến ở tuổi 44 - năm 1983 bà gặp ông Tư Hoàng. Do bị tù đày, đánh đập nên bà không có con. 

{keywords}
Khách tham quan trại giam Phú Hải 

Tháng 6/1984, bà Ni trở lại Côn Đảo, làm Phó thư ký Công đoàn của huyện đảo và bám trụ đến nay.

"Không có con, ban đầu nghĩ cũng buồn. Nhưng không có phải chịu chứ buồn có giải quyết được vấn đề gì đâu. Sau đó tôi xác định phải vui lên để giữ gìn sức khỏe" - bà niềm nở và thông báo "Tôi năm nay 80 tuổi rồi. Ông 85. Dù nhiều bệnh tật nhưng chúng tôi luôn chăm sóc cho nhau".

Hỏi bà "Nghĩ lại thời gian ở tù bà sợ nhất điều gì?" - bà đáp nhanh: Không sợ gì. Và bà cười tươi: Vì xác định vào tù là giờ phút cuối, một là sống hai là chết chứ sợ không giải quyết gì. Hơn nữa, vào tù thì có chị em. Ai cũng không sợ. Chị em một lòng.

Đến nay, thi thoảng bà vẫn được các đồng đội ghé thăm. Mới hôm Tết, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, một cựu tù Côn Đảo thăm và cho bà quà. 

"Gặp nhau vui lắm nhưng lại nhớ thương nhiều hơn..." - bà nói và mỉm cười "hạnh phúc với tôi là được gắn bó với nơi một thời bị gông cùm, xiềng xích".

Sài Gòn ngày 30/4/1975 qua ký ức của ông Phạm Quang Nghị

Sài Gòn ngày 30/4/1975 qua ký ức của ông Phạm Quang Nghị

“Vui đến nỗi tưởng có thể vỡ tung lồng ngực. Đời tôi được chứng kiến phút này tựa hồ được sinh ra lần nữa”, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội nhớ lại.

Kiều Oanh - Ảnh: Đức Liên