- Trong cơn nức nở, mẹ thuyền viên Phan Xuân Phương chia sẻ: “Tôi không nghĩ nó trở về được! Suốt mấy năm nay, tôi và gia đình thật sự ngày càng ít hy vọng”.

Nức nở ngày trở về

Tháng 2/2012 khi ba thuyền viên Nguyễn Văn Hạ, Nguyễn Văn Xuân và Phan Xuân Phương đang làm việc trên tàu cá FV Naham 3 của Đài Loan thì bị cướp biển Somalia bắt giữ tại quần đảo Seychelles (Ấn Độ Dương).

Cùng với 23 thuyền viên khác đến từ Trung Quốc, Philippines, Campuchia, Indonesia và Đài Loan bị bọn cướp biển giam cầm suốt 4 năm 8 tháng trời.

{keywords}

Anh Phương khóc nức nở gục đầu vào vai mẹ khi gặp lại

Chiều ngày 26/10, khi nghe tin thuyền viên Phan Xuân Phương (27 tuổi, trú tại xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) sẽ trở về nhà sau gần 5 năm rơi vào tay cướp biển, xóm Hưng Đông 2 bỗng nhộn nhịp hẳn lên. Ai cũng nóng lòng đón chờ người con của gia đình, làng xóm trở về.

Chị Nguyễn Thị Hồng (xã Nghĩa Yên) cho biết: "Tôi đang đi làm đồng thì nghe tin nên tất tưởi chạy đến để hỏi thăm và chúc mừng gia đình. Chúng tôi, ai cũng nghĩ nó không có ngày trở về".

{keywords}

 

{keywords}

Thuyền viên trở về trong vong tay người thân, hàng xóm. Nhiều người đang đi làm đồng cũng bỏ việc chạy về chia vui.

Bà Lê Thị Hòa (mẹ anh Phương) vì lo nghĩ cho con nên bị tai biến não, 4 năm qua chỉ ngồi trên chiếc xe lăn suốt ngày nhìn ra mong phép màu cho con trở về.

Trong cơn nức nở bà Hòa nói: “Tôi không nghĩ nó trở về được! Suốt mấy năm nay, tôi và gia đình thật sự hy vọng ngày càng nhỏ dần lại”.

Ông Phan Văn Linh (bố anh Phương) từ khi nhận được tin con trai cứ mong ngày ra sân bay để đón con về.

“Khi nhận được tin, cả nhà chúng tôi nửa tin, nửa ngờ cho đến khi thấy hình ảnh nó trên ti vi. Nhớ lại, khi Phương gọi điện thoại về theo yêu cầu bọn cướp để chuộc con mà vô phương cứu chữa vì lấy đâu ra tiền mà lại ở một đất nước xa xôi như vậy. Tôi đi xin giúp đỡ khắp nơi nhưng đều tuyệt vọng” - ông Linh nói.

Chưa bao giờ có ý định bỏ trốn

Trong niềm hạnh phúc được trở về nhà nhưng khi nhắc lại lúc bị cướp biển khống chế, anh Phương vẫn nổi gai ốc vì sợ hãi.

Năm 2012, khi anh cùng hơn 20 thuyền viên đang ở trên tàu đánh bắt cá thì bất ngờ nhóm cướp biển bao vây, trong tay súng ống bắn đe dọa.

Chỉ trong ít phút, tất cả thuyền viên bị trói tay, trùm đầu và đưa vào đất liền. Cướp biển ép tất cả thành viên liên lạc về nhà để đòi tiền chuộc nhưng không ai đủ điều kiện để thỏa mãn yêu cầu của chúng.

{keywords}

Anh Nguyễn Văn Hạ ôm chầm lấy con sau gần 5 năm xa cách.

Anh Phương cho biết: “Từ khi lọt vào tay cướp biển, chưa bao giờ các thuyền viên có ý định bỏ trốn. Chúng luôn giám sát chặt chẽ, mặt mũi bặm trợn, nếu làm sai ý sẽ bị ăn đòn ngay”.

Suốt quãng thời gian qua, các thuyền viên chưa bao giờ dám nghĩ tới ngày trở về. Mỗi ngày qua đi, các anh động viên nhau để cố gắng vượt qua cơn ác mộng.

Bất ngờ, vào giữa tháng 10 cướp biển đồng ý thả tự do cho các thuyền viên. Nhận tin, các thuyền viên như sống lại.

“Khi chúng ra lệnh thả, ai cũng ngỡ ngàng, ôm lấy nhau trong nước mắt hạnh phúc. Dù tiền bạc không có nhưng được về với gia đình là tốt lắm rồi” - anh Phương nói.

Chưa bao giờ nghĩ sẽ được trở về

Tại thôn Quảng Ích, xã Kỳ Khang (Hà Tĩnh), 19h ngày 26/10, anh Nguyễn Văn Hạ và anh Nguyễn Văn Xuân cũng về đến nhà.

Chị Phạm Thị Hương (chị họ anh Hạ) không cầm được nước mắt, bỏ cả việc đồng áng tất tả chạy đến chia vui.

“Tôi cũng có 1 đứa con đi lao động nước ngoài, cách đây hơn 1 năm bị rơi xuống biển, đến nay chưa rõ tung tích. Chúng tôi là anh em gần, nay thấy chú em trở về tôi lại nhớ đến con, không biết bây giờ ra sao” - chị Hương bùi ngùi chia sẻ.

Ngay khi anh Hạ bước xuống xe, hàng trăm người dân vây quanh chia vui. Vội gạt giọt nước mắt lăn trên gò má, anh Hạ chia sẻ với báo chí. Anh không nghĩ có ngày lại được trở về, vì bọn cướp biển chuyển nhóm anh đến quá nhiều chỗ, có nơi chiến sự ác liệt, mở cửa sổ ra thấy đạn bay vèo vèo, rất nguy hiểm.

{keywords}

Người thân anh Hạ khóc ngất sau hơn 5 năm gặp lại

"Nhóm chúng tôi gồm 26 người bị bắt giữ, ở với nhau, chúng tôi giao dịch bằng tiếng Trung và tiếng Anh, còn bọn cướp biển giao dịch bằng tiếng Somalia.

Hàng ngày họ không bắt làm gì cả, những lúc hết củi thì chúng tôi chia nhau đi kiếm về nấu ăn, nhưng chúng kiểm soát rất chặt" - anh Hạ nhớ lại.

Anh Hạ cho biết, nhóm anh bị giam cầm trên sa mạc, xung quanh có nhiều lùm cây, trong thời gian bị giam giữ, các anh bị đau ốm liên miên, cuộc sống rất khổ sở. Mỗi ngày chỉ được 1 lít nước để sinh hoạt. Họ không đánh đập nhưng nhóm anh bị cô lập với thế giới bên ngoài.

“Ngay lúc này, chúng tôi rất mong muốn báo chí, Chính phủ, công ty có một sự giúp đỡ cần thiết cho chúng tôi sau gần 5 năm bị bắt giữ, giam cầm. Chúng tôi đã thiệt hại sức khỏe, thời gian và tinh thần quá lớn” - anh Hạ tha thiết nói.

Văn Bình - Lê Minh