Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến oan sai, trong đó, một nguyên nhân chính ít được nói tới là việc vi phạm tố tụng của cơ quan thực hành quyền tố tụng.

Oan sai - công dân mất một, nhà nước mất mười

Thời gian qua, dư luận dậy sóng vì phát hiện những vi phạm nghiêm trọng của các cơ quan tiến hành tố tụng dẫn đến những án oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang hay “án oan xuyên thế kỷ” của ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận.

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ án oan được phát hiện, cho thấy tình trạng oan sai trong tố tụng hình sự ở Việt Nam ở mức đáng lo ngại.

{keywords}

Một người (Nguyễn Thanh Chấn) bị án oan 10 năm, một người (Huỳnh Văn Nén) bị án oan 17 năm

Oan trong vụ án hình sự là nói đến người không có hành vi phạm tội nhưng lại bị các cơ quan tố tụng ép buộc cho là có tội, còn sai trong vụ án là người tội nhẹ bị kết tội nặng hoặc hành vi phạm tội này thì bị buộc tội khác.

Oan sai trong hình sự đem lại hậu quả đặc biệt xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ đến đời sống vật chất, tinh thần người bị khởi tố mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mệnh chính trị, uy tín, gia đình, dòng họ…

Nhiều trường hợp, người điều hành, quản lý doanh nghiệp bị oan thì doanh nghiệp bị đóng cửa, công nhân mất việc làm xã hội cũng bị thiệt hại.

Hậu quả lớn khác là uy tín của cơ quan tố tụng, nhân danh Nhà nước để phán xử một người bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Và có những thiệt hại, chúng ta không thể đong đếm bằng vật chất.

Oan sai lỗi lớn do vi phạm tố tụng

Rất nhiều lý do dẫn đến oan sai, nhưng lý do chính lại ít được nói tới, đó là vi phạm tố tụng của các cơ quan tố tụng, của người tiến hành tố tụng trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.

Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa không cho phép cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng được quyền vi phạm pháp luật trong mọi hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

{keywords}

Từ khi bị bắt tạm giam, những chiếc ca nô sản xuất bằng công nghệ tiên tiến của Công ty Việt Séc do ông Vũ Văn Đảo quản lý cũng đắp chiếu, công nhân mất việc làm, doanh nghiệp đình đốn

Điều 12, Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định Trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng: “Trong quá trình tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải nghiêm chỉnh thực hiện những quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về những hành vi, quyết định của mình. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Tâm lý của những người tiến hành tố tụng đối với các vụ án hình sự là xem đối tượng mình đang xử lý, coi họ là những người trước sau cũng sẽ có tội, nên người tiến hành tố tụng có vi phạm thì chẳng ai dám kiện. Giả sử có khiếu kiện thì cũng không thấy có cán bộ nào bị xử lý về vi phạm tố tụng.

Thực tế, mọi người cũng có tâm lý xem nhẹ những vi phạm về tố tụng của cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng. Tuy vậy, nếu xem xét kỹ các vụ án oan sai đã xảy ra, sẽ thấy việc vi phạm tố tụng là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới các vụ án oan sai kéo dài.

Vi phạm tố tụng trong vụ án có dấu hiệu oan sai rõ rệt

Thời gian gần đây, dư luận báo chí đang nói về vụ án chìm ca nô ở huyện Cần Giờ - TP.HCM xảy ra ngày 2/8/2013. Vụ án này được các chuyên gia pháp luật, các luật sư chỉ ra rất nhiều vi phạm về tố tụng.

Trong vụ án này, Cơ quan điều tra khởi tố 2 người với cùng một tội danh: “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” theo điều 214 Bộ luật hình sự.

Nếu muốn khởi tố tội danh theo điều 214 Bộ luật hình sự thì Cơ quan điều tra phải chứng minh được “phương tiện rõ ràng không bảo đảm an toàn” khi đưa vào sử dụng, tuy nhiên nguyên nhân tai nạn thì được xác định không liên quan gì đến chất lượng hoặc tình trạng kỹ thuật của phương tiện. Đây chính là cái sai đầu tiên.

Cơ quan điều tra biết rõ, chiếc ca nô gây tai nạn là tàu BP12-04-02 của Cơ quan Biên phòng tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, thế nhưng quyết định khởi tố lại cho rằng 2 bị can dân sự có hành vi “Điều động ca nô BP12-04-02”. Làm sao ông Vũ Văn Đảo, ông Đinh Văn Quyết, hai bị can trong vụ án này có quyền điều động tàu của người khác mà đây lại là tàu của lực lượng vũ trang?

Việc Cơ quan điều tra đã khởi tố một vụ án, khởi tố bị can khi chưa có đủ căn cứ để chứng minh một người đã thực hiện hành vi phạm tội là đã vi phạm khoản 1 Điều 126 Bộ luật tố tụng hình sự.

Chính vì quyết định khởi tố của cơ quan điều tra không có đủ căn cứ nên đã không được Viện kiểm sát phê chuẩn theo đúng quy định tại khoản 4, Điều 126 Bộ luật tố tụng hình sự.  

Việc Cơ quan điều tra không hủy bỏ quyết định khởi tố khi Viện kiểm sát không phê chuẩn là xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân.

Người có thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân TP HCM đã vi phạm quy định của pháp luật tố tụng hình sự khi phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can sau 49 ngày, vi phạm quy định tại khoản 4, Điều 126, Bộ luật Tố tụng hình sự. Đấy là vi phạm thứ nhất.

Vi phạm thứ hai là người có thẩm quyền của Cơ quan điều tra đã ban hành Bản kết luận điều tra trái pháp luật, vi phạm thời hạn điều tra.

Thời hạn điều tra vụ án được Viện kiểm sát gia hạn hai lần và phải kết thúc vào ngày 4/9/2014, khi hết thời hạn điều tra, thay vì đình chỉ điều tra nếu không chứng minh được tội phạm thì Cơ quan điều tra lại ban hành Bản kết luận điều tra vào ngày 12/9/2014, quá thời hạn cho phép 8 ngày.

Về mặt pháp lý, Bản kết luận điều tra này không thể dùng làm căn cứ để kết tội một người.

Thay vì nêu các căn cứ để chứng minh hành vi “điều động cano BP12-04-02” mà quyết định khởi tố bị can đã cáo buộc thì Bản kết luận điều tra vụ án lại đưa ra các viện dẫn để “chứng minh” các hành vi sai phạm về sản xuất và bán tàu thuyền cho lực lượng vũ trang để cấu thành tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn”. Đây là một sự áp đặt không có căn cứ pháp lý.

Mặc dù vậy, Viện KSND TP.HCM lại vẫn lấy đó làm căn cứ để ra cáo trạng truy tố 2 bị can về hành vi “điều động cano”.

Nếu biết tôn trọng các quy định của pháp luật thì ngay khi xác định được nguyên nhân tai nạn, Cơ quan điều tra đã không khởi tố vụ án “Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” hoặc phải đình chỉ điều tra khi không chứng minh được hành vi “điều động cano” của 2 bị can, hoặc khi hết thời hạn điều tra ngày 4/9/2014 không chứng minh được hành vi phạm tội.

Như vậy nguy cơ kết án oan sai sẽ không xảy ra hoặc nếu có xảy ra thì cũng đã chấm dứt sớm hơn, hậu quả sẽ không lớn về sau.

Vụ án này đã kéo dài hơn 2 năm nay chưa khép lại được. Để giải quyết dứt điểm cần phải có sự vào cuộc và chỉ đạo của các cấp cao hơn.

Khi các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng biết tôn trọng pháp luật tức là biết tôn trọng quyền con người, quyền công dân và như vậy oan sai sẽ giảm bớt.

Diễn biến vụ án chìm cano ở Cần giờ, TP.HCM:

-Ngày 2/8/2013, xảy ra vụ tai nạn giao thông đường thủy khiến 9 người bị tử nạn. Do tài công điều khiển ca nô tử vong nên cơ quan cảnh sát điều tra đình chỉ điều tra vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường thủy”. Tuy nhiên người sản xuất ca nô là ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết đã bị khởi tố, bắt giam 9 tháng để điều tra tội “Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” theo điều 214, Bộ luật hình sự. Trong suốt quá trình bị giam giữ, ông Vũ Văn Đảo kiên quyết không nhận tội.

-Ngày 17/10/2014, Viện kiểm sát cùng cấp hoàn tất cáo trạng truy tố 2 bị can theo khoản 3, điều 214, Bộ luật hình sự và chuyển hồ sơ sang TAND TP.HCM.

-Ngày 17/4/2015, TAND TP.HCM đã quyết định trả hồ sơ lần thứ 1 yêu cầu làm rõ kết quả giám định và nguyên nhân vụ tai nạn.

-Ngày 26/5/2015, Viện KSND TPHCM có công văn khẳng định do không có chứng nhận Đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam là không đảm bảo an toàn. Trong khi đó, ngày 25/6/2015, Cục Đăng kiểm Việt Nam – Bộ GTVT đã có công văn khẳng định ca nô bị nạn của quốc phòng, không thuộc quyền đăng kiểm của Bộ GTVT.

-Ngày 17/7/2015, TAND TP.HCM lại có công văn trả hồ sơ lần thứ 2 yêu cầu làm rõ những cáo buộc không có cơ sở đối với hai bị can.

-Ngày 28/7/2015, Viện kiểm sát chuyển hồ sơ yêu cầu Công an TP.HCM điều tra bổ sung. Sau tròn 1 tháng, ngày 28/8/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM ra quyết định đình tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ bị can đối với ông Vũ Văn Đảo và Đình Văn Quyết, đồng thời thực hiện trưng cầu giám định đối với ca nô bị nạn.

-Ngày 19/11/2015, Hội đồng giám định đã ban hành Kết luận Giám định. Theo kết luận giám định không có bất kỳ nguyên nhân nào liên quan đến tình trạng kỹ thuật, đến chất lượng của phương tiện dẫn đến nguyên nhân gây ra tai nạn.


Theo Luật sư Hoàng Thị Vui/ VOV