"Họ cũng đưa cho chúng tôi một số thư tay, và thư kêu gọi của một số lãnh đạo để làm tin và tôi nghĩ ủng hộ người nghèo thì đồng ý thôi", lãnh đạo Hội CCB Việt Nam trao đổi.

Dùng thẻ Nhà báo không có giá trị

Ngày 12/11 vừa qua, thừa ủy quyền của Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã ký Quyết định số 1971/QĐ-BTTTT thu hồi thẻ nhà báo mang số hiệu IBT 00050, thời hạn 2011-2015 của ông Trần Đức Trung được cấp tại Báo Nhà báo & Công luận thuộc Hội Nhà báo Việt Nam. Lý do là vì từ năm 2011, Báo Nhà báo & Công luận đã chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Trung.

Theo quy định của Thông tư 07/2007/TT-BVHTT của Bộ Văn hóa- Thông tin, ký 20/03/2007, quy định về việc nộp lại thẻ nhà báo như sau: “Người được cấp Thẻ nhà báo nhưng chuyển sang làm nhiệm vụ khác hoặc cương vị công tác mới không còn là đối tượng được cấp Thẻ nhà báo theo quy định tại khoản 1 mục II Thông tư này; người được cấp Thẻ nhà báo được nghỉ chế độ hưu trí nhưng không tiếp tục cộng tác với cơ quan báo chí để hoạt động báo chí; những người đã hết thời hạn hợp đồng lao động nhưng không được ký tiếp hợp đồng lao động mới”- Trích điều Mục 8.1 Thông tư 07/2007/TT-BVHTT.

Như vậy, ngay khi thôi làm việc tại báo Nhà báo và Công luận, ông Trung sẽ phải nộp lại thẻ nhà báo theo quy định. Tuy nhiên, ông Trần Đức Trung vẫn “chìa” thẻ của cơ quan cũ để khẳng định mình là “nhà báo”.

Điều đáng nói ở đây ông Trung với chức danh là Chủ tịch thành viên của Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới (gọi tắt là Trung tâm hỗ trợ người nghèo) và bà Lê Hằng, Tổng giám đốc, cùng điều hành các hoạt động của Trung tâm và đang thực hiện một chương trình có tên là Trái tim Việt Nam. Tấm thẻ này có tác dụng như thế nào với việc “huy động” tiền, chắc không cần nói mọi người cũng biết.

Thư kêu gọi dùng vào mục đích khác

Điều đáng nói, Trung tâm hỗ trợ người nghèo đã đăng phát, sử dụng hình ảnh, bức thư kêu gọi ủng hộ chương trình Trái tim Việt Nam của một số cơ quan, cá nhân, ban ngành để “tạo uy tín”, lôi kéo mọi người tham gia vào kênh đầu tư tài chính kiểu đa cấp dưới danh nghĩa ủng hộ người nghèo.

Trao đổi với một lãnh đạo Hội Cựu chiến binh, ông cho biết: “Khi ông Trung (Chủ tịch thành viên Trung tâm hỗ trợ người nghèo) bà Hằng TGĐ có đề nghị tôi làm cố vấn và ủng hộ chương trình Trái tim Việt Nam, để giúp đỡ người nghèo. Họ cũng đưa cho chúng tôi một số thư tay, và thư kêu gọi của một số lãnh đạo để làm tin và tôi nghĩ ủng hộ người nghèo thì đồng ý thôi” .

Vị lãnh đạo Hội Cựu chiến binh còn cho biết thêm: “Trung tâm có đưa tôi 5 bản (bức thư soạn sẵn) để tôi ký, tôi có hỏi sao lại phải đóng 5 bản, họ bảo tôi chỉ để làm tài liệu lưu trữ. Thế nhưng sau một thời gian tôi phát hiện Trung tâm này đã sử dụng các bức thư này vào mục đích khác và hoạt động của Trung tâm đã không đúng với mục đích là Hỗ trợ người nghèo (có hỗ trợ nhưng rất ít). Do đó, tôi đã nói là tôi không làm cố vấn nữa. Thế nhưng không hiểu sao họ vẫn làm như vậy. Chúng tôi sẽ gửi công văn yêu cầu Trung tâm hỗ trợ người nghèo làm rõ vấn đề này”.

Tại website này có một chuyên mục: THƯ KÊU GỌI, và đăng tải rất nhiều các bức thư kêu gọi ủng hộ chương trình Trái tim Việt Nam. Trong đó có đăng nguyên một văn bản và tự “quảng cáo” trên website là: Thư kêu gọi ủng hộ Trung Tâm Hỗ Trợ Người Nghèo Trong Phát Triển Nông Thôn Mới của Bộ Trưởng Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn Cao Đức Phát.

Không những đăng tải trên website, Trung tâm hỗ trợ người nghèo còn cho photocoppy ra làm rất nhiều bản để phân phối cho các đại lý, trung tâm, hội viên của các tỉnh thành để làm tài liệu “quảng cáo”, thu hút nhiều người dân tham gia đóng tiền.

Thực tế, những lá thư này chỉ ủng hộ chủ trương hỗ trợ người nghèo, chương trình Trái tim Việt Nam, chứ không phải ủng hộ cách làm của Trung tâm hỗ trợ người nghèo.

Trong khi, theo báo chí phản ánh gần đây, Trung tâm này lại có “dấu hiệu” tổ chức chương trình Trái tim Việt Nam để thu hút đầu tư tài chính kiểu đa cấp.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết : “Đối với hành vi lợi dụng danh nghĩa, uy tín của các lãnh đạo nhà nước để tuyên truyền, tung tin sai sự thật nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác làm mất uy tín, ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm của các vị lãnh đạo thì những người có hành vi vi phạm bị xem xét về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điều 258 Bộ luật hình sự ".

(Theo Infonet)