Liên quan đến việc thực hiện tiêu chí văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, đã có nhiều nơi, đặc biệt một số địa phương tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài việc giúp đồng bào phát triển kinh tế, còn đầu tư cho việc bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, thực hiện tốt công tác thống kê, giới thiệu, tuyên truyền về các di sản văn hóa, các sản phẩm hàng hóa đặc thù của địa phương.

Tuy nhiên hiện còn khá nhiều địa phương vẫn đang trăn trở với câu chuyện giữa bảo tồn các giá trị văn hóa với việc phát triển kinh tế.

{keywords}
Phát triển nông thôn mới nhưng phải giữ bản sắc văn hoá

Theo ông Trần Văn Môn, Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương: Cả nước có rất nhiều di sản văn hóa, lịch sử và nhiều di sản đã được thế giới công nhận. Thực tế, việc bảo tồn gắn với phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập từ trước nay rất khó, vì công tác bảo tồn đòi hỏi nguồn lực rất lớn.

Tuy nhiên, việc này đã có hướng đi và giải pháp, đó là phát huy lợi thế của các di sản văn hóa, lịch sử để phát triển du lịch; đã giao cho Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng đề án “Phát triển du lịch nông thôn gắn với nông thôn mới”.

Tại các địa phương hằng năm vẫn tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hóa, văn nghệ để thu hút và đã thu hút được nhiều nhà đầu tư. Qua đó chúng ta có thể huy động được nguồn lực của cả quốc tế, ngân sách, nhân dân trong và ngoài địa phương.

“Hiện nay, việc bảo tồn các giá trị văn hóa gắn chặt với việc phát triển kinh tế để phát huy lợi thế của di sản và các giá trị truyền thống gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, giải quyết việc làm, tăng thu nhập người dân… mặc dù trước mắt còn những khó khăn, nhưng thời gian tới sẽ mang lại nhiều hiệu quả tích cực hơn”, ông Môn chia sẻ tại tọa đàm “Bức tranh nông thôn sau 10 năm đổi mới” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm 8/10, tại Hà Nội.

Chia sẻ với ý kiến cho rằng phát triển nông thôn mới nhưng vẫn gìn giữ, phát huy những giá trị bản sắc văn hoá còn nhiều thách thức, thậm chí chưa có các giải pháp xử lý triệt để, theo quan sát của  ông Hoàng Trọng Thủy, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nông thôn mới, rõ ràng xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả trong sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng con người, đời sống văn hóa con người còn có những bước ngập ngừng và khấp khểnh. Nhiều yếu tố văn hóa ở nông thôn làm người dân chưa cảm thấy an lòng.

Đặt câu hỏi, vì sao còn nhiều thách thức, chưa triệt để? Ông Thủy cho rằng, chúng ta phải chia sẻ với những cán bộ địa phương. Bởi các lý do:

Thứ nhất, ở Việt Nam mâu thuẫn lớn nhất là giá trị mới còn chưa được xác định, giá trị cũ không bị mất đi, cho nên tất cả mọi mặt hoạt động đời sống sản xuất đều có thách thức gay gắt. Thứ hai, người dân thiếu tiếp cận về thông tin, chỉ sử dụng thông tin riêng, chưa tiếp cận cái mới. Thứ ba, những tập quán cũ lạc hậu như một sợi dây trói buộc con người. Đứng trước sự thay đổi lớn người ta dễ mất bình tĩnh, hoặc không cảm thụ được tính thời đại, mà tiếp cận nó một cách hờ hững. Cuối cùng, đó là năng lực, kinh nghiệm, kỹ năng của cán bộ cơ sở còn yếu.

Văn hóa ở nông thôn phải là văn hóa hợp tác trong sản xuất. Phải làm ra những sản phẩm có giá trị cao, trách nhiệm với xã hội. Đơn cử như thực phẩm an toàn, nông sản sạch cung cấp cho con người. Nhưng rõ ràng văn hóa đó không được coi trọng trong nhận thức con người, mà lại nằm ở quy trình sản xuất, tôi cho đó là báo động.

Tiếp theo đó là ứng xử của con người với môi trường. Hiện nay sử dụng thuốc trừ sâu rất bừa bãi, rồi bê tông hóa, chúng ta bê tông hóa nên môi trường sinh thái bị mất cân bằng.

Thứ ba, đó là ứng xử tình làng nghĩa xóm. Văn hóa này còn giữ lại được ở các thôn làng, tuy nhiên, đội ngũ cán bộ chưa sâu sát trong việc nâng tầm văn hóa ở mỗi gia đình.

Và cuối cùng, chúng ta đang hướng đến văn hóa bằng cách xây dựng cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, việc đưa người dân đến đó để hình thành sức khỏe, niềm vui, nhân lên sự chia sẻ gần như vẫn phụ thuộc vào sự tự nguyện của người dân. Sự dẫn dắt của cán bộ cho những điều đó đi theo hướng lành mạnh, vui tươi, nhân ái hơn vẫn chưa được thực hiện triệt để.

Bài: Nguyễn Thị Thu Hằng - nhóm PV
Ảnh: Trần Minh Thúy - nhóm PV