- Thảo luận tại tổ về dự thảo luật Tổ chức Chính phủ sáng nay, ĐB Trần Du Lịch (TP HCM) đề nghị ghi rõ trong luật số lượng thứ trưởng, phó thủ trưởng các cơ quan do Chính phủ quy định. Theo ông là không quá 3 người, trường hợp cần thêm thì UB Thường vụ QH quyết định chứ không do Thủ tướng quyết.

"Bây giờ cứ nâng vai trò tổng cục lên, thêm thứ trưởng, vô hiệu hóa cục trưởng, phó cục trưởng. TP.HCM chỉ nên có 2 phó chủ tịch, không nên biến cấp phó thành một cấp hành chính nữa. Phải nâng vai trò các giám đốc sở lên, chứ không cần thêm phó chủ tịch phụ trách", ĐB TP.HCM phân tích.

{keywords}
ĐB Trần Du Lịch. Ảnh: Phạm Hải

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cũng thấy quá nhiều Phó thủ tướng, "Phó thủ tướng cũng như một cấp lãnh đạo", làm giảm hiệu lực của các bộ trưởng.

ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) chung ý kiến: Các ủy ban của QH đều được quy định rõ chức năng, nhiệm vụ để khống chế số lượng phó chủ nhiệm. Chính phủ cũng nên như thế, có quy định tối thiểu và tối đa, chỉ 4-5 thứ trưởng là đủ, không thể đến 9-10 người được".

Ông Hà đề nghị hàng năm Chính phủ trình QH thông qua tổng biến chế và ngân sách đi theo của cả bộ máy hành chính.

Nhân nói chuyện biên chế, Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền thấy bên tư pháp kiểm soát ngặt nghèo về tổng biên chế, nhưng QH không bao giờ sờ đến tổng biên chế của Chính phủ, các bộ và cả hệ thống hành pháp.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng muốn lần sửa luật này giải quyết được vấn đề tổ chức biên chế trong cả hệ thống: Các cơ quan trung ương phải rõ định biên, bao nhiêu cơ quan, bao nhiêu bộ, cơ quan ngang bộ và ghi rõ trong luật. Bộ máy như thế nào cũng phải ghi rõ.

"Luật không quy định rõ nên phát sinh nhiệm vụ gì lại đẻ ra bộ máy mới. Chống tham nhũng có nhiều cơ quan, bộ máy, rồi hoạt động không hiệu quả lại đẻ ra các bộ máy mới. Ai cũng nói bộ máy cồng kềnh nhưng không có luật điều chỉnh nên vậy", bà Tâm nói.

Tuy nhiên, theo ĐB Huỳnh Thành Đạt, khó đưa cứng số lượng bộ, cơ quan ngang bộ vào luật vì sau thay đổi sẽ khó, mà nên để QH biểu quyết đầu mỗi nhiệm kỳ.

Đủ ban bệ nhưng không quy được trách nhiệm

Quy định trong dự thảo về "chức năng đại diện sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp" của Chính phủ, theo ĐB Nguyễn Thế Trường (Vĩnh Phúc) là chưa rõ: Nay mai thành lập tập đoàn trực thuộc Chính phủ, thì Chính phủ là ai, khi ta không giao cho các bộ quản lý?

ĐB Trần Du Lịch có chung lo ngại: Chính phủ đại diện sở hữu, QH chỉ nghe báo cáo thôi, trong tương lai sẽ có một số tập đoàn lớn như dầu khí, điện lực, khoáng sản... thành tập đoàn kinh tế nhà nước, Chính phủ lại ủy quyền cho các bộ, không chủ quản thành chủ quản, không thay đổi gì hết, vẫn như cũ.

Quy định chung chung "tách chức năng quản lý khỏi chức năng sản xuất kinh doanh" cũng khiến ĐB băn khoăn. Phó chủ nhiệm UB Tư pháp QH Nguyễn Đình Quyền gọi đây là việc "bàn dài và mắc về mặt lý luận": Đảng đã mấy kỳ đại hội nhấn mạnh yêu cầu tách chức năng này, nhưng thực tế các bộ chuyên ngành vẫn quản các DNNN về vốn lẫn con người.

"Từ giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, đến kế toán, văn thư đều vẫn do bộ bổ nhiệm. Ban bệ đủ cả nhưng tài sản vẫn bị mất, thất thoát mà không quy được trách nhiệm cho ai", ông Quyền nhận định việc "lý thuyết suông" này mấy chục năm rồi phải có hồi kết.

ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) cũng khẳng định "bộ muốn quản lý nhưng thực tế đâu có quản lý được": Anh đâu biết ở dưới từng doanh nghiệp người ta làm gì.

{keywords}
ĐB Phạm Huy Hùng. Ảnh: Lê Anh Dũng

"Nhưng nguy hiểm hơn là anh quản lý ngành thì quản lý luôn cả vốn, cả con người, dẫn đến méo mó, thâu tóm, lợi ích nhóm. Mô hình bộ chủ quản không thể có hiệu quả và minh bạch", ông Hùng đề nghị Chính phủ chỉ đại diện chủ sở hữu, còn vốn phải đưa về Bộ Tài chính vốn là cơ quan quản lý vốn ngân sách, trong đó nâng cấp cục quản lý vốn trong bộ hiện nay thành tổng cục, "chứ không phải SCIC (Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước)".

Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi đồng tình với việc thành lập một bộ độc lập quản lý loại vốn này. Ông Trần Du Lịch thì khẳng định các DNNN lớn, tập đoàn phải có đạo luật riêng, hàng năm báo cáo hoạt động trước QH, họp QH chính là hội nghị đại cổ đông, chứ không thể giao hết cho Chính phủ.

C.Hoàng - X.Linh - C.Quyên - H.Nhì