Những năm qua, giảm nghèo luôn được coi là chương trình trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh. Từ những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, các dự án, chính sách hỗ trợ kịp thời của nhà nước, sự chung tay của cả cộng đồng, công tác giảm nghèo bền vững đã đạt những kết quả tích cực.

Quảng Ninh đã đầu tư hạ tầng cơ sở, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề nông thôn và bồi dưỡng nâng cao năng lực cộng đồng tại các vùng khó khăn. Đặc biệt, tỉnh quyết tâm đưa 17 xã (với 154 thôn, bản) và 54 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn vào cuối năm nay, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, về đích trước 1 năm so với kế hoạch ban đầu.

{keywords}
Hạ Long là một trong 3 thành phố được Quảng Ninh quyết định nâng chuẩn nghèo

Cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện, khoảng cách chênh lệch về điều kiện sống, mức sống của khu vực miền núi và đồng bằng cũng như giữa các dân tộc được rút ngắn. Số liệu của UBND tỉnh cho thấy, từ năm 2016 đến 2018, trung bình mỗi năm Quảng Ninh giảm được 1,12% hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 4,56 % xuống còn 1,2% vào cuối năm 2018. Trong năm nay, Quảng Ninh phấn đấu giảm thêm 0,4% hộ nghèo. Các thành phố thuộc tỉnh cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia.

Mặt khác, với sự phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội của tỉnh những năm qua, mức sống tối thiểu của người dân cũng tăng theo. Dẫn đến chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg (700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị) chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu bảo đảm mức sống tối thiểu. Điều này càng thể hiện rõ tại những địa phương có điều kiện kinh tế phát triển như Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí.

Trước thực tế này, tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Quảng Ninh Khóa XIII, UBND tỉnh đã hoàn thiện tờ trình về việc đề nghị nâng mức chuẩn nghèo, cận nghèo tiếp cận đa chiều và các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, áp dụng đối với các thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí. Theo đánh giá của UBND tỉnh, việc nâng chuẩn nghèo, cận nghèo tiếp cận đa chiều và ban hành các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, áp dụng đối với các thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí được đánh giá là cần thiết và phù hợp với yêu cầu khách quan.

Bài: Văn Dương - Nhóm PV
Ảnh: Nguyễn Thảo - Nhóm PV