Thảo luận về Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi sáng nay (13/11), ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đánh giá, ma túy đang bùng nổ, lan rộng, gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng, hết sức đau lòng.

Trước vấn đề “người nghiện ma tuý là bệnh nhân hay tội phạm”, ĐB cho rằng dự thảo luật đã định nghĩa, giải thích rất rõ ràng vấn đề này.

{keywords}
ĐB Nguyễn Anh Trí

Theo ông, người nghiện ma túy là bệnh nhân cần phải được điều trị về thể chất và tâm thần để hết bệnh. Nhưng người nghiện ma túy đó cũng có thể là tội phạm, nếu họ có những hành vi phạm tội và khi đó thì họ phải bị xử phạt như một tội phạm.

Về cơ quan thẩm quyền xét nghiệm ma túy, ĐB cho hay, cơ quan y tế thì làm được xét nghiệm nhưng chưa chắc đã có thẩm quyền, nếu như không được giao cho thẩm quyền đó. Còn cơ quan công an thì có thể thẩm quyền rất to, rất lớn nhưng không phải là cơ quan y tế để làm xét nghiệm về chuyên môn.

“Ở Điều 28 sử dụng cụm từ mà tôi cho là rất hay, đó là cơ quan y tế có thẩm quyền. Như vậy, rõ ràng muốn xét nghiệm ma túy để sử dụng trong việc xác định tội phạm… thì chỉ cần nói cơ quan y tế có thẩm quyền là được. Tức là, họ vừa có chuyên môn về y tế, có thẩm quyền được giao cho làm nhiệm vụ đó”, ông Trí nói.

Theo ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), về thuật ngữ "người sử dụng trái phép chất ma túy", "người nghiện ma túy", nhiều người cho rằng hai khái niệm này là đồng nhất. Song, không phải cứ sử dụng ma túy một vài lần là nghiện, cũng không thể trả lời chính xác sử dụng bao nhiêu lần là nghiện.

"Thực tế có người sử dụng ma túy trong thời gian khá dài nhưng chưa nghiện, chưa bị lệ thuộc vào ma túy, có người sử dụng vài lần đã nghiện. Việc xét nghiệm 1 người cho kết quả dương tính với ma túy chỉ là có cơ sở kết luận người đó có sử dụng ma túy chứ không thể kết luận người nghiện ma túy”, bà Thuỷ phân tích.

Vì vậy, cần xác định chính xác thế nào là người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy để có chế tài, biện pháp với từng đối tượng.

Pháp luật hiện hành chỉ quản lý với người nghiện, không quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Khi họ trở thành người nghiện mới bị quản lý, mới thực hiện cai nghiện, bị quản lý sau cai. Song nếu đã nghiện thì không dễ cai và dễ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

Cũng theo bà, trước năm 2009, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy đã được quy định thành một tội trong Bộ luật Hình sự và có tính răn đe khá cao. Tuy nhiên, sau đó do có sự thay đổi trong cách nhận thức về hành vi này, coi họ là nạn nhân của tệ nạn ma túy, nên Bộ luật Hình sự đã bỏ tội danh nêu trên.

{keywords}
ĐB Nguyễn Thị Thủy

Bà dẫn báo cáo của Bộ Công an năm 2009, cả nước có khoảng 146.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý và sau 10 năm, đến năm 2019 con số này là 225.000 người, tức là tăng 72.000 người.

“Mặc dù luật chưa giao quản lý nhưng trong thực tế ở một số địa bàn phức tạp, công an xã, phường, thị trấn cũng đã phải mở sổ để theo dõi. Nhiều gia đình đã phải nhờ đến cảnh sát khu vực để gọi đối tượng lên để giáo dục, giúp đỡ.

Tuy nhiên, vì chưa có luật giao quản lý, cho nên trong thực tiễn gặp rất nhiều khó khăn”, ĐB Thuỷ bày tỏ.

Bà cho rằng, nếu luật giao quản lý sớm đối với người này thì sẽ giúp cho họ không trở thành người nghiện, sẽ giúp cứu vớt được nhiều con người và nhiều gia đình không lâm vào cảnh bế tắc.

Quản lý người sử dụng trái phép ma túy là cần thiết

Nhắc đến một số vụ án đau lòng với những hành vi mất tính người của những người sử dụng ma túy trái phép, ĐB Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) cho hay, việc tăng cường các biện pháp phòng, chống ma túy, trong đó có tăng cường quản lý đối với người sử dụng trái phép ma túy là rất cần thiết và là yêu cầu cấp bách trong tình hình hiện nay.

Trước ý kiến cho rằng, việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp, ĐB Chính nêu quan điểm, gia đình có một thành viên sử dụng ma túy trái phép là một gánh nặng. Khu dân cư có một công dân sử dụng trái phép chất ma túy là một tiềm ẩn và hậu họa.

Vì vậy, việc cố định các biện pháp quản lý người sử dụng trái phép ma túy là cần thiết, giúp cho chính những người đó hiểu và nhận thức ra tác hại của việc sử dụng ma túy và góp phần vào công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Trước những ý kiến khác nhau về người nghiện ma tuý và người sử dụng ma tuý trái phép, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, hiện nay, những người nghiện ma túy rất đa dạng, từ trí thức, cán bộ, thanh niên, thậm chí trẻ em cũng có.

{keywords}
Bộ trưởng Công an Tô Lâm

“Thái độ của chúng ta, của xã hội như thế nào đối với người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy? Tôi cho rằng, thể hiện điều đó trong luật này phải rất rõ ràng”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, cơ quan chuyên trách về ma tuý có nhiều, mức độ tuy có khác nhau nhưng cùng chung mục đích phối hợp cùng ngăn chặn, đẩy lùi ma tuý. Nhưng cơ quan chủ trì là Bộ Công an, điều này được nêu trong các quy định hiện hành.

“Qua tổng kết kết quả đấu tranh, phòng chống tội phạm ma tuý từ 2017 đến 2019, các cơ quan chuyên trách của Bộ Công an đã trực tiếp phát hiện, điều tra, xử lý trên 95% số vụ, đối tượng tội phạm về ma tuý”, Bộ trưởng Tô Lâm dẫn chứng.

Về vấn đề về quản lý cơ sở cai nghiện, Đại tướng Tô Lâm nói: “Bộ Công an cũng không ngại vấn đề này, nếu luật cho phép, chúng tôi rất sẵn sàng làm việc này. Đây là một biện pháp để ngăn ngừa tội phạm, nếu thấy hiệu quả. Bộ Công an không ngại quản lý vấn đề này”.

Nhiều gia đình có người nghiện ma túy nhắn tin cầu cứu Bộ trưởng Công an

Nhiều gia đình có người nghiện ma túy nhắn tin cầu cứu Bộ trưởng Công an

Chiều nay (2/11), Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi).

Hương Quỳnh