XEM CLIP:

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Xây dựng hôm nay, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho hay, vừa qua, nhiều cử tri trong đó có nhiều chuyên gia kinh tế, kỹ thuật của nước ta rất bức xúc về thông tin chỉ có nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm đến dự án đường cao tốc Bắc - Nam.

{keywords}
ĐB Trương Trọng Nghĩa

“Cử tri cho rằng, đây là hiểu sai do chúng ta xúc tiến chưa tốt. Cử tri đề nghị dự án cao tốc Bắc - Nam phải là công trình tiêu biểu của các thế hệ hiện nay để lại cho con cháu hàng trăm năm sau.

Do đó, con đường này cần phải là một dự án chất lượng cao, bền vững, bảo đảm các yêu cầu chính trị, kinh tế - xã hội và đặc biệt là bảo đảm về an ninh, quốc phòng”, ông Nghĩa nói.

Theo ĐB, nếu có cách làm tốt, công khai, minh bạch, hợp lý thì sẽ huy động được nguồn vốn chủ yếu từ các doanh nghiệp Việt Nam và hàng chục triệu người dân qua phát hành trái phiếu các loại, qua đó giảm gánh nặng nợ công và nợ nước ngoài.

Ông Nghĩa cũng đặt câu hỏi: Chính phủ có biện pháp gì bảo đảm không lặp lại những vấn nạn và hệ lụy của việc chọn thầu dựa vào giá rẻ, cuối cùng đội vốn nhiều lần, công nghệ thấp, chất lượng kém, chưa kể các hậu quả khác, nếu lại xảy ra thì ai chịu trách nhiệm?

Chọn nhà thầu có năng lực, trách nhiệm

Trả lời ĐB Nghĩa vào chiều nay, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ xác định cao tốc Bắc - Nam là một trong những công trình trọng điểm và phải đảm bảo chất lượng là hàng đầu.

Do đó từ công tác tư vấn giám sát cho đến tổ chức thi công, Bộ sẽ giám sát chặt chẽ ngay từ đầu.

“Cần thiết chúng tôi sẽ kiến nghị Chính phủ bố trí nguồn lực để thuê tư vấn nước ngoài giám sát quá trình tổ chức thực hiện để đảm bảo công trình đúng tiến độ và chất lượng.

Một dự án trọng điểm quốc gia mà có vấn đề về chất lượng sẽ rất nguy hiểm. Tôi rất đồng tình với ý kiến đại biểu Nghĩa và chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo”, Bộ trưởng nói.

Về vấn đề đảm bảo quốc phòng, an ninh và tạo điều kiện cho các DN Việt Nam cũng như huy động vốn, ông Thể cho hay, Bộ đã tạo điều kiện để hình thành các liên doanh, để các DN Việt Nam có thể tham gia và tạo điều kiện cho các DN có thêm công ăn, việc làm thì tình hình tài chính sẽ tốt.

Cũng theo ông, việc huy động vốn nếu ta tổ chức được gói tín dụng để hỗ trợ cho dự án, huy động từ dân thì dự án sẽ có ý nghĩa một cách toàn diện hơn.

Trước câu hỏi khi xảy ra có vấn đề thì ai chịu trách nhiệm? Bộ trưởng cho rằng, chúng ta có đầy đủ các cơ quan pháp luật.

“Cá nhân, tổ chức nào vi phạm các quy định về đấu thầu và xây dựng cơ bản chắc chắn sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, ông Thể nhấn mạnh.

"Chia lửa" cùng Bộ trưởng GTVT, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay, quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng là phải lựa chọn các nhà thầu, nhà đầu tư một cách công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật để hạn chế, khắc phục thất thoát, lãng phí trong quá trình đầu tư xây dựng.

{keywords}
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Ảnh: Minh Đạt

“Ưu tiên các nhà đầu tư, nhà thầu trong nước đủ năng lực. Với các nhà thầu, nhà đầu tư nước ngoài thì phải là những nhà thầu, nhà đầu tư có năng lực, trách nhiệm, uy tín và được kiểm chứng.

Không để xảy ra trường hợp đáng tiếc tương tự như dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng đề cập các giải pháp để khắc phục những tồn tại trong lĩnh vực giao thông vận tải như đẩy nhanh tiến độ các dự án đã được bố trí vốn trong kế hoạch vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020, các dự án dở dang.

Đồng thời đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà thầu để thực hiện dự án tuyến cao tốc Bắc - Nam, sân bay Tân Sơn Nhất, sớm đưa vào khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông…

Khi nào 800 người am hiểu thuần thục, đường sắt Cát Linh - Hà Đông mới vận hành

Khi nào 800 người am hiểu thuần thục, đường sắt Cát Linh - Hà Đông mới vận hành

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, tổng thầu Trung Quốc ở dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông xây dựng rất tốt nhưng vận hành thiếu kinh nghiệm.

Hương Quỳnh - Thu Hằng - Trần Thường