Liên quan đến thông tin người Trung Quốc thu mua đất ở các khu vực trọng yếu mà Bộ Quốc phòng trả lới kiến nghị cử tri, trao đổi với báo chí bên hành lang QH chiều qua, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Ở góc độ quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường, tôi cũng hết sức chú ý đến vấn đề này”.

Không vi phạm nghiêm trọng mà chỉ về trình tự thủ tục

Theo như thông tin từ Bộ Quốc phòng, thực trạng người Trung Quốc thu mua đất ở một số vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng khiến cử tri lo ngại là có cơ sở. Vậy Bộ TN&MT đã nắm được thông tin này và đã có động thái gì, thưa Bộ trưởng?

Sáng 27/5, Tổng cục Quản lý đất đai đã có buổi làm việc với Bộ Quốc phòng về việc này. Những thông tin trong báo cáo của Bộ Quốc phòng Bộ TN&MT đã nắm được. 

Về góc độ pháp luật, tôi khẳng định việc cá nhân người nước ngoài không được cấp quyền sử dụng đất đai. Bởi luật Đất đai 2003, 2013 đều quy định chỉ có pháp nhân, còn cá nhân người nước ngoài muốn có quyền sử dụng đấtthì phải thành lập công ty tại Việt Nam.

{keywords}
 Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định cá nhân người nước ngoài không được cấp quyền sử dụng đất đai

Những tổ chức được cho thuê đất là các cơ quan ngoại giao, các pháp nhân được thành lập ở Việt Nam, DN liên doanh mua các cổ phần từ các DN ViệtNam thì họ mới được tiếp cận đất đai. Nhưng đất đai ở đây không phải là cấp cho họ mà cho họ thuê và họ được tiếp cận. 

Đối với Đà Nẵng, từ năm 2019, cá nhân tôi đã yêu cầu Đà Nẵng rà soát kiểm tra trên toàn bộ TP và phát hiện có hiện tượng, một số khu liên quan đến an ninh quốc phòng có DN, cá nhân nước ngoài. Nhưng khi kiểm tra thì thấy họ không vi phạm việc giao đất cho cá nhân. Tất cả hình thức giao đất đều là giao đất cho pháp nhân (doanh nghiệp).

Việc giao đất chỉ thực hiện trong 2 trường hợp: DN liên doanh; DN nước ngoài mua cổ phần từ DN Việt Nam để đầu tư bất động sản, kinh doanh thương mại.

Vậy Bộ có phát hiện các vi phạm như cử tri lo ngại và các địa chỉ vi phạm được xử lý như thế nào?

Chúng tôi cũng phát hiện tại đấy có những vi phạm, như giao cho tổ chức nhưng đất đó là đất ở thì không thể kinh doanh được hoặc là khu vực ấy chưa thực hiện nghiêm luật Đất đai 2013 mà vẫn theo luật 2003. Nghĩa là chưa hỏi ý kiến các cơ quan an ninh quốc phòng.

Sau khi kiểm tra, chúng tôi cùng với Đà Nẵng, đặc biệt là đã làm việc với các Bộ: KH-ĐT, Xây dựng, Quốc phòng, Công an để có biện pháp xử lý. Cái gì phù hợp thì cho tiếp tục, cái gì không đúng chức năng thì yêu cầu phải thay đổi hoặc phải chuyển giao cho Việt Nam. 

Cho đến nay, theo báo cáo của Đà Nẵng mà chúng tôi được biết, toàn bộ các dự án có yếu tố người nước ngoài đang hoạt động không đúng đã được khắc phục. Đặc biệt, những khu vực nhạy cảm thì họ đã chuyển giao cho người Việt Nam.

Việc xử lý những vi phạm trên đến nay đã xong. Chúng tôi đã báo cáo cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Đà Nẵng cũng đã báo cáo để mọi việc rõ ràng.

Tôi sẽ xử lý người cấp giấy sai luật

Việc xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến các sai phạm được tiến hành ra sao?

Việc này trách nhiệm thuộc về cơ quan chuyên môn và giao cho tỉnh xử lý. Các sai phạm không vi phạm nghiêm trọng đến luật mà chỉ về trình tự thủ tục. Nếu nghiêm trọng, doanh nghiệp đã khởi kiện, ở đây DN đã chấp nhận rút khỏi các vị trí này.

Hầu hết các vi phạm này là do thực hiện theo luật Đất đai 2003, lúc đó chưa có quy định về điều kiện an ninh quốc phòng. Đến luật Đất đai 2013 mới đưa các quy định về an ninh quốc phòng vào như 1 điều kiện rất quyết liệt. 

Hiện nay, luật Đất đai 2013 đã quy định rất chặt chẽ rồi, nếu xảy ra tình trạng như Đà Nẵng vừa qua thì trách nhiệm của địa phương vì Bộ không cấp bất cứ giấy chứng nhận cho ai cả, chỉ có địa phương cấp. 

Trách nhiệm của địa phương khi cấp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là phải có từng đó điều kiện mà không đảm bảo là sai. 

Trả lời chất vấn tại kỳ họp trước, Bộ trưởng có khẳng định: “Tôi chưa nghe nói có người nước mua đất ở các vị trí trọng yếu”, vì vậy vừa rồi có ĐBQH dẫn lại và nói rằng Bộ trưởng chưa sâu sát?  

Tôi là người nói dựa trên số liệu. Cho đến giờ, tôi vẫn bảo lưu ý kiến: “Tôi chưa thấy một cá nhân nước ngoài nào được cấp giấy quyền sử dụng đất cả”.

Bởi luật Đất đai quy định rõ ràng! Ai thấy cứ báo tôi, tôi sẽ xử lý người cấp giấy ngay vì như vậy là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Còn cấp giấy quyền sử dụng đất cho pháp nhân thì luật cho phép. 

Pháp luật không bảo vệ người “núp bóng” 

Nhưng rõ ràng là vẫn diễn ra tình trạng người nước ngoài lách luật,“núp bóng” người Việt Nam để thu mua đất ở những vị trí trọng yếu?

Tôi khẳng định lại là không loại trừ câu chuyện "núp bóng" ở Việt Nam. Chẳng hạn như người nước ngoài lấy vợ, lấy chồng là người Việt Nam thì về mặt pháp luật Việt Nam chúng ta chỉ cấp quyền sử dụng đất cho vợ/chồng là người Việt. Hay tình trạng người nước ngoài đưa vốn nhờ người Việt Nam thành lập công ty…

Nhưng pháp luật Việt Nam và quốc tế chỉ bảo vệ người được cấp quyền sử dụng đất là người Việt Nam. Còn người “núp bóng” thì pháp luật không bảo vệ, không được đứng tên.

Vậy, theo Bộ trưởng làm sao để phòng ngừa chuyện "núp bóng" xảy ra trong thời gian tới?

Để ngăn chặn tình trạng núp bóng, chúng ta phải có quy định để hạn chế và kiểm soát nguồn vốn, dòng vốn và năng lực thực tế của người đi mua đất ở những khu vực này. Tất nhiên việc đó không dễ, vì hiện nay chúng ta chủ yếu thanh toán bằng tiền mặt, người dân ở nước ta cũng chưa bao giờ phải kê khai tài sản.

Tuy nhiên, phải tính toán các biện pháp để có thể kiểm soát được vấn đề này. Chúng tôi sẽ tính toán các công cụ kinh tế, công cụ pháp lý khác để có thể kiểm soát chặt chẽ nhất.

Về phía Bộ TN&MT, chúng tôi đang nghiên cứu để tiếp tục tham mưu hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai, trong đó thực hiện thật tốt như trong quy hoạch thì xác định vùng có vị trí địa thế chiến lược về quốc phòng an ninh để đưa ra cơ chế đặc biệt trong vấn đề giao đất, cho thuê đất và cấp quyền sử dụng đất. 

Trong đó, có sự tham gia một cách đồng bộ thống nhất với các luật khác như pháp luật về đầu tư, nhà ở, hôn nhân gia đình để tạo ra các tiêu chí, điều kiện đảm bảo an ninh quốc phòng.

Đồng thời, luật Đầu tư sắp tới sẽ tính, những khu vực xác định khu vực trọng yếu thì vẫn phải kết hợp kinh tế với an ninh quốc phòng. 

Cơ quan chức năng phải tính toán để kiểm soát việc này. Nếu để xảy ra vi phạm thì phải xử lý thật nghiêm. Người Việt Nam mua thì phải chứng minh được dòng vốn, dòng tiền, hay sẽ hạn chế quyền mua, không được mua nhiều đất ở những nơi trọng yếu và đất này không được quyền chuyển nhượng, hoặc chuyển nhượng thì phải có điều kiện.

Quan điểm Bộ TN&MT là không chủ quan, không loại trừ tình trạng “núp bóng” và cách làm sắp tới là làm tốt khâu quy hoạch, cùng đưa ra quy định với hai nhiệm vụ song trùng, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế để có mô hình, đầu tư cho rõ ràng. Việc này phải thống nhất trong luật Đất đai, luật Đầu tư, luật Nhà ở. 

Chủ trương là nơi nào an ninh quốc phòng mà kinh tế tốt thì chỉ nhà nước ta làm, kết hợp song song các nhiệm vụ, không thể coi nhẹ kinh tế cũng không thể coi nhẹ an ninh quốc phòng, phải có cách làm đáp ứng 2 mục tiêu, tính toán hiệu quả đầu tư.

Thu Hằng

Bộ Quốc phòng trả lời về việc người Trung Quốc thu mua đất khu vực trọng yếu

Bộ Quốc phòng trả lời về việc người Trung Quốc thu mua đất khu vực trọng yếu

Trả lời kiến nghị cử tri trước kỳ họp QH, Bộ Quốc phòng nêu hàng loạt bất cập trong việc người Trung Quốc, người có yếu tố Trung Quốc thu mua đất ở các khu vực trọng yếu.