- Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định công tác nhân sự tại kỳ họp cuối cùng của QH khóa 13 đã được chuẩn bị, người được miễn nhiệm không bị động.

Hàng loạt câu hỏi của báo chí đặt ra xung quanh việc kiện toàn nhân sự tại cuộc họp báo sau khi bế mạc kỳ họp. 

Các vị trong Trung ương đều có thông tin

Báo Pháp luật TP.HCM phản ánh một số nhân sự được miễn nhiệm có sự băn khoăn vì "bị động, không được thông báo sớm, ảnh hưởng kế hoạch công tác nhiệm kỳ, đặc biệt là các hoạt động đối ngoại, thăm viếng...".

Tờ báo đặt câu hỏi: "Qua lần kiện toàn này có vấn đề gì cần rút kinh nghiệm để các lần sau làm tốt, uyển chuyển hơn? Liệu đây có phải là tiền lệ cho các nhiệm kỳ tới, cứ sau ĐH Đảng là chuyển giao các chức danh lãnh đạo Nhà nước? Có cần tính toán lâu dài để sửa đổi pháp luật để việc chuyển giao bài bản và chuyên nghiệp?".

Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định việc kiện toàn nhân sự tại kỳ họp này không bị động, đều đã có chuẩn bị, có thông báo của cơ quan cấp trên quản lý cán bộ đến các đối tượng có liên quan.

{keywords}
Ông Nguyễn Hạnh Phúc (giữa): Công tác nhân sự của kỳ họp đúng quy trình

"Các vị cũng đều là trong Trung ương, đều biết thông tin. Công tác nhân sự của kỳ họp này đã thực hiện đúng quy trình về quản lý, miễn nhiệm và bổ nhiệm cán bộ của Đảng, Nhà nước", ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Tổng thư ký QH cũng nhắc lại đây không phải lần đầu tiên có việc kiện toàn nhân sự trong nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ 11 cũng đã làm với 9 chức danh.

"Cũng tùy thời điểm, nếu thời điểm ĐH Đảng và bầu cử xa nhau thì phải có sự kiện toàn để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ", ông Phúc nói.

Phó Tổng thư ký QH Lê Minh Thông cũng nhận định công tác nhân sự của kỳ họp này đã diễn ra suôn sẻ, tốt đẹp. Nhưng việc tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật để làm tốt hơn là việc đương nhiên.

{keywords}
Ông Lê Minh Thông

Quan điểm thể hiện bằng lá phiếu rõ ràng

VietNamNet đặt câu hỏi về việc các tờ trình đề nghị bầu và phê chuẩn bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, có đủ thông tin về căn cứ văn bản và tóm tắt quá trình công tác, nhưng ngoài thông tin "hoàn thành nhiệm vụ" thì không có thêm thông tin nào về phẩm chất, năng lực của người được để cử để cử tri đánh giá sự xứng đáng của người đó.

Trong khi nội dung về ý kiến của ĐB về các nhân sự sau khi thảo luận tại đoàn lại họp kín, không công khai.

{keywords}

Tổng thư ký QH trao đổi: Quy trình công tác cán bộ theo quy định của luật Tổ chức QH, Nội quy kỳ họp QH đều là họp nội bộ.

"Nhưng ĐBQH là đại diện cho dân, qua quá trình ĐB xem xét, đánh giá trên cơ sở hồ sơ mà cơ quan quản lý trình ra QH, đã đầy đủ để ĐB cân nhắc, và thể hiện quan điểm của mình bằng lá phiếu, rất rõ ràng", ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

"Khi công bố kết quả, cũng có người cao người thấp không giống nhau. Đó cũng chính là đánh giá của ĐBQH đối với từng chức danh".

Tổng thư ký QH cũng xác nhận là dù theo quy định, ĐBQH có quyền ứng cử và đề cử, nhưng trong tất cả các bước của quy trình nhân sự tại kỳ họp này, không có ĐB nào ứng cử và đề cử.

{keywords}
Ông Nguyễn Hạnh Phúc

Báo Tuổi trẻ TP.HCM đặt câu hỏi vì sao chức danh Phó Chủ tịch QH của bà Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Thủ tướng Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc không được miễn nhiệm trước khi bầu các vị này giữ chức vụ mới.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc giải thích: QH đã bầu bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch QH thì không cần miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch QH nữa vì không có chuyện kiêm hai chức vụ. Điều này cũng tương tự với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

VnEconomy phản ánh ý kiến cho rằng việc một số ĐB chụp ảnh, quay phim bằng thiết bị cá nhân trong nghi lễ tuyên thệ lần đầu tiên được tổ chức theo Hiến pháp, là thiếu trang nghiêm, thậm chí phản cảm.

Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi: Việc tuyên thệ không phải việc mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện việc này ở Đình Tân Trào năm 1946.

{keywords}

"Việc ĐB đứng hay ngồi trong nghi lễ tuyên thệ khác nhau ở nghị viện các nước, không có quy định nào bắt buộc. Việc các ĐB muốn có hình ảnh kỷ niệm về nghi lễ tuyên thệ tôi nghĩ không có vấn đề gì, là chuyện bình thường. 

Thực tế, qua truyền hình đến đồng bào theo dõi, nghi lễ tuyên thệ đã diễn ra rất trang nghiêm, nhất là với Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, lãnh đạo nữ đầu tiên của QH trong 70 năm qua", ông Phúc cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dần.

Về phát ngôn "một số người tự ứng cử có tổ chức phản động đứng sau", Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Hội đồng bầu cử quốc gia đã nhận được thư kiến nghị của ông Nguyễn Quang A, một trong những người tự ứng cử.

"Chúng tôi đã trả lời là không có việc đó. Đây chỉ là là ý kiến cá nhân chứ không phải ý kiến của Tiểu ban An ninh hay của Hội đồng bầu cử quốc gia", ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định.

Ông cũng nhắc lại việc các ứng cử viên tự do đưa thông tin lên mạng xã hội là quyền của họ, đến khi vận động bầu cử sau hiệp thương lần 3 thì phải làm đúng luật. Việc cản trở báo chí đưa tin các cuộc họp lấy ý kiến cử tri nơi cư trú là trái với luật Báo chí.

Chung Hoàng - Hồng Nhì - Ảnh: Phạm Hải