- Các nước lập quỹ bồi thường oan sai, lấy từ các khoản thu do phạm tội mà có như hối lộ, buôn lậu, ma túy - Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình nêu.

Phát biểu tại thảo luận tổ về dự thảo luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước chiều nay, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình đánh giá, Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới thực hiện bồi thường.

Tuy nhiên chỉ riêng bồi thường trong tư pháp hình sự, oan sai khi thực hiện gặp rất nhiều khó khăn.

Bồi thường kiểu gì cũng bị lên án

Chánh án TAND Tối cao cho biết, thời gian qua ông theo sát các vụ án oan của các ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Trần Văn Thêm.

“Thực sự mà nói bồi thường kiểu gì cũng bị lên án”, ông Bình nhận xét.

{keywords}

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho rằng việc xác định bồi thường oan sai rất khó khăn

Theo ông, nếu bồi thường đúng quy định theo hướng dẫn Bộ Tài chính thì phải có chứng cứ, phải có giấy tờ xác nhận chi tiêu. Kê đúng vậy thì không được bao nhiêu, dư luận lại đặt câu hỏi mười mấy năm mà chỉ được ít, điển hình như vụ Huỳnh Văn Nén.

“Còn nếu đền bù quá nhiều thì sẽ lên án sao Nhà nước mất nhiều tiền thế, ví dụ như vụ ông Chấn”, ông Bình nêu.

Ông cho biết ngay cả khi ra toà cũng khó xử vì có những khoản không thể chứng cứ hoá được như danh dự, sức khoẻ, tinh thần...

Về trách nhiệm bồi thường, ông Bình đề nghị cần có trách nhiệm liên đới. Nếu ở cấp toà án, ngoài việc toà phải xin lỗi, bồi thường, kỷ luật thẩm phán, phải kỷ luật luôn cả điều tra viên và kiểm sát viên.

“Cả 3 đều phải có trách nhiệm bồi hoàn chứ không thể chuyển giai đoạn khác rồi thì vô can. Khi xét thưởng huân chương, chưa chắc ông toà, ông VKS được nhưng kỷ luật đến giai đoạn nào chỉ có 1 ông thì không công bằng”, ông Bình nói.

Ông Bình cho rằng, trong các vụ án oan của ông Chấn, ông Nén là lỗi tổng hợp, có lỗi của điều tra viên, kiểm sát viên, toà án. Giờ thu hồi, không thể nói mình toà án được.

Đề nghị lập quỹ bồi thường riêng

Dẫn lại hàng loạt vụ án thời gian qua, ông Bình cho biết cả diễn đàn QH và dư luận đều đặt ra câu chuyện rất nóng rằng phải lấy tiền thuế từ dân để bồi thường cho việc làm sai của một số người.

“Đây là câu chuyện rất nhức nhối. Nhưng thế giới đã giải được bài toán này rồi. Họ lập 1 quỹ riêng lấy nguồn từ tất cả các khoản thu do phạm tội mà có như hối lộ, buôn lậu, ma tuý, rửa tiền... mà không phải từ tiền thuế của dân”, ông Bình đề xuất.

Ông cũng kiến nghị không nên phân tầng các cơ quan bồi thường ở từng giai đoạn như hiện nay vì rất cồng kềnh, đẻ thêm biên chế.

“Các nước giao đầu mối Bộ Tư pháp. Có phải lúc nào cũng có oan sai đâu, như ở cấp toà án, 10 năm mới có ông Chấn, 17 năm mới có vụ ông Nén. Giờ lập ra một cơ quan ngồi chờ mười mấy năm không có việc thì nên cân nhắc”, ông Bình dẫn chứng.

Chánh án TAND Tối cao cho rằng nên quy về một đầu mối, giúp bộ máy chuyên nghiệp, đàm phán đúng luật, tránh tình trạng Cà Mau, Điện Biên, Bắc Giang, Bắc Ninh... mỗi nơi đàm phán một kiểu theo nhận thức khiến mặt bằng khập khiễng, chỗ thấp, chỗ cao.

Ông cho rằng cần cân nhắc quy định trừ tiền lương của những người gây ra oan sai.

“Có những vụ án nhiều năm mới phát hiện ra, có thể khi đó họ đã nghỉ hưu hoặc đã mất. Giờ người ta trông vào lương hưu ba cọc ba đồng mà lại trừ 30-50 tháng lương, đến chỗ không còn gì để sống. Liệu làm vậy có sinh ra chuyện xã hội khác không?”, ông Bình đặt câu hỏi.

Thúy Hạnh