Góp ý về dự thảo luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia hôm nay tại QH, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho hay, dư luận xã hội đang rất bức xúc chuyện lái xe uống rượu bia gây tai nạn.

{keywords}
ĐB Nguyễn Ngọc Phương. Ảnh: Minh Đạt

Để tăng tính răn đe, ĐB Phương đề nghị bổ sung vào dự thảo luật hình thức xử phạt, kỷ luật từ xử phạt hành chính đến phê bình, khiển trách buộc thôi việc hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

“Mức xử phạt hành chính khi uống rượu bia gây tai nạn hoặc vi phạm các điều khoản khác nhưng chưa tới mức truy tố thì thu bằng lái xe từ 1-5 năm hoặc thu bằng vĩnh viễn, phạt tiền từ 20-100 triệu, tùy theo mức độ vi phạm. Luật pháp của chúng ta chưa nghiêm, vì mức độ xử pháp thường rất nhẹ”, ĐB Phương kiến nghị.

Đồng quan điểm, ĐB Bùi Thu Hằng (Hoà Bình) cũng đề nghị bổ sung hình thức phạt tù không được hưởng án treo trong trường hợp đối với lái xe sử dụng rượu, bia gây tai nạn giao thông nghiêm trọng làm chết người.

Theo bà, quy định này buộc tài xế phải nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật hơn để đảm bảo lái xe an toàn và tuyệt đối không sử dụng rượu, bia trước và trong khi lái xe.

Có nên cấm công chức uống rượu, bia ngoài giờ hành chính?

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Giàng A Chu nhận định, uống rượu, bia ảnh hưởng đến sức khỏe và mất tư cách con người. Có những hành vi có thể ảnh hưởng đến gia đình, người thân, cộng đồng và xã hội.

{keywords}
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Giàng A Chu. Ảnh: Minh Đạt

Theo ông, rượu, bia có từ lâu đời, nhưng đến lúc phải có hành lang pháp lý để điều chỉnh, quản lý và kiểm soát vấn đề uống rượu bia trong đời sống xã hội.

ĐB Chu cho rằng, cần nghiên cứu để có hình thức tuyên dương, khen thưởng, bởi vì thực tế ở một cơ quan hay một địa phương, đơn vị nếu như qua một dịp lễ, Tết mà không có say rượu, không có gây gổ, không có tai nạn thì rất đáng mừng.

Về địa điểm không được bán, không được uống rượu, bia, ông cơ bản thống nhất với Ban soạn thảo, nhưng bày tỏ băn khoăn khi dự thảo luật đưa cả trụ sở cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội và doanh nghiệp vào.

ĐB nêu quan điểm việc này rất khó khả thi, chỉ mới đảm bảo tính công bằng xã hội.

“Còn trụ sở cơ quan của các tổ chức là nơi làm việc, chỉ nên quy định không được uống rượu, bia vào giờ làm việc hành chính.

Ngoài giờ người ta có quyền tiếp khách, giao lưu, sao có thể tránh được vấn đề này. Nếu quy định như vậy, tất cả đổ xô kéo ra quán thì nội hàm vẫn là tiếp khách, vẫn là uống rượu, bia”, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH nói.

Theo ông, Ban soạn thảo nghiên cứu, chỉ nên cấm uống rượu, bia vào giờ hành chính, giờ làm việc.

ĐB Trương Phi Hùng (Long An) cũng cho rằng cần cân nhắc về tính khả thi. Ví dụ, phải làm rõ khái niệm về trụ sở. Trụ sở là toàn bộ khuôn viên của cơ quan, tổ chức hay chỉ là nơi làm việc. Vì trong khuôn viên đó có nhiều phần với công năng khác nhau, như khu làm việc, khu nhà ăn, nhà khách.

Cần có chủ trương cho cán bộ, công chức hạn chế rượu, bia

Tranh luận với ý kiến của ĐB Giàng A Chu về việc chỉ cấm rượu, bia trong giờ hành chính, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng điều này là không được.

{keywords}
ĐB Trần Thị Quốc Khánh. Ảnh: Minh Đạt

Nữ ĐB nhấn mạnh không nên chỉ quy định trong giờ hành chính vì trong giờ nghỉ trưa hay sau giờ chiều chúng ta ăn uống, rượu, bia, đã có nhiều trường hợp gây tai nạn.

“Tôi thấy luật quy định thế này là nỗ lực lắm rồi để cố gắng cho việc phòng, chống tác hại, nguy hiểm đến tính mạng con người cho nên chúng ta nên ủng hộ”, bà Khánh nói.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) thì kiến nghị, nên chăng cần có những chủ trương cho đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức hạn chế rượu, bia và bị xử lý nghiêm nếu vi phạm.

“Nói thật là chỉ cần nghiêm một phần như chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình trước đây đã có thể làm được rồi”, ĐB Lan bày tỏ.

Địa điểm không uống rượu, bia được quy định tại điều 10 dự thảo luật gồm:

1. Cơ sở y tế.

2. Cơ sở giáo dục.

3. Cơ sở hoặc khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi.

4. Cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ.

5. Cơ sở bảo trợ xã hội.

6. Trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ.

Nữ thiếu tá công an: Có người 1 ly rượu đã tắt thở, người 1 lít vẫn bình thường

Nữ thiếu tá công an: Có người 1 ly rượu đã tắt thở, người 1 lít vẫn bình thường

Tác hại của rượu bia đối với mỗi người phụ thuộc vào thể trạng của từng người, cũng 1 lượng bia, rượu đó vào người nhưng tác hại lại khác nhau. Thiếu tá Ksor Phước Hà đề nghị điều chỉnh lại số lượng quy định nồng độ cồn.  

Hương Quỳnh - Thu Hằng