- Chủ nhiệm UB Pháp luật QH Nguyễn Khắc Định cho biết dự án luật Biểu tình vẫn chưa đủ cơ sở để đưa vào chương trình làm luật của QH khóa 14.

Trình bày trước QH sáng nay, ông Nguyễn Khắc Định cho biết dự án luật Biểu tình đã được đưa vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp 11 QH khóa 13 để kịp thời thể chế hóa quy định của Hiến pháp 2013. 

"Tuy nhiên, do đây là dự án luật khó, lại chưa có thực tiễn, cần có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, nên đã lùi thời gian trình dự án luật này. 

Đến nay, Chính phủ đề nghị đưa vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và thông qua tại kỳ họp thứ 4, nhưng qua quá trình chuẩn bị cho thấy nhiều vấn đề quan trọng trong dự án vẫn còn ý kiến khác nhau, hồ sơ của dự án chưa đầy đủ. Do đó, chưa đủ cơ sở để báo cáo QH đưa dự án này vào chương trình", Chủ nhiệm UB Pháp luật nói.

{keywords}

Luật sư Trương Trọng Nghĩa

Thảo luận vấn đề này, luật sư Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề nghị hiểu đúng "biểu tình" là "tụ họp hòa bình".

"Nó bao gồm cả các hoạt động tụ họp mang tính văn hóa, thể thao, du lịch, đáp ứng nhu cầu tang lễ, lễ hội, nhu cầu bày tỏ nguyện vọng, chính kiến, tình cảm... Tính công khai và tính tập thể là hai đặc trưng chủ yếu của quyền này", ông Nghĩa phân tích.

Quyền này đã được hiến định và phải được Nhà nước "tôn trọng, công nhận, bảo vệ, bảo đảm", do đó, chưa có luật là Nhà nước nợ nhân dân, ĐB TP.HCM nhấn mạnh.

Cho rằng việc đưa dự án luật Biểu tình vào chương trình khóa 13 đã giúp nhận diện được nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm, ông Nghĩa tin rằng qua học tập kinh nghiệm các nước, QH hoàn toàn có thể trả món nợ lập pháp này vào khoảng năm 2018. 

"Trong lúc chờ đợi, cần phân biệt rõ những kẻ lợi dụng quyền biểu tình, người biểu tình để chống phá Nhà nước, gây mất an toàn, an ninh cho quốc gia, xã hội, với đa số người biểu tình có trách nhiệm với xã hội, thực hiện quyền hiến định của mình. Cần phân loại nhất quán, xử nghiêm kẻ xấu và bảo vệ công dân tốt trong quản lý biểu tình", ĐB Trương Trọng Nghĩa nói.

Sớm sửa những quy định "ông chẳng bà chuộc"

Việc ban hành dự án luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thực hiện đổi mới, cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN, gặp khó khăn do chưa có hồ sơ về dự án luật này.

{keywords}

ĐB Vũ Tiến Lộc

Điều này khiến ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), trăn trở.

"Thực tiễn thực hiện các luật liên quan đến DN và môi trường kinh doanh thời gian qua đang có quá nhiều bất cập cản trở DN, không đáp ứng yêu cầu hội nhập, đặc biệt là nỗ lực đưa VN vào top 3 về môi trường kinh doanh trong ASEAN, thúc đẩy khởi nghiệp, có 1 triệu DN vào năm 2020", ông Vũ Tiến Lộc phân tích.

Chỉ ra các quy định “ông chẳng bà chuộc”, “ông nói gà, bà nói vịt”, "bộ chồng lấn lên địa phương", "Chính phủ làm thay DN"..., Chủ tịch VCCI cho biết cộng đồng kinh doanh kiến nghị sửa ít nhất 50 luật và 150 điều khoản trong các luật này đang là những "nút thắt" cần tháo gỡ sớm.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho biết giới luật sư sẵn sàng tham gia tích cực để đảo bảo thông qua được luật này vào kỳ họp thứ 2, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh.

ĐB Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) thì nhắc việc đưa bộ luật Hình sự 2015 ra sửa lại vào kỳ họp cuối năm nay và đề nghị cập nhật cho 316 ĐB mới.

"Về sai sót này, cần rút kinh nghiệm về cách thức làm luật, phải huy động được trí tuệ của tất cả các ĐBQH. Hiện các ĐB không phải ủy viên các UB chủ trì thẩm tra ít cơ hội được tham gia ý kiến, trong khi có nhiều người tâm huyết", ông Cương đề nghị cải tiến cách điều hành thảo luận một cách linh hoạt để các ĐB được lên tiếng.

Chung Hoàng