Tại phiên thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ ngày 29/3, Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) đánh giá, đây là nhiệm kỳ mà đất nước đối mặt với nhiều trở ngại rất lớn, phức tạp, khó lường.

Nhưng “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trong muôn vàn khó khăn, thách thức đó, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, bản lĩnh vượt khó của con người Việt Nam, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ được khẳng định.

ĐB Nguyễn Thái Học dẫn chứng kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội và khống chế, kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 không một ai có thể phủ nhận, không một thế lực thù địch nào có thể xuyên tạc, bôi nhọ. Thành quả to lớn này cần được trân trọng, gìn giữ và phát huy.

Một bộ phận cán bộ ngại va chạm

Bên cạnh đó, Phó ban Nội chính Trung ương cũng cho rằng, người dân vẫn quan tâm, lo lắng về những tồn tại, hạn chế kéo dài qua nhiều năm và cũng có thể nói là qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chậm được chấn chỉnh, khắc phục.

Đó là việc đổi mới lề lối làm việc, kỷ luật, kỷ cương, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thiếu quyết liệt, thiếu tinh thần trách nhiệm, trình độ hạn chế, ngại va chạm. Vẫn còn một bộ phận cán bộ thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, không chịu làm việc và ngại va chạm.

{keywords}
Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học

“Chính vì thiếu quyết liệt, thiếu tinh thần trách nhiệm nên dẫn đến tình trạng việc phải làm, cần làm nhưng không làm được, nói không đi đôi với làm, khi làm đôi khi lại làm không đúng những điều đã nói.

Chính vì ngại va chạm nên điều đúng, lẽ phải đôi khi không được tôn trọng, bảo vệ; điều sai, cái ác không bị lên án đấu tranh”, ĐB tỉnh Phú Yên chỉ rõ.

Theo ông Học, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân làm cho nhiều chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra từ đầu nhiệm kỳ không đạt được, nhiều việc phải làm và trong khả năng làm được nhưng đã không hoàn thành. Những mong muốn, đòi hỏi của người dân về một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, vì dân có mặt chưa trở thành hiện thực.

Do vậy, người dân vẫn còn bức xúc, bất bình, không tin tưởng trước những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.

“Một nhiệm kỳ mới của Quốc hội, của Chính phủ sắp được hình thành và đi vào hoạt động, người dân đang rất tin tưởng và kỳ vọng khi người đứng đầu Chính phủ đã chỉ rõ việc khó, khâu yếu của cán bộ sẽ có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ để chấn chỉnh, khắc phục, để con tàu Việt Nam sẽ luôn vững vàng, tiến nhanh, tiến mạnh về phía trước, sớm đưa đất nước trở thành một quốc gia thịnh vượng và hùng cường”, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương nói.

ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (tỉnh Đồng Tháp) cũng phản ảnh, chuyển động của bộ máy còn chậm và chưa vững chắc. Đây đó vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, trên bảo dưới không nghe, trên nóng dưới lạnh và vẫn còn cơ chế xin - cho.

Vẫn còn trường hợp lợi dụng kẽ hở bổ nhiệm con cháu

ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) gửi đến Chính phủ băn khoăn: “Chính phủ đã lèo lái con tàu Việt Nam vượt qua phong ba, bão táp nhưng theo cảm nhận của tôi, Chính phủ còn quá “hiền lành” trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình”.

Hai từ “hiền lành” được ĐB đặt trong ngoặc kép để nói lên tình trạng điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, xin bổ sung, xin lùi, rút các dự án luật còn xảy ra. Một số dự án luật mặc dù có kế hoạch từ đầu nhưng chưa chuẩn bị kịp nên vẫn chưa trình được Quốc hội thông qua như Luật về Hội, Luật Đất đai. Trong khi đó một số dự án luật không có trong chương trình và chưa thực sự chín muồi lại trình và đưa vào chương trình.

{keywords}
ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau)

Đại biểu tỉnh Cà Mau cũng chỉ rõ tình trạng lợi dụng kẽ hở để tham nhũng, để vun vén cho bản thân, thậm chí để đề bạt, bổ nhiệm con cháu, dòng họ vào các vị trí lãnh đạo cơ quan Nhà nước. Còn có tình trạng không rõ ràng, minh bạch trong các văn bản hướng dẫn thi hành luật nên việc chạy dự án, chạy nguồn vốn còn xảy ra…

Ông cho rằng, tình trạng này đồng nghĩa với sự không nghiêm minh, dễ tạo ra tiền lệ không tốt, làm xã hội mất công bằng, thui chột sự phấn đấu, và hệ lụy của nó là sự trì trệ.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận đề xuất rà soát và trình các dự án luật ngay từ đầu nhiệm kỳ, đặc biệt lưu ý các dự án luật còn nợ và đang có vấn đề trong thực tiễn như Luật Đất đai.

“Mạnh dạn thay đổi, xử lý trưởng ngành, địa phương không tuân thủ hoặc lợi dụng khe hở của pháp luật để trục lợi, không còn uy tín để ngành, địa phương mình có nhiều sai phạm. Đồng thời có cơ chế đào tạo, có chế độ chính sách nuôi dưỡng nhân tài”, ĐB tỉnh Cà Mau kiến nghị.

{keywords}
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng)

Tán thành việc Chính phủ đã tự "soi lại mình", ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nêu tình trạng công tác quy hoạch, hạ tầng, quản lý đất đai, đô thị ở một số nơi còn bị buông lỏng; chất lượng công tác lập, phê duyệt quy hoạch còn nhiều lúng túng...

Bà Thúy cho rằng, các sai phạm trong quản lý tài nguyên, đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản ở nhiều nơi không chỉ ở mức "buông lỏng" mà cần nhìn nhận thẳng thắn là "nghiêm trọng" và có hệ thống.

Theo ĐB Thúy, những quy định chưa phù hợp của Luật đất đai là một trong những nguyên nhân dẫn đến tiêu cực, khiếu kiện dai dẳng trong lĩnh vực này nhưng việc sửa đổi Luật này bị lùi đến hết khóa vẫn chưa trình Quốc hội.

Thu Hằng - Trần Thường

ĐB Phạm Thị Minh Hiền gửi tâm huyết đến Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ mới

ĐB Phạm Thị Minh Hiền gửi tâm huyết đến Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ mới

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) nêu ra 2 vấn đề còn tồn tại, hạn chế và sự kỳ vọng của bà vào Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ tới.