Cuối năm 1977, ngọn lửa chiến tranh biên giới Campuchia - Việt Nam bắt đầu lan rộng, khiến cha tôi vừa mừng vừa lo. Mừng là vì hy vọng Khmer Đỏ quay sang gây chiến tranh với Việt Nam thì chúng sẽ không giết hại dân mình nữa.

Lo là vì Khmer Đỏ tuyên truyền rằng “Duôn” (cách gọi miệt thị người VN) sẽ ra tay giết hại người dân Campuchia, nào là cắt cổ, mổ bụng, moi gan …

VietNamNet xin giới thiệu phần tiếp theo trong bài viết của Thiếu tướng Neang Sat do Thượng tá Đỗ Các Đông, Viện lịch sử quân sự Việt Nam dịch và biên tập.

Cha tôi nói tiếp rằng lúc đó vô cùng thất vọng, nếu bộ đội Việt Nam mà thắng Pol Pot và nếu như mọi sự diễn ra đúng như những gì Pol Pot tuyên truyền thì số phận của mình cũng chẳng khác gì thời Pol Pot sao?

{keywords}
Thiếu tướng Neang Sat

Tình thế tựa như xuống nước gặp cá sấu, lên bờ gặp cọp. Cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn không có gì thay đổi ngoài gánh nặng lao động cực khổ bất kể mùa mưa hay mùa khô. Lo sợ và thất vọng từng phút, từng giây. Vẫn có nhiều người bị giết hại mỗi ngày, khi đó cha tự nhủ rằng rồi vào một ngày nào đó sẽ đến lượt mình đây? Sự sợ hãi không thể diễn tả nổi, nếu muốn trốn chạy cũng chẳng có cơ hội vì toàn xã hội ấy đã trở thành ngục tù không tường chắn.

Đầu tháng 1/1979, tiếng súng rền vang từ xa vọng đến như sấm dậy, cha và những người cùng làm việc trong trại tập trung cũng không mấy để ý. Nhưng điều đáng nhớ lúc đó là có rất nhiều người dân vùng 203 phía Đông đã chạy dạt sang vùng phía Tây Bắc hòng tránh sự tấn công của Bộ đội tình nguyện Việt Nam và quân đội Mặt trận đoàn kết cứu nước Campuchia.

Khmer Đỏ tuyên bố công khai rằng Quân khu phía Đông đã phản quốc, cấu kết với kẻ thù xâm lược. Khmer Đỏ luôn coi Việt Nam là kẻ thù truyền kiếp cần kiên quyết diệt trừ. Diệt trừ cho dù là con trẻ còn nằm trên võng cũng không tha. Nhưng trước khi diệt trừ kẻ thù bên ngoài thì cần phải tiêu diệt kẻ địch nội bộ đang cấu kết với kẻ thù đã.

Đến vùng giải phóng với sức vóc đã cạn kiệt

Khi đó những người mà Khmer Đỏ cho là phải diệt trừ trước tiên là cán bộ chính quyền các cấp cho đến lực lượng vũ trang phía Đông, sau đó là những người dân, có một số gia đình bị sát hại tiệt cả giống nòi, bất kể là gái trai, già trẻ đều bị giết hại khi bị gán là: phản bội Angkar, phản bội cách mạng hoặc chống cách mạng.

Về cách thức giết người, Khmer Đỏ sử dụng mưu đồ là cử đi học hoặc chuyển trang trại theo lệnh của Angkar.

Chỉ vài ngày sau đó, quần áo của những người bị hại đó đã được mang chia lại cho người dân khác, vì vậy cha mới hiểu rằng tất cả những người đó không được cử đi học và cũng không chuyển trang trại gì cả, mà cứ đi mãi, có ngày ra đi không thấy ngày quay lại!

Trước mắt là quang cảnh đau thương, man rợ làm cha vô cùng sợ hãi, việc chém giết diễn ra trong mọi hợp tác xã của huyện Bakan, huyện PhnomKrovanh. Vì địa bàn ở gần nhau nên cha có thể nhận được thông tin chính xác. Nơi nào cũng có sự chém giết dã man, tàn bạo như nhau mà thôi!

Ngày mùng 7 tháng giêng năm 1979, Phnom Penh được giải phóng, đa phần các tỉnh khu vực phía Đông sông Mekong cũng được giải phóng hoàn toàn. Tiếng đạn pháo nghe ngày càng gần hơn, lực lượng của Khmer Đỏ đã bí mật cơ động chuyển tới vùng biên giới phía Tây giáp với lãnh thổ Thái Lan.

Tỉnh Kampongchhnang và Pusat được giải phóng kế tiếp sau Phnom Penh không bao lâu. Toàn bộ lực lượng lao động sống tại các trang trại đã tự tan rã, một số bị ép buộc chạy vào rừng theo Khmer Đỏ, một số lánh sang vùng giải phóng.

Thật là may mắn cho cha! Cha tôi đã thốt lên đầy sung sướng rằng cha đã lượm được tờ truyền đơn rải từ máy bay xuống được gọi là Chính sách 11B và 8B của Mặt trận đoàn kết cứu quốc. Cha đã đọc hết tờ truyền đơn với niềm vui chưa bao giờ dám mơ tới, đọc đi đọc lại nhiều lần để tìm hiểu rõ xem là sự thật hay là sự giả tạo.

Nhưng đó là sự thật, không hề giả tạo, đó là một mầm hy vọng cho tính mạng của cha mẹ tôi. Cha đã gặp lại mẹ và các con lần đầu tiên sau khi cả gia đình bị chia ly tới các “công xã” khác nhau, cha không hy vọng rằng sẽ được gặp lại người thân nữa vì tính mạng lúc đó chỉ biết sống cho mình mà thôi, không có ai có thể giúp cho ai được.

Khi nhìn thấy nhau, cha chạy đến với mẹ tràn ngập niềm vui khôn tả, không thốt lên lời nào khác ngoài tiếng Em! Em! Tiếp đến là nước mắt cứ tuôn trào cùng với tiếng nấc nghẹn ngào của tình chồng vợ, từng được yêu thương nhau bằng con tim, được tổ chức hôn lễ đúng theo tục lệ truyền thống dân tộc Phật giáo của chúng ta.

Lát sau cha mới cất lời ngắt đi sự nghẹn ngào xúc động ấy, Em yêu, có khỏe không?. Mẹ quá xúc động chỉ gật đầu thay cho lời nói. Lần gặp lại đầu tiên giữa cha và mẹ là vận may lớn không ngờ tới, mừng vui xen lẫn lo âu vì Khmer đỏ đã nhồi nhét vào đầu về vấn đề Việt Nam …. nhưng nội dung Chính sách 11B và 8B của Mặt trận đoàn kết cứu quốc đã khiến cho cha mẹ vui mừng nhiều hơn là lo âu.

Cha đã nói rất cương quyết rằng nếu như chạy vào rừng hay lên núi thì chúng ta sẽ chết. Bởi không có cái ăn, ốm đau không có thuốc, không nơi nương trú ổn định; còn nếu chúng ta đến vùng giải phóng theo lời kêu gọi của Bộ đội tình nguyện Việt Nam và quân đội Mặt trận đoàn kết cứu quốc có lẽ chúng ta có nhiều hy vọng.

Chúng ta tiến về phía trước, nếu chết thì coi như xui xẻo vậy, vì địa bàn chúng ta sinh sống còn có lúa gạo, rau, cá thịt hơn hẳn không có gì nếu lên rừng. Chúng ta đi không chần chừ do dự. Cha mẹ đã thoát ra khỏi bìa rừng với sức vóc đã cạn kiệt và nỗi sợ hãi đang đeo bám.

{keywords}
Tình cảm gắn bó giữa nhân dân Campuchia và bộ đội Việt Nam. Ảnh tư liệu: QĐND

Lời chào bộ đội tình nguyện

Xin chào! Cha mẹ, cô dì, chú bác, anh chị ạ! Đó là những lời nói thân mật của lực lượng quân đội Mặt trận đoàn kết cứu quốc và Bộ đội tình nguyện Việt Nam được cất lên lần đầu khi gặp mọi người chúng ta, thường trực với nụ cười và cử chỉ thân thiện khác hẳn những gì mà Khmer Đỏ đã lừa gạt rằng họ là những người man rợ.

Lúc đó có một người đàn ông luống tuổi là Bộ đội tình nguyện Việt Nam đã nói với cha mẹ và mọi người rằng đây là nhóm người thu dung đợt mới, cha mẹ không nghe được tiếng Việt Nam.

Có một người làm phiên dịch thuộc lực lượng quân đội Mặt trận đoàn kết cứu quốc tuyên bố rõ ràng, dõng dạc rằng: “Mong tất cả bà con cô bác hãy yên tâm, không lo sợ gì nữa! Chúng tôi đến để cứu giúp bà con thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Bà con được tự do rồi, bây giờ bà con hãy trở về quê hương làng xóm, trở lại ngôi nhà thân yêu của mình, xây dựng cuộc sống mới. Chúng ta cùng nhau hồi sinh lại đất nước, sẽ có tôn giáo, có trường học, có bệnh viện, có chợ và có tiền tiêu! Nói tóm lại là có tất cả mọi thứ sau khi bị Khmer Đỏ tước đoạt mất tự do và tàn phá tất cả. Bà con sẽ thực sự trở thành người chủ đất nước, bắt đầu xây dựng lại cuộc sống mới, một tương lai đầy hy vọng”.

Cha nghe những lời ấy mà lòng vui mừng khôn tả, cha mẹ nghĩ rằng những người đến cứu giúp lúc đó thực sự là thần thánh mà chúng ta đã từng chờ đợi vô vọng nhiều năm trong cùng cực khổ đau.

Thủ tướng Hun Sen nhớ lại món canh sườn cách đây 40 năm

Thủ tướng Hun Sen nhớ lại món canh sườn cách đây 40 năm

Trở lại nơi đầu tiên đặt chân khi đến Việt Nam 40 năm trước, Thủ tướng Hun Sen nói: 'Lúc ấy, đến VN tôi mới được ăn cơm', và ông nhắc lại món canh sườn.

Thiếu tướng Neang Sat