- Chiều 22/5, phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm tiếp tục diễn ra với phần thẩm vấn các bị cáo về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

XEM NỘI DUNG PHIÊN XỬ SÁNG 22/5:

Xử bầu Kiên: Tranh luận nảy lửa về 'kinh doanh trái phép'

Ngày thứ 3 xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm diễn ra hết sức căng thẳng với phần xét hỏi liên quan đến hành vi kinh doanh trái phép và trốn thuế.

Lỗi của bên huy động?

Bị cáo Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng ACB, là người đầu tiên trả lời thẩm vấn của HĐXX.

Theo cáo trạng, từ tháng 6 – 9.2011, Lý Xuân Hải đã chỉ đạo và ủy quyền cho kế toán trưởng ủy thác số tiền hơn 718 tỉ đồng cho 19 nhân viên Ngân hàng ACB gửi tiết kiệm vào Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP.HCM với lãi suất trong hợp đồng là 14%/năm và lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng là 3,7 đến 13%/năm.

{keywords}
Nguyễn Đức Kiên tại tòa - Ảnh: Nam Phong

Cơ quan điều tra khẳng định: toàn bộ số tiền này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng Viettinbank chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh) chiếm đoạt. 

Trả lời HĐXX, bị cáo Lý Xuân Hải cho biết: chủ trương ủy thác cho nhân viên ACB gửi tiền được thực hiện vào khoảng tháng 3/2010. Trước đó, trong cuộc họp Hội đồng quản trị và Hội đồng sáng lập vào ngày 22/3/2010, chủ trương này đã được các thành viên trong HĐQT thông qua.

Tại thời điểm đó, Ngân hàng ACB có 11 thành viên nằm trong Hội đồng quản trị, thường trực gồm Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang và bản thân bị cáo Lý Xuân Hải.

Khi HĐXX đặt câu hỏi: “Việc để nhân viên đi ủy thác tiền gửi là trái quy định với Luật tổ chức tín dụng. Vì sao vẫn thực hiện?”, bị cáo Hải cho rằng: "Lúc này, Luật tổ chức tín dụng có hiệu lực nhưng chưa có hướng dẫn nên theo quy định của NHNN thì vẫn áp dụng văn bản cũ".

Bị cáo Hải phủ nhận rằng cá nhân mình không chỉ đạo thực hiện ủy thác tiền gửi, người thực hiện việc này là Nguyễn Văn Hòa (thời điểm đó là Kế toán trưởng Ngân hàng ACB - PV); việc Hòa thực hiện việc ủy thác tiền gửi là thực hiện chủ trương của HĐQT.

Kết thúc phần thẩm vấn Lý Xuân Hải, tòa truy vấn bị cáo Trịnh Kim Quang cũng với tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Khác với lời khai của Lý Xuân Hải, bị cáo Quang cho biết người đề xuất tiền gửi là ông Hải; cá nhân mình không biết việc gửi tiền vào ngân hàng Vietin bank.

“Việc gửi tiền vượt trần (trên 14% thời điểm đó) không phải lỗi của Ngân hàng ACB mà lỗi của bên huy động -Ngân hàng Vietinbank”
– bị cáo Quang cho hay.

Quyền lực vô hình của bầu Kiên ở ACB

Nói về vai trò của bầu Kiên, bị cáo Trịnh Kim Quang cho biết, ở ngân hàng ACB hai người giữ vai trò là linh hồn là ông Trần Mộng Hùng – Chủ tịch Hội đồng sáng lập và Nguyễn Đức Kiên (Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập). Trong đó, người có quyền lực vô hình không ai khác chính là ông Nguyễn Đức Kiên. 

Bị cáo này cho rằng nhận thức của cá nhân tại thời điểm xét xử và thời điểm lấy lời khai tại cơ quan điều tra là khác nhau. Đối với một số lời khai tại cơ quan điều tra, bị cáo Trịnh Kim Quang cho rằng bị ép cung. 

Cuối ngày xét xử, HĐXX tiến hành thẩm vấn bị cáo Phạm Trung Cang (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB).

Ông Phạm Trung Cang bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo cáo trạng của VKS tối cao, hành vi của ông Phạm Trung Cang liên quan đến việc Ngân hàng ACB ủy thác tiền gửi vào Ngân hàng Vietin bank, gây thiệt hại số tiền hơn 718 tỷ đồng.

Tại tòa, bị cáo Cang cho biết, bắt đầu từ ngày 31/12/2010, có đơn từ nhiệm để sang làm việc cho ngân hàng khác và được được chấp thuận sau đó. Mặc dù có đơn từ nhiệm nhưng bị cáo này vẫn có chân trong hội đồng tín dụng của Ngân hàng ACB.

Về việc ủy thác tiền gửi cho các nhân viên, bị cáo này cho hay, sau khi từ nhiệm không được báo cáo do không còn là thành viên trong HĐQT. Bởi vậy, không biết ngân hàng ACB có còn thực hiện ủy thác tiền gửi hay không.

Trả lời HĐXX về vai trò của bầu Kiên trong việc ra Nghị quyết HĐQT, Phạm Trung Cang khẳng định: nếu bầu Kiên không đồng ý thì Nghị quyết HĐQT sẽ không thông qua được bởi ông Kiên giữ vai trò rất quan trọng trong Hội đồng sáng lập. 

Theo bị cáo Cang, người đưa ra sáng kiến gửi tiền vào các ngân hàng là Lý Xuân Hải. Mục đích Hải đề xuất gửi tiền là nhằm tránh tình trạng thua lỗ. Ý kiến của Hải đã được Hội đồng sáng lập đồng ý. 

Nói về vai trò của Hội đồng sáng lập, bị cáo Nguyễn Đức Kiên cho rằng, Hội đồng này chỉ là cơ quan tư vấn cho HĐQT trong điều hành Ngân hàng ACB.

Về cuộc họp thường trực HĐQT ngày 23/10/2010, bầu Kiên cho biết, đó là cuộc họp giao ban và có mời các thành viên hội đồng sáng lập tham dự. Tại cuộc họp, Lý Xuân Hải đề xuất việc ủy thác tiền cho nhân viên đi gửi tiền ở ngân hàng khác.

Liên quan đến việc gửi tiền ở ngân hàng Viettin bank, ông Kiên khẳng định đã được HĐQT đồng ý và thông qua; ông Hòa – Kế toán trưởng của Ngân hàng ACB thời điểm đó chỉ là người thực hiện theo nghị quyết của HĐQT.

Ngày mai, 23/5, tòa sẽ tiếp tục với phần xét hỏi

Hoàng Sang