- Nếu các khó khăn về tiếp cận vốn, hàng tồn kho… không được xử lý thì khả năng GDP đạt 5,5% như mục tiêu QH đề ra cho năm 2013 là rất khó khăn - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo với QH trong phiên khai mạc kỳ họp QH sáng nay.

Bất động sản còn gặp khó

Sáng nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thay mặt Chính phủ, đã trình bày báo cáo tóm tắt việc thực hiện mục tiêu kinh tế xã hội thời gian qua và định hướng sắp tới.

Theo đánh giá chung của Chính phủ, trong 4 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực song vẫn cho thấy nhiều dấu hiệu khó khăn, thách thức, ẩn chứa nhiều rủi ro.

{keywords}
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ 2 từ trái qua) giờ giải lao phiên khai mạc kỳ họp QH sáng 20/5. Ảnh: Lê Anh Dũng

 

Cụ thể, tất cả các khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và khu vực công nghiệp, xây dựng đều gặp khó. Thị trường bất động sản còn gặp nhiều khó khăn.     

Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể và phá sản vẫn cao. Tiến độ thu ngân sách chậm hơn cùng kỳ các năm trước; giải ngân vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước đạt thấp. Trong lúc đời sống nhân dân khó khăn thì các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ lại chậm đi vào thực tiễn.

Số liệu thống kê cho thấy các chỉ số cơ bản cũng phản ánh tình trạng khó khăn.

Tính bình quân, chỉ số giá 4 tháng đầu năm 2013 tăng 6,83% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng GDP quý I (giá so sánh 2010) ước đạt 4,89%, cao hơn cùng kỳ năm 2012 (4,75%).

“Mặc dù mức tăng trưởng GDP quý I năm 2013 không cao như kỳ vọng nhưng là mức tăng hợp lý trong điều kiện nền kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, phải ưu tiên tập trung thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Phúc cho hay.

Đáng quan ngại là tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ đạt 2,24%, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm gần đây.

Sớm lập công ty quản lý tài sản

Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn chỉ ra một số thách thức trong thời gian tới, như khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, tình trạng phá sản, tồn kho….

“Nếu các khó khăn nêu trên không được xử lý thì khả năng GDP đạt 5,5% như mục tiêu QH đề ra cho năm 2013 là rất khó khăn”, Chính phủ đánh giá.

Theo ông Phúc, Chính phủ đã xác định một số nhóm giải pháp cần làm thời gian tới để tháo gỡ khó khăn.

Nhóm giải pháp thứ nhất là tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2012. Điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa. Tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, giảm chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay. Quản lý tốt hơn thị trường vàng, thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.

Tăng cường quản lý ngân sách nhà nước; phấn đấu giữ bội chi ngân sách như đã được QH thông qua (4,8% GDP). Kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách nhà nước. Tiếp tục thực hiện chủ trương điều chỉnh giá điện, than cho điện, nước, dịch vụ công về giáo dục, y tế theo cơ chế thị trường với lộ trình phù hợp.

Nhóm giải pháp thứ hai là tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, xử lý nợ xấu, phát triển thị trường, tăng sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa. Chính phủ khẳng định sẽ chỉ đạo quyết liệt việc xử lý nợ xấu, sớm thành lập công ty quản lý tài sản Việt Nam.

Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu chính quyền các cấp khẩn trương ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt chương trình hành động tái cơ cấu trong lĩnh vực quản lý nhà nước được giao và đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế đã được phê duyệt.

Tiếp tục thực hiện lộ trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng theo đề án và các phương án đã được phê duyệt; trong đó tập trung vào xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, tiết kiệm chi phí; tăng cường việc giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm bảo đảm an toàn cho từng tổ chức tín dụng và toàn hệ thống.

Cùng với phát triển kinh tế, Chính phủ cũng đặt trọng tâm phải bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ.

Ngoài ra, Chính phủ vẫn tiếp tục kiên trì các giải pháp khác về cải cách hành chính, đối ngoại, quốc phòng an ninh, chống tham nhũng.

Theo đó, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính; tích cực triển khai đề án cải cách chế độ công vụ, công chức; xây dựng hệ thống vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính nhà nước...

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra để phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng. Đề cao trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo...

Về quốc phòng an ninh, Chính phủ vẫn sẽ tiếp tục tăng cường tiềm lực quốc phòng, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội. Tiếp cận khoa học công nghệ quốc phòng tiên tiến, làm chủ trang thiết bị kỹ thuật, vũ khí hiện đại.

Các nhóm giải pháp trên sẽ được các ĐBQH thảo luận tại các phiên họp tổ và tại hội trường, sau đó sẽ ban hành Nghị quyết vào cuối kỳ họp.

Lê Nhung