- Đề cập tái cơ cấu ngân hàng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thúc giục xử lý những vụ việc nổi cộm đã khởi tố từ lâu như vụ bầu Kiên để niềm tin của dân đối với hệ thống ngân hàng không bị giảm sút.

Thảo luận ở tổ đại biểu QH về tình hình kinh tế - xã hội sáng 24/10, Phó Chủ tịch nước phản ánh ý kiến cử tri khi thấy vụ việc như bầu Kiên, Dương Chí Dũng khởi tố đã lâu nhưng nay “trầm lắng”, xét xử chậm trễ.

Từ vụ việc điển hình, bà thúc giục đẩy nhanh việc tái cơ cấu ngân hàng với trọng tâm là tái cơ cấu ngân hàng thương mại.

Nội dung trên được Phó Chủ tịch nước lưu ý khi đánh giá các bản báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và báo cáo kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015).

Còn hồng

“Thành tích đậm hơn nguyên nhân, hạn chế”, “hơi hồng”, “còn màu hồng”… cũng là nhận định của không ít ĐBQH về các bản báo cáo của Chính phủ với những đánh giá được cho là chưa tận tường những khó khăn, thách thức đang hiện diện của nền kinh tế.

{keywords}

ĐB Nguyễn Đình Quyền: Chúng ta cần lạc quan, nhưng phải thấy hết được khó khăn

ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) nói: “Đánh giá của Chính phủ hơi hồng. Chúng ta cần lạc quan, nhưng phải thấy hết được khó khăn. Chỉ khi nào con người thấy cơ thể mình mắc bệnh như thế nào thì mới tìm được phương cách chữa bệnh đó. Những con số nói lên nhiều điều. Có những con số tôi hết sức băn khoăn".

Theo Chính phủ, GDP đạt 5,4% nhưng thất thu ngân sách lại khoảng 63 nghìn tỉ đồng. Theo nghị quyết QH, chỉ thiếu 0,1% về GDP tăng trưởng nhưng lại hụt thu lớn đến như vậy. Con số này có sự mâu thuẫn. Cần rà soát lại cả CPI, GDP vì những con số nếu đưa ra chưa rà soát hết sẽ làm sai lệch đánh giá.

Từ góc độ doanh nghiệp, ĐB Nguyệt Hường chia sẻ : “Xin được phân tích hàng tồn kho giảm, nhưng thực chất là gì? Có phải do sức mua tăng lên? Thực ra là do doanh nghiệp phải giảm giá để bán hàng. Do năng lực sản xuất và quy mô sản xuất bị thu hẹp, họ không sản xuất nữa nên hàng tồn kho được giải phóng. Do đó kết quả không phải là tích cực”.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh đồng tình báo cáo của Chính phủ phần tốt đẹp vẫn nhiều hơn. Trong khi “đọc báo cáo thấy tình hình không thể không tăng tiếng nói để thức tỉnh…Cần phải nói thẳng, nói thật vào thời điểm khó khăn. Chứ không thể đang khó khăn thì nói ít thôi không dư luận thấy bức tranh đen tối”.

{keywords}

ĐB Trần Thị Quốc Khánh

Trong khi đó, ĐB Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa) cho rằng kinh tế - xã hội 2013 có những điểm sáng. Trong đó có nỗ lực chuyển hướng chính sách từ mục tiêu tăng trưởng cao sang tăng trưởng ổn định.

“Nếu chần chừ trong chuyển hướng, xác định mục tiêu thì chưa biết thế nào, bất ổn vĩ mô gây tác hại nghiêm trọng. Đây có thể coi là thành tựu. Kiểm soát lạm phát từ gần 19% năm vừa rồi xuống mức 1 con số (dưới 10%) cũng là thành công, trong khi thế giới nghĩ rằng 12-13% đã là thành công” - ông lấy ví dụ.

Tái cơ cấu - tiền đâu?

Tái cơ cấu đầu tư với trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công và DNNN chưa thực hiện được nhiều là ý kiến của không ít ĐBQH.

ĐB Đinh Xuân Thảo kể: “Cũng phải chia sẻ với các công ty, tập đoàn là khó, chưa chuyển được. Muốn tái cơ cấu cần một lượng tiền lớn Nhưng thực tế không có. Các ĐBQH có ai nói gì về việc này đâu, thì làm sao có nguồn lực để tái cơ cấu? Từ đầu tư chiều rộng đến chiều sâu về máy móc, thiết bị cần có lượng tiền lớn”.

ĐB Nguyễn Thanh Hải đánh giá nỗ lực của Chính phủ trong việc đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN với 17 tập đoàn đã “hoàn thành nhiệm vụ”. Tuy nhiên, bà lo lắng về nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu không nhiều, đề xuất Chính phủ không nên “dàn hàng ngang” để tái cơ cấu mà chọn các mũi nhọn để thực hiện.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thì băn khoăn về những dự án thực hiện tái cơ cấu.

"Tôi lắm lúc không hiểu tại sao có thời gian bung ra hàng loạt dự án. Chủ đầu tư có nhiều dự án nhưng không triển khai, không nhân công, rồi đắp chiếu dự án. Đất nước nghèo, dự án khơi khơi, đầu tư mấy chục tỷ, dừng một cái, tất cả xuống cấp. Công nhân không việc, máy móc đắp chiếu. Hậu quả bung ra dự án nhưng chưa kiểm điểm rõ nguyên nhân tại sao có tình trạng bung ra dự án không quy hoạch như thế?”.

Bà kiến nghị, trong tái cơ cấu DNNN, cần sớm công bố những ngành, lĩnh vực nào cần bao nhiêu DNNN. Phải đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, phát triển nhanh, thúc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN.

Trong khi đó, ĐB Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) kiến nghị Chính phủ có biện pháp xử lý riêng những tổ chức tín dụng yếu kém để kiên quyết xử lý nợ xấu, bảo đảm tính an toàn cho hệ thống ngân hàng.

L.Thư - T.Lâm - C.Quyên - Ảnh: L.A.Dũng