Nhiều cô gái chỉ gặp, mới quen mà chưa kịp yêu vẫn gật đầu làm vợ để rồi ngậm ngùi ra tòa đơn phương ly hôn vì chồng Tây mất tích.

Kể về cuộc hôn nhân với người chồng quốc tịch Canada, H. (sinh năm 1989) buồn bã nghĩ về ước mơ lãng mạn đầy ngây thơ một thời của mình: “Tôi từng ước một đám cưới lãng mạn, hoành tráng. Tôi sẽ mặc váy trắng tinh khôi, kết hoa trên đầu sánh bước bên người chồng cao to, lịch lãm”. Mơ ước là vậy nhưng thực ra H. chưa một ngày được mặc váy cô dâu đã phải ra tòa xin ly hôn.

Yêu Tây thì phải sống kiểu Tây

H. quen chồng qua mạng Yahoo. Sau gần hai tháng yêu nhau qua chát, cả hai hẹn gặp nhau rồi chỉ một tuần sau lần gặp đó họ đi đến quyết định kết hôn mặc cho gia đình cấm cản. Ước mơ thuở nào về một đám cưới lãng mạn của H. cũng lùi lại vì người chồng nói: “Cứ đăng ký kết hôn rồi về sống như vợ chồng. Chừng nào qua bển anh sẽ làm một đám cưới thật hoành tráng cho em”. Nghe theo, H. bỏ qua mọi thủ tục, bỏ qua mọi đàm tiếu, khuyên nhủ của bạn bè.

Ngày kết hôn chẳng một mâm cơm cúng tổ tiên mà cứ thế về sống với chồng Tây. Sau khi đăng ký kết hôn được hơn một tháng, người chồng Canada về nước với lý do về làm thủ tục và chuẩn bị đám cưới. Cũng từ đó H. không còn liên lạc được với chồng nữa dù đã tìm mọi cách. Gần hai năm trôi qua nhưng chồng vẫn bặt vô âm tín. Mới đây, H. đành đơn phương ly hôn.

{keywords}

H. chia sẻ: “Khi đó tôi tin và yêu anh thật lòng dù tôi chẳng biết gì về anh. Tôi chỉ biết anh ở Canada, hơn tôi 11 tuổi. Anh chưa có vợ và anh nói sẽ lo cho tôi. Nhưng nay tôi không biết chồng mình ở đâu nên không thể tiếp tục chờ đợi trong vô vọng”.

Hôn nhân sáu ngày

Mới đây HTL vừa gửi đơn ra TAND TP Đà Nẵng xin ly hôn chồng là Đ. (quốc tịch Pháp). Hai người kết hôn được vỏn vẹn sáu ngày thì Đ. về nước. Hơn hai năm chờ đợi không thấy chồng trở lại. Liên lạc kiểu gì cũng không được, thậm chí L. sang tận Pháp tìm chồng cũng không thấy nên đành quay về đệ đơn ra tòa xin ly hôn.

Chị L. cho biết chị và chồng đến với nhau tình cờ và “êm đẹp”. Sau một lần đi tắm biển, hai người quen nhau. Khi đó Đ. đi du lịch cùng cơ quan. Do không biết đường lên chùa Linh Ứng (Sơn Trà, Đà Nẵng) nên Đ. nhờ chị chỉ giùm, rồi hai người quen nhau nhẹ nhàng như thế. Sau chuyến du lịch, anh về nước cùng những lời hứa sẽ quay lại. Một tháng sau anh quay lại thật. Tin tưởng đó sẽ là tình yêu đích thực nên chỉ sau ba tuần tìm hiểu, cô gái xứ Huế 22 tuổi đã đem lòng yêu và chấp nhận lời cầu hôn của anh. Hai người thuê phòng trọ rồi sống chung với nhau như vợ chồng. Sau khi chung sống được một tháng, anh về nước để làm thủ tục nghỉ việc. Trước khi đi, anh và chị làm thủ tục đăng ký kết hôn. Sáu ngày sau, anh về nước và lặn mất tăm luôn cho đến nay.

“Tôi đã lo lắng vì không biết có chuyện gì xảy ra với anh ấy. Tôi gọi vào số điện thoại của anh ấy cũng không được. Gửi mail cho anh cũng không thấy phản hồi, viết thư tay gửi đến địa chỉ của anh trong đăng ký kết hôn cũng không thấy hồi âm. Sau khi tìm mọi cách vẫn không được, tôi đã sang tận Pháp để tìm chồng nhưng đến địa chỉ trong hồ sơ đăng ký kết hôn thì họ nói không có ai tên Đ. trong địa chỉ này”. Tìm chồng không được, chị đành quay lại Việt Nam và ngậm ngùi đơn phương ly hôn.

Gặp nhiều khó khăn trong giải quyết ly hôn

Kết hôn là sự tự nguyện, họ cung cấp đủ thủ tục và cho thấy sự tự nguyện đến với nhau thì phía cơ quan chức năng phải đồng ý để họ đăng ký kết hôn. Để tránh hậu quả đáng tiếc thì các cô gái phải thật tỉnh táo khi kết hôn.

Những vụ án ly hôn chồng nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn trong việc tống đạt. Tuy nhiên, việc giải thoát cho phụ nữ Việt Nam là rất quan trọng nên phải làm mọi cách để giải quyết cho họ. Việc tồn tại một cuộc hôn nhân trên giấy tờ sẽ là rào cản rất lớn để họ xây dựng hạnh phúc mới khi tuổi xuân qua đi.

Thẩm phán ĐẶNG ÁNH, Phó Chánh án TAND TP Đà Nẵng

41 vụ ly hôn chồng ngoại kể từ 1/10/2014 đến 30/9/2015 đã được TAND TP Đà Nẵng thụ lý. Tòa này đã đưa ra xét xử 38 vụ, còn ba vụ chuẩn bị xét xử. Trong số 41 vụ này, đa phần là các cô gái đơn phương ly hôn do không liên lạc được với chồng.

(Theo Dương Hằng - PLO)