- “Mục tiêu hỗ trợ gia đình một bề gái là để giảm mất cân bằng giới tính khi sinh nhưng thực tế chỉ nhà giàu mới lựa chọn giới tính. Trợ cấp nhà giàu là trợ cấp ngược”, GS Nguyễn Đình Cử phân tích.

Lần đầu tiên sau hơn chục năm, Việt Nam chính thức xây dựng luật Dân số thay cho pháp lệnh Dân số. Tuy nhiên trong quá trình đưa ra lấy ý kiến, điều khoản quy định hỗ trợ chi phí phụng dưỡng cho những cặp vợ chồng sinh con 1 bề gái đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

VietNamNet có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Đình Cử, Viện Dân số, Gia đình và trẻ em xung quanh đề xuất này.

Học càng cao, nhà càng giàu càng muốn sinh con trai

Theo GS Cử, dự thảo đề xuất hỗ trợ những cặp vợ chồng sinh con một bề bắt nguồn từ thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang xảy ra nghiêm trọng tại Việt Nam (năm 2014 là 112 bé trai/100 bé gái).

Tuy nhiên nếu coi hỗ trợ cho người cao tuổi sinh con một bề gái là phương cách để giảm tỉ số giới tính khi sinh sẽ không hiệu quả.

{keywords}
GS.TS Nguyễn Đình Cử

“Chúng ta cần phải biết nhóm dân cư nào lựa chọn giới tính trước sinh. Ở Tây Nguyên hiện tỉ số giới tính khi sinh chỉ 105,6, Tây Bắc cũng chỉ 108 trong khi đồng bằng sông Hồng vọt lên 115,4 bé trai/100 bé gái”, GS Cử phân tích.

Ông Cử cung cấp thêm: Kết quả tổng điều tra dân số 2009 cũng chỉ rõ, tỉ số giới tính khi sinh ở nhóm mù chữ chỉ có 107, nhóm có trình độ từ cao đẳng trở lên là 114.

Đáng lưu ý, 20% dân số nghèo nhất có tỉ số giới tính khi sinh là 105, 60% dân số thu nhập trung bình là 107,5, trong khi 20% dân số giàu nhất có tỉ số giới tính khi sinh xấp xỉ 113 bé trai/100 bé gái.

“Điều này có nghĩa học càng cao, càng giàu thì tỉ lệ lựa chọn giới tính khi sinh càng cao. Với người giàu, khuyến khích về vật chất không có tác dụng. Nếu vẫn quyết trợ cấp cho nhà giàu là trợ cấp ngược ”, GS Cử nhấn mạnh.

GS Cử dẫn chứng, nhiều năm nay Trung Quốc thực hiện chính sách hỗ trợ 600 tệ/tháng/người cho những cặp vợ chồng sinh con một bề gái nhưng tỉ số giới tính khi sinh ở nước này vẫn không hề giảm.

Ông Cử cũng lo lắng, trường hợp quyết thực hiện trợ cấp như đề xuất, liệu ngân sách có đảm bảo?

“Làm một phép tính đơn giản, nếu chỉ hỗ trợ 500 ngàn đồng/tháng cho khoảng 300.000 cặp vợ chồng trên 60 tuổi không có lương hưu thì ngân sách mỗi tháng đã phải chi 300 tỷ đồng, 1 năm là 3.600 tỷ. Một con số quá lớn”, GS Cử băn khoăn.

Mâu thuẫn với luật Bình đẳng giới

GS Cử chỉ rõ, luật Bình đẳng giới quy định nam, nữ không bị phân biệt đối xử về giới. Trường hợp có hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới cũng chỉ được áp dụng tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

{keywords}
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại nước ta đang hết sức nghiêm trọng. Ảnh: SKĐS

Chiếu theo điều khoản này, những khu vực có điều kiện kinh tế phát triển (tỉ lệ chọn giới tính khi sinh cao) không được hỗ trợ.

Ngoài ra, theo GS Cử, chính việc quy định hỗ trợ cho những cặp vợ chồng sinh một bề gái, vô hình trung mặc định những gia đình sinh con gái là thiệt thòi, là nhóm yếu thế, làm khoét sâu tâm lý mặc cảm, tự ái trong cộng đồng đồng thời cũng mặc nhiên công nhận trách nhiệm phụng dưỡng là của con trai, gia đình sinh con gái đã có nhà nước lo.

Theo đó, GS Cử cho rằng không nên hỗ trợ như đề xuất. Thay vào đó Nhà nước cần tập trung phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế, khi đó bình đẳng giới sẽ được thực hiện, lựa chọn giới tính khi sinh sẽ giảm hoặc không còn như Hàn Quốc là một ví dụ điển hình.

GS Cử nhấn mạnh, Việt Nam cần có chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới trong mọi mặt từ gia đình, xã hội đến chính trị.

Ông cũng đề xuất cần siết chặt hoạt động siêu âm giới tính thai nhi đang ngày càng tăng như hiện nay (chiếm 86%). Nhiều năm nay quy định đã có nhưng không ai giám sát, xử lý hoặc nếu có xử lý vẫn chưa nghiêm.

Thúy Hạnh