- Hàng chục hộ dân trên khu đất vàng chỉ cách hồ Hoàn Kiếm chưa đầy 1km đang sống cảnh khốn khổ vì dự án xã hội hóa chung cư cũ.

Dự án xây dựng lại khu tập thể và cải tạo, sắp xếp lại trụ sở làm việc tại số 30A Lý Thường Kiệt - 33 Hàng Bài được UBND quận Hoàn Kiếm chấp thuận từ năm 2011.

{keywords}
Phối cảnh đẹp lung linh của khu đất "vàng" góc Lý Thường Kiệt - Hàng Bài.

Người dân tại khu chung cư cũ này cho biết, đây được xem là khu đất vàng cuối cùng còn sót lại. Với 2 mặt tiền ở 2 con phố đẹp nhất Thủ đô: Lý Thường Kiệt và Hàng Bài - cách Hồ Gươm khoảng 1km, chung cư này còn là công trình cổ được xây dựng từ thời Pháp thuộc với tổng diện tích đất hơn 1.169m2.

Năm 1986, Tổng cục Du lịch ký hợp đồng thuê nhà với Xí nghiệp Quản lý nhà Hoàn Kiếm để làm việc. Một phần diện tích đã được cơ quan này bố trí làm chỗ ở cho cán bộ nhân viên.

Năm 1990, Tổng cục Du lịch cải tạo, xây dựng một khu nhà 6 tầng trên khu đất mặt phố Lý Thường Kiệt (diện tích 272m2) làm văn phòng.

Ngày 27/3/2008, công ty CP tư vấn đầu tư tài chính Toàn Cầu gửi công văn tới UBND quận Hoàn Kiếm xin đầu tư cải tạo, xây dựng khu tập thể 30A Lý Thường Kiệt - 33 Hàng Bài.

Ngày 14/4/2008, UBND quận Hoàn Kiếm có công văn chấp thuận về nguyên tắc cho đơn vị này được triển khai nghiên cứu, lập dự án đầu tư thực hiện cải tạo, xây dựng và sắp xếp lại chỗ ở, trụ sở làm việc tại khu đất này.

{keywords}
  Dự án được giải phóng mặt bằng theo hình thức cuốn chiếu vì nhiều hộ dân chưa di dời.

Ngày 5/1/2009, UBND TP HN có văn bản cho phép công ty CP Tư vấn Đầu tư tài chính Toàn Cầu được nghiên cứu, lập dự án đầu tư xây dựng.

Ngày 10/1/2011, Hà Nội ra văn bản chấp thuận cho phép chủ đầu tư được thực hiện dự án.

Hơn 1 năm sau, ngày 13/6/2012, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định thu hồi 1.169,3m2 đất tại phố Lý Thường Kiệt - Hàng Bài (phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm) do 5 tổ chức và 41 hộ dân đang quản lý và sử dụng, hiện trạng gồm KKT 3 tầng; nhà bê tông 6 tầng và nhà tạm giao công ty CP Tư vấn Toàn Cầu để thực hiện dự án.

Tại các văn bản chỉ đạo, chấp thuận, hướng dẫn… quy mô dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và công trình nhà ở kết hợp với văn phòng có 4 tầng hầm, 1 tầng kỹ thuật với diện tích đất xây dựng 954m2 theo quy hoạch tổng mặt bằng; với 55 căn hộ chung cư.

Tiến độ thực hiện dự án bắt đầu từ quý I/2011 và hoàn thành vào quý I/2013.

Tuy nhiên, thời điển hiện tại, dự án này mới đang ở mức… giải phóng mặt bằng theo kiểu cuốn chiếu.

Chung sống với công trường

16/41 hộ dân vẫn chưa đồng tình với phương án mà chủ đầu tư đưa ra và vẫn chung sống với công trường.

Hàng chục lần các hộ dân nộp đơn kiến nghị lên UBND quận và UBND TP Hà Nội nhưng vẫn chưa thống nhất được phương án.

Ông Bùi Văn Hiền (đại diện một hộ dân chưa di dời) cho hay, chủ đầu tư phá dỡ mặt bằng gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản, nhất là khi khu tập thể này đã xuống cấp...

“Hầu hết người dân ở đây đều là cán bộ đã nghỉ hưu, tuổi cao sức yếu, có người ốm yếu, bệnh nặng. Công ty Toàn Cầu tháo dỡ công trình khi vẫn còn người ở là điều rất nguy hiểm, trong khi phương án đền bù chưa thống nhất”, ông Hiếu nói.

{keywords}

Bà Đoàn Thị Vân cho biết: Nhà để xe bị đổ sập, sân chơi cho trẻ nhỏ ngổn ngang bê tông. Bà cũng đề nghị dừng ngay việc phá dỡ để đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự cho các hộ dân đang sinh sống.

Bà Nguyễn Thị Thơm nói: "Dự án xây dựng, cải tạo lại khu tập thể 30A là một dự án thương mại, không phải là công trình an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia công cộng. Khu 30A cũng không nằm trong danh sách các khu chung cư xuống cấp nguy hiểm cần cải tạo gấp của thành phố.

Vì vậy, chủ đầu tư phải làm việc công khai, cụ thể với người dân về phương án di dời, đền bù, tái định cư trên cơ sở đảm bảo lợi ích thỏa đáng của cả hai bên. Ngoài ra, diện tích sân tập thể, nhà xe của tập thể, khu công cộng của tập thể khoảng 200m2 không thấy chủ đầu tư đề cập phương án đền bù, giải tỏa?".

Nhùng nhằng phương án đền bù

Trao đổi với VietNamNet, đại diện chủ đầu tư thừa nhận: Do dự án đã chậm tiến độ quá lâu, trong đó mấu chốt là chưa thỏa thuận được với 16 hộ dân còn lại nên chủ đầu tư xin phương án tháo dỡ theo hình thức cuốn chiếu (hộ dân nào đã di dời thì tháo dỡ khu vực đó).

{keywords}
Người dân sống chung với công trường (Ảnh: Người dân cung cấp)

Chủ đầu tư đã đề xuất phương án đền bù tái định cư cho các hộ dân với hệ số từ 1,65-2,25 lần (cao hơn hệ số quy định chung của Hà Nội 1,3 lần); đối với phần diện tích vượt trội, các hộ dân sẽ phải mua theo mức giá xây dựng của chủ đầu tư là khoảng 13 triệu đồng/m2.

“Các hộ dân không đồng ý. Họ đề nghị 'bán đứt' cho chủ đầu tư nhưng mức giá họ đưa ra quá cao (200 triệu đồng/m2), chúng tôi không thể chấp nhận được”, ông Nguyễn Minh Chính, phụ trách dự án cho biết.

Trong khi đó, theo các quyết định trả lời khiếu nại của công dân, UBND TP Hà Nội cho biết đã trả lời hết thẩm quyền.

Với thực trạng hiện tại, khu đất vàng ngã tư Hàng Bài - Lý Thường Kiệt chắc chắn sẽ phải “án binh bất động” chưa biết đến bao giờ, đồng nghĩa với việc dân vẫn phải sống khổ trên đất vàng.

Kiên Trung