Trước những diễn tiến nhanh chóng của dịch bệnh, các giải pháp được Chính phủ, Thủ tướng ban hành liên tiếp để ứng phó với sự phức tạp đó. Có thể thấy rõ sự quyết liệt, nhân văn và minh bạch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong những giải pháp chống dịch vừa được đưa ra.

Quyết liệt và nhân văn

Chiều 31/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký ban hành Nghị quyết số 83/NQ-CP của Chính phủ thống nhất phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo nghị quyết này, toàn bộ các hộ gia đình sử dụng điện sinh hoạt được giảm từ 10-15% tiền điện trong hai tháng tùy theo mức độ sử dụng. Ước tính, tổng số tiền mà các hộ được giảm vào khoảng 2.500 tỷ đồng. Không những vậy, nghị quyết này còn miễn toàn bộ tiền điện cho các cơ sở cách ly tập trung.

Đây là lần thứ tư, việc miễn, giảm tiền điện được Chính phủ thực thi kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

{keywords}
 Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát khu cách ly tại ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM (thành phố Thủ Đức) hồi cuối tháng 6/2021. Ảnh: Nhật Bắc/VGP

Ngay sau đó, trong công điện khẩn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cùng các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy”. Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31 tháng 7 năm 2021 tới khi hết giãn cách.

Lãnh đạo tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để người dân tự ý di chuyển ra khỏi địa phương mình. Đối với người dân đã rời khỏi tỉnh xuất phát đến địa bàn tỉnh khác, các tỉnh liên quan phải tổ chức đón, đưa về địa phương đích đến bảo đảm an toàn. Tổ chức xét nghiệm, vận chuyển bằng xe ca (có thể bố trí xe tải chở theo xe gắn máy của người dân nếu người dân di chuyển bằng xe gắn máy). Thực hiện bàn giao đầy đủ, tổ chức cách ly, giám sát y tế theo đúng quy định, không để dịch bệnh lây lan.

Song song với việc đó, Thủ tướng yêu cầu hỗ trợ cung cấp ngay, đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ. Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc. Tổ chức hỗ trợ y tế cần thiết cho mọi người dân. Hỗ trợ người dân tỉnh mình đang ở TP.HCM và các tỉnh đang có dịch diễn biến phức tạp, có số lượng ca mắc lớn.

Chỉ sau đó ít phút, Bí thư Quảng Bình đã có ngay thư gửi bà con tỉnh này đang sinh sống ở TP.HCM và một số tỉnh phía Nam. Trong thư, Bí thư Quảng Bình đề nghị, bà con tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự điều hành của chính quyền TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Đề nghị bà con nghiêm túc thực hiện các quy định của Chính phủ về giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Quảng Bình cũng lập tức hỗ trợ mỗi hộ 1 triệu đồng.

Việc chỉ đạo “ai ở đâu ở đó” được ban hành đi kèm yêu cầu không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc cùng với sự chu đáo trong việc tổ chức đưa, đón an toàn những người dân đã rời khỏi nơi cư trú trên đường về quê là cực kỳ cấp thiết và nhân văn. Bởi không những khiến cho tất cả người dân dù khó khăn đến đâu cũng cảm thấy yên tâm mà còn giải thoát cho một loạt tỉnh, thành trước việc đón hay không đón người dân tỉnh mình trở về. Quyết định này còn trực tiếp giảm nguy cơ lây nhiễm dịch sang các địa phương khác.

Cũng trong công điện, Thủ tướng đặc biệt lưu ý đến việc rà soát, đề xuất bổ sung chế độ, chính sách phù hợp đối với đội ngũ cán bộ y tế và các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch. Ông giao Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện sớm việc này.

Việc cấp bách hàng đầu hiện nay là tiêm vắc xin cũng được Thủ tướng chỉ rõ, tổ chức tiêm vắc xin nhanh, đúng đối tượng, an toàn, hiệu quả, không để vắc xin hết hạn. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng xin cho, lựa chọn vắc xin, lợi dụng chức trách để tiêm cho người không đúng đối tượng và các tiêu cực khác trong việc tiêm vắc xin.

Minh bạch

Ngày 30/7, khi chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố để thực hiện ngay các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục yêu cầu đẩy mạnh công tác truyền thông theo nguyên tắc công khai, minh bạch, nhân đạo, khoa học, kịp thời.

Một ngày sau đó, tại công điện 1063/CĐ-TTg, thêm một lần Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, chỉ đạo, công khai, minh bạch và kịp thời mọi thông tin về phòng, chống dịch để nhân dân biết, ủng hộ và tích cực tham gia, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

{keywords}
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Nhật Bắc/VGP

Trong lúc dịch bệnh phức tạp, gây áp lực lên toàn dân và cả hệ thống chính trị, thực hiện việc công khai, minh bạch mọi thông tin là sự dũng cảm và vô cùng cần thiết. Không có thông tin chính xác thì không chỉ tạo tâm lý nghi ngờ, tạo sự chủ quan mà còn khiến các giải pháp khó đúng và trúng.

Ngày cuối cùng của tháng Bảy, nước ta ghi nhận 8.620 ca, nâng tổng số ca nhiễm trong nước từ ngày 27/4 đến nay lên 141.826 tại 62 tỉnh thành. Cùng ngày, Bộ Y tế công bố 3.250 người khỏi bệnh và 145 ca tử vong.

Kể từ khi dịch bùng phát từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 145.633 ca nhiễm, 38.734 người khỏi bệnh, 105.597 bệnh nhân đang điều trị và 1.306 ca tử vong.

Rõ ràng, đám mây đen Covid-19 đã phủ nghịch cảnh lên cuộc sống của chúng ta. Thách thức là không nhỏ nhưng với sự chỉ đạo, những việc làm thiết thực, vừa quyết liệt, vừa nhân văn cùng với sự minh bạch, mỗi người dân Việt Nam hoàn toàn có thể tin tưởng bình minh của cuộc sống bình thường sớm trở lại trên đất nước ta như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Bình Nguyên

Thủ tướng yêu cầu 19 tỉnh phía Nam tiếp tục giãn cách xã hội thêm 14 ngày

Thủ tướng yêu cầu 19 tỉnh phía Nam tiếp tục giãn cách xã hội thêm 14 ngày

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày với 19 tỉnh đang thực hiện; tuyệt đối không để người dân rời nơi cư trú từ sau ngày 31/7.