Dự án từng bị tạm dừng  

Dự án duy tu, bảo dưỡng thường xuyên công trình thuỷ lợi sông Thị Tính qua địa phận TX.Bến Cát, huyện Dầu Tiếng và huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương được UBND tỉnh phê duyệt phương án theo Quyết định số 108/QĐ-UBND ngày 17/1/2017. Mục tiêu của dự án là chống ngập cho 1.760 ha tự nhiên ven sông Thị Tính và các nhánh suối, đảm bảo khả năng thoát nước cho sản xuất nông nghiệp và đô thị trong khu vực, hạn chế ngập úng trong mùa mưa.  

Dự án được UBND tỉnh Bình Dương giao cho Công ty CP TM – DV Dương (Công ty Dương) làm chủ đầu tư, tiếp tục thực hiện nạo vét duy tu bảo dưỡng thường xuyên công trình thủy lợi sông Thị Tính, thi công theo thiết kế của viện Thủy lợi Bộ Nông nghiệp, thời gian thực hiện trong 10 năm.Theo quyết định phê duyệt, chủ đầu tư được phép tận thu và sử dụng đất, cát từ quá trình duy tu, bảo dưỡng thường xuyên để bù đắp chi phí đầu tư.   

{keywords}
Chủ đầu tư mới chỉ tập kết máy móc, chưa có dấu hiệu thi công dự án

 

Để thực hiện dự án, Công ty Dương đã ký liên kết với Cty TNHH một thành viên Hai Thọ. Tuy nhiên do Cty Hai Thọ không có năng lực thực hiện nên kêu gọi bà Nguyễn Ngọc Dung tham gia. Cty Dương đã đồng ý thành lập chi nhánh trực thuộc là Chi nhánh Công ty CP TM – DV Dương (Chi nhánh Công ty Dương) do bà Nguyễn Ngọc Dung làm Giám đốc. Theo giấy uỷ quyền hoạt động, Công ty Dương yêu cầu chi nhánh thực hiện dự án theo phê duyệt của UBND tỉnh, trường hợp thi công để xảy ra vi phạm nghiêm trọng, cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động thì chi nhánh phải chịu trách nhiệm.  

Quá trình triển khai dự án, mặc dù chưa có giấy phép khai thác tận thu khoáng sản thế nhưng Chi nhánh Công ty Dương đã đưa hơn 20 tàu xà lan khai thác cát trên sông Thị Tính vào tháng 5/2017. Ngoài ra, đơn vị còn vi phạm khi thuê gần 400m2 đất trồng lúa của người dân làm bãi chứa cát khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.  

Với 2 hành vi này, vào ngày 3/7/2017 Công ty Dương đã bị Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Bình Dương lập biên bản vi phạm hành chính. Sau đó, UBND tỉnh Bình Dương ra Quyết định xử phạt hành chính số 1828/QĐ-XPVPHC ngày 10/7/2017 và cho tạm dừng thực hiện dự án.  

Theo ông Dương Viết Bảy - Tổng Giám đốc Công ty Dương: “Chi nhánh Công ty Dương để xảy ra sai phạm và bị Sở TN&MT đề nghi Ủy ban tạm dừng dự án. Công ty đã mời chi nhánh về trụ sở làm việc, nhưng chi nhánh không hợp tác” 

Lúc này Công ty Dương có văn bản đề nghị tiếp tục tạm dừng mọi hoạt động liên quan đến dự án duy tu, bảo dưỡng thường xuyên sông Thị Tính trong thời gian nhất định để kiểm tra, rà soát (văn bản do ông Vũ Từ Thẩm, Phó tổng Giám Đốc ký tờ trình số 09/Dương, ngày 22/09 /2017). 

Đề nghị này được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận bằng văn bản số 5008/UBND-KTN ngày 3/11/2017.  Tiếp đó, ngày 29/06/2018 Giám đốc Sở NN&PTNN ký văn bản số 1214 đề nghị dừng việc sai phạm hút cát trên sông Thi Tính và được Chủ tịch UBND thông qua thường trực thống nhất dừng (văn bản số 4089/UBND-KTN, ngày 30/08/2018).  

Đối với hoạt động của Chi nhánh Công ty Dương, ngày 9/10/2018 Công ty Dương và chi nhánh đã có biên bản thỏa thuận với nội dung thanh lý hợp đồng và uỷ quyền, trong đó thống nhất Công ty Dương sẽ hoàn lại số tiền 6,5 tỷ đồng cho chi nhánh.  

Đến ngày 10/12/2018, hai bên hoàn tất việc thanh toán và Chi nhánh Công ty Dương có trách nhiệm bàn giao hồ sơ, con dấu để công ty mẹ giao lại cho Sở Kế hoạch & Đầu tư và Phòng Quản lý hành chính, Công an tỉnh Bình Dương.  

Dự án chưa triển khai, liên tiếp bị khiếu nại  

Sau khi giải thể chi nhánh, ngày 8/3/2019 Công ty Dương có tờ trình xin khởi động lại dự án duy tu, bảo dưỡng công trình thuỷ lợi sông Thị Tính. Về việc này, UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản chấp thuận chủ trương cho công ty tiếp tục thực hiện dự án theo như phê duyệt ban đầu.  

Gần đây, Công ty Dương bất ngờ bị doanh nghiệp không hề liên quan đến dự án là Công TNHH Dương Bình Dương (Công ty Dương Bình Dương) khiếu nại.  

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Dương cho biết, đến nay Công ty Dương chưa tiến hành thi công và sở cũng chưa có lệnh cho khởi công dự án này. Sở đang hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục như lấy ý kiến cộng đồng dân cư các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án, bàn giao mặt bằng, cắm mốc và đánh giá tác động môi trường.  

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương, mặc dù chủ đầu tư vẫn chưa thi công dự án nhưng thời gian qua sở liên tiếp nhận được khiếu nại của Công ty Dương Bình Dương do ông Tống Thanh Việc làm giám đốc. Nội dung công ty này có tranh chấp về tài chính với Công ty Dương khi triển khai dự án.   

{keywords}
Một đoạn sông Thị Tính thuộc địa phận huyện Bàu Bàng

“Qua rà soát hồ sơ, sở nhận thấy Công ty Dương Bình Dương không có liên quan đến dự án duy tu, bảo dưỡng thường xuyên sông Thị Tính như phê duyệt của UBND tỉnh. Sở đã có văn bản trả lời những khiếu nại này không thuộc thẩm quyền giải quyết, hai bên tự thoả thuận. Trường hợp không thoả thuận được thì đưa vụ việc ra toà án dân sự giải quyết”, ông Bông nói.  

Liên quan đến dự án này, bà Nguyễn Ngọc Dung cho biết, sau khi giải thể, Chi nhánh Công ty Dương đã nhận lại tiền theo thỏa thuận là 6,5 tỷ đồng từ công ty Dương (hai bên cam kết chuyển đủ tiền và nhận đủ số tiền. Bàn giao hồ sơ như mục trên: Kể từ ngày hôm nay hai bên thực hiện biên bản thỏa thuận và cam kết ký ngày 09/10/2018-10/12/2018: Chấm dứt Hợp đồng và ủy quyền cam kết ký ngày 01/10/ 2015; Ủy quyền ký ngày 09/11/2016. Hai bên không còn trách nhiệm liên đới gì với nhau…). Còn việc khiếu nại của Công ty Dương Bình Dương, nơi trước đây bà làm Trợ lý giám đốc cho ông Tống Thanh Việc, thì bà không có liên quan.  

Về chi phí ban đầu để thực hiện dự án, bà Dung cho rằng đã bỏ ra hơn 8 tỷ đồng là có hoá đơn chứng từ, có những số tiền còn lại là những khoản chi “không tên”, không chứng minh được. Đáng nói, hầu hết chứng từ thể hiện bà Dung chuyển tiền với tư cách cá nhân. 

Ngoài ra, bà Dung còn khẳng định sau khi xin triển khai lại thì Công ty Dương đã bán dự án cho nhiều đối tác khác. Tuy nhiên khi PV VietNamNet chất vấn thông tin này thì bà Dung cho rằng là chỉ “nghe nhiều người nói lại” (!?).  

Còn theo ông Phạm Văn Bông - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương, dự án này được phê duyệt trước khi ông về nhận chức và đến nay vẫn đang tiếp tục kế thừa việc quản lý, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện dự án theo chỉ đạo của UBND tỉnh.  

“Sở vẫn được UBND tỉnh nhắc nhở trong các buổi giao ban phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện bởi đây là dự án đảm bảo khả năng thoát nước cho sản xuất nông nghiệp và đô thị trong khu vực, hạn chế ngập úng trong mùa mưa, giúp người dân an tâm sản xuất”, ông Bông nói.   


Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Giám đốc Công ty Luật DC Counsel), hợp đồng được ký kết giữa hai doanh nghiệp với nhau thì việc thanh toán phải do doanh nghiệp có nghĩa vụ thực hiện theo nội dung đã thoả thuận.  

Theo quy định Thông tư số 219/2013/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 26/2015/TT-BTC) quy định không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào từ 20 triệu đồng trở lên mới được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.  

Đối với những hợp đồng có giá trị thanh toán hơn 20 triệu đồng, theo quy định thuộc trường hợp không dùng tiền mặt. Các bên phải chuyển tiền từ tài khoản của bên mua sang tài khoản của bên bán mở tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán theo các hình thức như séc, ủy nhiệm chi hoặc lệnh chi, ủy nhiệm thu, nhờ thu, thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng, ví điện tử… 

“Như vậy, việc cá nhân chuyển tiền cho cá nhân khác với nội dung thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng giữa hai doanh nghiệp là không đúng quy định pháp luật”, luật sự Chánh nhận định.  

Giông lốc 'đánh úp', cây đổ la liệt giữa phố Hà Nội, 1 thanh niên tử vong

Giông lốc 'đánh úp', cây đổ la liệt giữa phố Hà Nội, 1 thanh niên tử vong

 Trận mưa kèm gió giật mạnh chiều nay khiến nhiều cây cối ở Hà Nội bị bật gốc. Một thanh niên đi xe máy tử vong do bị cây si lớn trên đường ven hồ Tây đổ trúng.

Phương Anh