Nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa TƯ Hữu Thọ cho rằng hội nghị TƯ này và kể cả kỳ họp QH sau đó đều nằm ở đoạn giữa quá trình làm HP. Đảng không nên chốt ngay phương án nào. Hãy để rộng mở, để QH tiếp tục thảo luận...

>> Toàn cảnh góp ý sửa đổi Hiến pháp

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH góp ý cho dự thảo tiếp thu ý kiến nhân dân về Hiến pháp (HP) mới đây, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã ba lần yêu cầu phải thật lòng trong tổng hợp, lắng nghe, tiếp thu góp ý của dân. Đấy không chỉ là quan điểm của ông mà cũng là của Ban Biên tập, của Ủy ban Dự thảo sửa đổi HP, được biểu hiện qua bản dự thảo HP mới. Cách làm ấy nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ nhiều vị nguyên là cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước.

“Bước tiến mới về thực hành dân chủ”

Theo dõi khá sát sao quá trình tổ chức lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến cho lần sửa HP này, ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, nhận xét: “Có lẽ chưa bao giờ những vấn đề lớn nhất, trọng tâm nhất của HP lại được đưa ra thảo luận rộng rãi như thế này. Và cũng chưa bao giờ việc lắng nghe, tiếp thu ý kiến nhân dân lại dẫn đến kết quả đáng chú ý như vậy. Đây là một bước tiến mới về thực hành dân chủ”.

{keywords}
Đại biểu dự tọa đàm góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp do báo Quân đội nhân dân tổ chức ngày 21/3 ở Hà Nội. Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo ông, thông tin từ dự thảo HP sau khi tiếp thu ý kiến nhân dân đã phần nào xóa đi băn khoăn không chỉ từ những người dân bình thường mà cả từ những cán bộ lão thành, khi tham gia góp ý cho Đảng, Nhà nước các vấn đề hệ trọng quốc gia: Không biết “có được nghe không, có được tiếp thu không?”.  

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cũng bày tỏ sự ủng hộ với phương pháp làm việc của Ban Biên tập - tập hợp hàng chục chuyên gia đầu ngành, nhân sĩ trí thức, cũng như Ủy ban Dự thảo HP sửa đổi. “Kết quả tiếp thu ý kiến nhân dân thể hiện trong bản dự thảo mới đã cho thấy xu hướng dân chủ tích cực trong sinh hoạt chính trị nước nhà” - ông nói.

Khắc phục cách làm hình thức

Ông Vũ Mão, cựu Ủy viên Trung ương Đảng gắn bó nhiều năm nhất với QH, cũng cho hay: “Mấy hôm rồi tôi dự hội thảo ở tỉnh xa, nhờ báo chí mà biết được thông tin ban đầu về việc tiếp thu ý kiến nhân dân về HP. Bạn bè ở các tỉnh rất phấn khởi”.

Nhớ lại thời làm HP 1980, ông kể: “Tôi lúc ấy là bí thư Huyện ủy Tiên Yên, Quảng Ninh. Cũng tổ chức cho nhân dân trong huyện đóng góp ý kiến. Bà con rất nhiệt tình tham gia nhưng rồi chẳng được phản hồi gì, chẳng biết được tiếp thu đến đâu”. Khi xây dựng HP 1992, ông Mão đã là thành viên Ủy ban sửa đổi HP. “Việc tiếp thu ý kiến nhân dân lúc ấy không được bao nhiêu. Dân thì rất tâm huyết và công phu đóng góp nhưng lại không vui bởi cách tiếp thu ấy. Nguyên nhân là do nhận thức về dân chủ và thực thi dân chủ, dẫn tới cách làm hình thức” - ông Mão nói.

Cũng theo ông Mão, hoạt động của Ban Biên tập, của Ủy ban Dự thảo sửa đổi HP lần này, so với trước là đổi mới nhiều. “Nhưng sẽ tốt hơn nếu các phiên họp tổng hợp ý kiến và tiếp thu góp ý của nhân dân được tường thuật trực tiếp để toàn dân theo dõi, qua đó nâng cao nhận thức, hiểu biết của mình về HP” - ông Mão góp ý.

     Nhiều kiến nghị gửi gắm Hội nghị Trung ương 7 

Trong những ngày tới, Bộ Chính trị sẽ nghe báo cáo về việc tổng hợp ý kiến, tiếp thu đóng góp cho HP của nhân dân. Sau đó, đầu tháng 5, Hội nghị Trung ương 7 sẽ họp thảo luận về dự thảo HP mới.


Nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, cho rằng hội nghị trung ương này và kể cả kỳ họp QH sau đó đều nằm ở đoạn giữa quá trình làm HP. Cho nên dù ở Trung ương hay QH, khi thảo luận chỉ nên làm sáng rõ hơn các phương án, các lập luận cho từng phương án về những vấn đề quan trọng của HP. “Đảng không nên chốt ngay phương án nào. Hãy để rộng mở, để QH tiếp tục thảo luận và hình thành dự thảo HP bản mới để nhân dân thảo luận dân chủ, rộng rãi” - ông kiến nghị.

Cũng quan điểm như vậy, trong bài viết ngắn gửi cho Pháp Luật TP.HCM, TS Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, trích dẫn diễn văn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại kỳ họp thứ nhất, QH khóa VIII, tháng 6-1987, về phương thức lãnh đạo của Đảng với hoạt động của QH: “Tất cả vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền quyết định về mặt Nhà nước phải được đưa ra QH [...] thật sự bàn bạc dân chủ trước khi có nghị quyết chính thức. Tuyệt đối không đặt cơ quan dân cử trước những việc đã được quyết định rồi, chỉ còn một cách thụ động biểu quyết thông qua”.

Trong lần sửa HP này, rất nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước đã được nhân dân tham gia ý kiến, phản ánh qua các phương án khác nhau cho từng điều khoản HP. Với tính chất đặc biệt ấy, ông Khiển đề nghị Hội nghị Trung ương tới, Đảng cần lắng nghe ý kiến nhân dân, từ đó hình thành nhận thức mới về chủ quyền nhân dân, về nhân dân với tư cách chủ thể của quyền lực nhà nước, cũng như về việc phân công, kiểm soát quyền lực.

Với nhận thức mới ấy, dự thảo HP tới đây cần tiếp tục phản ánh tất cả các luồng quan điểm thông qua nhiều phương án cho mỗi nội dung có ý kiến khác nhau. Trên cơ sở đó, toàn Đảng, toàn dân tiếp tục thảo luận cho đến trước khi QH thông qua HP mới vào kỳ họp cuối năm.

Theo Pháp luật TP.HCM

(Tiêu đề do VietNamNet đặt)