Khi phiên họp toàn thể hội nghị thượng đỉnh G20 chuẩn bị kết thúc tại St Petersburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin tình cờ bước tới người đồng cấp Mỹ Barack Obama, và bắt đầu một cuộc trao đổi nhỏ.


{keywords}
Ảnh: rt

Đây là khúc dạo đầu bất ngờ trong mắt các nhà lãnh đạo thế giới khác. Quan hệ giữa Kremlin và Washington luôn bị "đóng băng" như một quan chức Mỹ mô tả. Và trong kế hoạch, không có cuộc gặp nào được sắp xếp giữa hai bên.

Tuy nhiên, cựu điệp viên KGB lại dường như hăm hở muốn trao đổi với vị tổng tư lệnh Mỹ. Nhìn Putin một cách thận trọng, Obama đề xuất họ cùng ngồi xuống trao đổi. Cả hai kéo ghế vào góc phòng và nói chuyện hơn 20 phút trong khi các nhà lãnh đạo đi lại xung quanh.

Putin có một ý tưởng. Ông phản đối các kế hoạch không kích của Obama trong chiến dịch quân sự can thiệp vào Syria để phản ứng cái gọi là tấn công vũ khí hóa học làm 1.429 dân thường thiệt mạng ở ngoại ô Damascus ngày 21/8. Và ông hỏi Obama, điều gì sẽ xảy ra nếu Syria từ bỏ và giao nộp khí độc trước LHQ?

Obama, người đang trong tình thế mắc kẹt, phản ứng khá lãnh đạm. Đầu tiên ông hoan nghênh ý tưởng này với Putin tại một cuộc họp G20 ở Mexico tháng 6 năm ngoái nhưng mọi thứ không đi tới đâu. Giờ đây, ông trả lời, các trợ lý của họ có thể tìm kiếm các khả năng xa hơn nữa.

Mục đích chính của Obama tại G20 là thuyết phục cộng đồng quốc tế ủng hộ Mỹ oanh tạc vào Syria chống lại chế độ của Bashar al-Assad. Cùng lúc đó, ông cũng nỗ lực lấy được sự đồng thuận từ phía Quốc hội. Ở cả hai mặt trận, Obama đều thất bại.

Thứ hai trước, 3 ngày sau hội nghị G20, Ngoại trưởng Mỹ tới London. Vị thế của Obama  sụt giảm mạnh. Ông hầu như mất đi lá phiếu từ Quốc hội. Ông buộc phải quyết định hoặc phê chuẩn tấn công tên lửa hành trình dù Đồi Capitol và cả nước Mỹ phải phản đối, hoặc từ bỏ chuyện dùng vũ lực cho dù Assad đã vượt quá cái mà ông gọi là "vạch đỏ".

Kerry, một cựu thượng nghị sĩ đa ngôn và tột bậc tự tin đã khiến Obama phải đau đầu trong Quốc hội, người đã từ chối loại bỏ kế hoạch điều quân tới Syria và so sánh Assad với Hitler. Nhưng ở London, Kerry đã vượt qua chính mình, khi nói rằng, không kích vào Syria lại là "khả năng rất nhỏ". Tuyên bố này đi ngược với những khẳng định trước đó của ông. Lời của Kerry đã vấp phải rất nhiều chỉ trích nhưng nghiêm trọng hơn cả là khi ông được hỏi về cảm giác Assad có thể làm bất cứ thứ gì tránh sự can thiệp quân sự.

"Chắc chắn", Kerry nói dứt khoát. "Ông ấy có thể giao nộp vũ khí hóa học cho cộng đồng quốc tế tuần tới, không hề trì hoãn, tuân thủ và đầy đủ". Sau đó cảm thấy đã đi quá giới hạn, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh. "Nhưng ông ấy không làm như thế, rõ ràng là vậy".

Tại Moscow, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, một nhà ngoại giao kỳ cựu đã nắm bắt được cơ hội. Ông nói với Kerry là đã lắng nghe với sự quan tâm chăm chú. Kerry nói ông đơn giản là khởi đầu cho cuộc tranh luận trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ cố gắng xoa dịu các ngôn từ Kerry đã phát ngôn.

Dĩ nhiên Nhà Trắng thì nghĩ khác. Nghiên cứu bình luận của ông Lavrov, Obama quyết định cái gọi là "kế hoạch của người Nga" có giá trị khai thác.

Nga có thể đang có một cuộc chơi, các trợ lý Nhà Trắng kết luận, nhưng dù sao sáng kiến của họ đã mở ra con đường giúp Obama tránh thất bại trước Quốc hội và trì hoãn sự can thiệp quân sự mà Tổng thống "tiến thoái lưỡng nan", khó đưa ra phán quyết dứt khoát. Với Washington, chiến tranh đã bị trì hoãn.

Quan chức Nga đã phải kiềm chế niềm hân hoan khi chứng kiến sự thành công của Kremlin trong việc ngăn chặn Mỹ can thiệp, ít nhất tới thời điểm này. Trong khi vũ khí của CIA đã bắt đầu tiếp cận với phiến quân, thì Obama nói rõ, ông sẽ không ra quyết định hành động để bảo đảm sự lật đổ Assad.

Tại Moscow, Putin trở thành người hùng. Ông đã đảm nhận một vai diễn khó khăn là chính khách thế giới và người hòa giải cũng như tái xác lập địa vị của Nga như một quốc gia có ảnh hưởng lớn với Trung Đông.

"Obama đe dọa chiến tranh, trong khi Putin cứu vãn thế giới. Ai xứng đáng hơn để giành giải Nobel hòa bình?", Alexei Pushkov, chủ tịch ủy ban đối ngoại Duma nói.

Một nhà ngoại giao ở Moscow cho biết. "Đó là chiến thắng cá nhân cho Putin, trong khi Obama sau tất cả những đe dọa và chần chừ lại bị coi là người yếu ớt và thiếu quyết đoán".

Thái An (theo The Australian)