- Tại cuộc họp chiều 7/11 với UBND TP Hà Nội, Ban quản lý dự án đường sắt, Tổng thầu EPC, Bộ trưởng GTVT yêu cầu kỷ luật Chủ tịch HĐQT Cienco1 Phạm Dũng.

XEM CLIP:

Ngay sau vụ tai nạn thảm khốc khiến 1 người chết tại dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, Bộ GTVT đã tổ chức họp với UBND TP Hà Nội, Ban quản lý dự án đường sắt, Tổng thầu EPC và các đơn vị liên quan để kiểm điểm sự cố. Theo đó, Tổng thầu EPC, tư vấn giám sát Công ty TNHH giám sát xây dựng - Viện nghiên cứu thiết kế đường sắt Bắc Kinh và thầu phụ Cienco1 sẽ là 3 đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật về sự cố này.

{keywords}

Cuộc họp bắt đầu với bầu không khí căng thẳng khi Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng yêu cầu Phó giám đốc dự án Đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng báo cáo nhanh tình hình thực hiện dự án để tập trung vào sự cố thương tâm chết người tại tuyến đường thi công Đường sắt hôm qua.

Chưa hài lòng với phần trả lời của ông Hùng, Bộ trưởng yêu cầu ông Trương Kiến Luân - đại diện Tổng thầu EPC: Công ty hữu hạn tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc phải nhận rõ trách nhiệm của mình trong vụ việc này. Ngay cả khi ông Trương Kiến Luân lý giải sự việc là sự cố đáng tiếc, trước khi thi công đã cố gắng đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ thi công về nghiệp vụ, Bộ trưởng Thăng vẫn kiên quyết cho rằng, đây là đơn vị phải chịu trách nhiệm đầu tiên.

{keywords}

Câu hỏi lớn duy nhất được Bộ trưởng tập trung hỏi đi hỏi lại Tổng thầu EPC “Cuối cùng, trách nhiệm của Tổng thầu ở đây là gì” thì đại diện Tổng thầu vòng vo nói khi có tai nạn đã có những động thái kịp thời với các cơ quan chức năng để khắc phục sự cố

Sau hàng chục câu hỏi của Bộ trưởng yêu cầu Tổng thầu phải tự chỉ rõ trách nhiệm của mình mà ông Trương Kiến Luân không trả lời được, Bộ trưởng tiếp tục nêu đích danh đơn vị Tư vấn giám sát xây dựng là công ty TNHH Giám sát xây dựng - Viện nghiên cứu thiết kế đường sắt Bắc Kinh phải đưa ra câu trả lời. Theo Bộ trưởng, trách nhiệm của vụ tai nạn này có phần của đơn vị tư vấn giám sát.

Không có giám sát viên khi xảy ra tai nạn

Ông Tống Vận, Phó giám đốc Viện nghiên cứu thiết kế đường sắt Bắc Kinh phải thừa nhận, khi xảy ra tai nạn, không có giám sát viên tại công trường khu vực đó mà chỉ có người ở công trường kế bên cạnh. Bộ trưởng đặt câu hỏi nghiêm khắc “Vậy thì các ông giám sát cái gì?”. Ông Tống Vận đưa ra lý do mặt bằng hạn hẹp để lý giải cho việc thi công khi có dòng người qua lại đông đúc. “Đây là bài học sâu sắc và đau xót” - đại diện đơn vị giám sát bày tỏ.

{keywords}

Câu trả lời khiến Bộ trưởng Thăng không hài lòng. Ông cho rằng, trong giờ thi công, cần có người đứng dưới để điều phối giao thông khi đưa vật liệu lên cao chứ không thể để cảnh người dân đi lại dưới công trình như vậy.

Bộ trưởng cũng đặt câu hỏi về khối thép được đưa lên cao với mối hàn tạm có phải là biện pháp đúng tại hiện trường không. Câu hỏi này vẫn chưa được giải đáp cụ thể.

Bộ trưởng yêu cầu TP Hà Nội chỉ đạo tổng kiểm tra tất cả các công trình liên quan để đảm bảo an toàn cho người dân Thủ đô, tránh sự cố đáng tiếc.

Một đơn vị nữa bị Bộ trưởng Thăng khiển trách trong cuộc họp là nhà thầu phụ tại công trình Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 Cienco1, cụ thể là ông Phạm Dũng, Chủ tịch HĐQT Cienco1.

{keywords}
Đại diện Tổng thầu EPC Trương Kiến Luân

Tư lệnh ngành giao thông yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo cơ quan Công an, Thanh tra giao thông, phối hợp các đơn vị các cơ quan liên quan, đặc biệt là Tổng thầu, thiết kế tư vấn giám sát, ban quản lí dự án để tổ chức bảo vệ cho các điểm thi công, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân. Hà Nội cần tổng kiểm tra toàn thể dự án giao thông trên địa bàn, cả giao thông trung ương và địa phương, để không xảy ra các sự cố, tai nạn đáng tiếc.

"Tôi đã giao cho Bộ quản lí xây dựng chỉ thị trên toàn quốc, yêu cầu tất cả các cơ quan đơn vị của bộ, các ban quản lí dự án, các Sở GTVT phối hợp để tổng thanh tra, đảm bảo an toàn trong quá trình thi công các dự án giao thông. Chúng ta vừa thi công, vừa khai thác, hết sức nguy hiểm. Phải có điều kiện bảo vệ đặc biệt, tổ chức thi công đặc biệt để triển khai thi công", ông Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Đối với tai nạn chết người ở đường sắt trên cao Hà Nội - Cát Linh, ông khẳng định, Tổng thầu là người chịu trách nhiệm chính. "Phải chịu trách nhiệm toàn bộ về các mặt kinh phí. Căn cứ vào kết luận điều tra và hoàn toàn chịu trách nhiệm căn cứ pháp luật VN".

Đối với tư vấn giám sát, yêu cầu phải tăng cường lực lượng, giám sát 3 ca trong quá trình thi công. "Không phải là cuối kỳ ông đi nghiệm thu, ông căn cứ hồ sơ mà giám sát đâu. Phải giám sát trong quá trình xây dưng các biện pháp thi công cũng như giám sát trong quá trình thi công".

Ban quản lí dự án cũng phải nghiêm túc kiểm điểm và xác định trách nhiệm.

Nhà thầu phụ là xí nghiệp 17 thuộc Cienco1 chịu trách nhiệm trực tiếp cho việc xảy ra tai nạn, nhưng trách nhiệm chính vẫn thuộc về Tổng thầu.

"Tôi đã gọi trực tiếp cho Chủ tịch Cienco1 Phạm Dũng yêu cầu kiểm điểm và ông Dũng phải chịu trách nhiệm kỷ luật. Sáng hôm qua biết thông tin tôi gọi ngay ông Dũng có mặt tại hiện trường để phối hợp với cơ quan điều tra. Ông không ra mà điều Chủ tịch Công đoàn ra. Chiều tôi gọi lại hỏi tình hình thì bảo là chưa ra. Hỏi ông đang làm gì thì lại đang họp giao ban. Rất là vô cảm. Sự việc xảy ra như vậy mà vẫn họp giao ban được. Cho nên ông Dũng phải bị kỷ luật", Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Cũng chiều nay, bên lề họp tổ QH, Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thông tin với phóng viên VietNamNet: "Tôi đã giao công an quận Hà Đông và phòng hình sự đang điều tra vụ tai nạn".

Thu Lý - Minh Thăng - Xuân Quý - Hiền Anh - Thuận Vũ - Chung Hoàng