Dành năm 2013 để củng cố địa vị và xây dựng chương trình nghị sự, năm nay, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình sẽ phải bắt đầu thực thi những cam kết và chứng minh ông có khả năng áp dụng quyền lực như ông từng tích lũy nó. 

>> Chống tham nhũng: Chặt tay để giữ mạng

{keywords}
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: SCMP

Sự thành công ấy phụ thuộc vào việc ông sẽ giải quyết thế nào 3 thách thức lớn.

Đầu tiên là thực thi gói cải cách, vốn thu hút được cả sự phấn khích lẫn hoài nghi khi công bố vào giữa tháng 10/2013. Phe lạc quan chỉ ra rằng, những mục tiêu tham vọng trong đó là minh chứng cho cam kết cải cách của ông Tập. Phe phê bình thì ngờ vực.

Để chứng minh những người hoài nghi là sai lầm, ông Tập phải biến tuyên bố thành chính sách, đưa chính sách vào thực tiễn và thể hiện kết quả cụ thể. Ông sẽ phải thuyết phục được người dân rằng, sẽ không để các nhóm lợi ích ngăn chặn sự thay đổi.

Thách thức lớn thứ hai là việc ông duy trì - rất được ủng hộ nhưng cũng đầy rủi ro - chiến dịch chống tham nhũng. Nếu loại trừ khả năng ông Tập huy động người dân để giành sự ủng hộ cho kế hoạch cải cách, thì phương tiện duy nhất của ông để buộc bộ máy quan liêu đi theo chương trình nghị sự là đe dọa điều tra và khởi tố tham nhũng.

Tuy nhiên, chiến lược này rất khó thực hiện, không chỉ do quy mô tham nhũng, mà còn là vai trò giữa các phe phái và nhóm lợi ích. Một chiến dịch chống tham nhũng nhằm vào số lượng quan chức sẽ dẫn tới kết quả chia rẽ trong đội ngũ cầm quyền. Một phép thử sẽ diễn ra xung quanh việc liệu Bắc Kinh có khởi tố ông Chu Vĩnh Khang - nguyên ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Công an hay không.

Dù là cựu ủy viên thì chuyện xét xử cũng là điều cấm kỵ trước nay ở Trung Quốc. Vì thế, giờ đây, ông Tập Cận Bình phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu ông tuân thủ quy tắc bất thành văn không truy tố kể cả cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, ông sẽ làm suy yếu uy tín của chính mình trong chiến dịch chống tham nhũng. Nhưng nếu ông đưa họ vào tù, ông có thể làm xói mòn sự đoàn kết trong đội ngũ lãnh đạo.

Thách thức thứ ba là nỗ lực tránh cuộc xung đột không cần thiết với Nhật Bản. Việc Trung Quốc tuyên bố lập Vùng nhận diện phòng không gồm quần đảo tranh chấp với Nhật ở Hoa Đông; chuyện Thủ tướng Nhật Abe thăm đền tử sĩ... đã khiến quan hệ song phương giữa hai cường quốc châu Á xuống mức thấp nhất 40 năm qua.

Ông Tập và đội ngũ cố vấn không nên ảo tưởng rằng, một cuộc xung đột có thể tăng cường vị thế của họ với công chúng Trung Quốc. Nhật với sự hậu thuẫn của Mỹ sẽ không dễ khuất phục trong trường hợp bùng nổ xung đột quân sự với Trung Quốc.

Địa vị chính trị của ông Tập sẽ phụ thuộc vào khả năng thực thi các cam kết cải cách, thực thi một chính sách đối ngoại tránh được những sự cố tai hại. Cuộc đặt cược thắng thua với ông Tập, Trung Quốc và phần còn lại của thế giới năm 2014 sẽ khá lớn.

Thái An (theo SCMP)