HTML clipboard
- “Đoàn kiểm tra liên ngành đang đồng loạt kiểm tra đối với hoạt động vận tải taxi, kiên quyết xử lý đối với taxi dù, taxi vi phạm giao thông”, ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết chiều 12/5.

Xử lý taxi “dù” để nâng cao chất lượng dịch vụ

Theo ông Mạnh: Việc triển khai xử lý taxi “dù” sẽ tạo mặt bằng kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp và hạn chế thấp nhất nạn taxi dù, taxi không đủ chất lượng làm giảm uy tín của các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực này.

Sau 3 ngày ra quân triển khai kế hoạch xử lý vi phạm xe taxi trên địa bàn Thủ đô, các lực lượng chức năng thành phố Hà Nội đã phối hợp xử lý hơn 400 trường hợp lái xe taxi vi phạm an toàn giao thông, tạm giữ 17 xe taxi, trong đó có 10 xe taxi không đủ điều kiện kinh doanh.

Sẽ xử lý nghiêm taxi dừng đỗ sai quy định gây cản trở an toàn giao thông và chống lại người thi hành công vụ (Ảnh: anninhthudo).
Liên ngành Công an Hà Nội - Sở GTVT Hà Nội cho biết: Tính đến ngày 28/4, Hà Nộ có 114 doanh nghiệp được cấp phép và đang hoạt động kinh doanh vận tải bằng taxi với hơn 15.000 phương tiện, trong đó loại xe 5 chỗ chiếm 83% và xe 8 chỗ chiếm 17% với khoảng 20.000 lái xe taxi.

Theo Đại tá Nguyễn Duy Ngọc - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội, trong những ngày vừa qua, taxi “dù” đã có ý thức cất xe hoặc không hoạt động do lực lượng chức năng mạnh tay xử lý.

“Đợt ra quân của liên ngành sẽ lập lại kỷ cương, đảm bảo nâng cao chất lượng về dịch vụ, nơi nào có taxi sẽ tiến hành kiểm tra, xử phạt vi phạm. Nếu trường hợp nào lái xe cố tình vi phạm hoạt động, lực lượng chức năng sẽ kiên quyết xử lý,” ông Ngọc cho hay.

Ngoài ra, ông Ngọc cũng cho biết thêm: “Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội đã lập hai đường dây nóng để người dân có thể thông tin về hoạt động của taxi “dù” để tiến hành xử phạt”.

Theo lực lượng chức năng, taxi “dù” chủ yếu hoạt động ở các nhà ga, bệnh viện, khách sạn và có một số đội ngũ “cò” sẵn sàng tiếp tay để chèo kéo khách lên các xe này.

“Khi thấy bóng dáng liên ngành thì những chiếc taxi đang đỗ tràn cả ra lòng đường đồng loạt nổ máy. Trường hợp này chúng tôi không thể đuổi theo, vì sẽ gây nguy hiểm. Tuy nhiên sẽ vẫn có biện pháp xử lý” ông Mạnh khẳng định.

Vạch mặt taxi “dù”

Ngoài ra, lực lượng liên ngành cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát hiện và xử lý xe taxi “dù".

“Taxi dù có nhiều hình thức hoạt động, phù hiệu các xe taxi này dán bằng nam châm nên có thể lôi ra dán lại được, lực lượng chức năng rất khó phát hiện. Logo doanh nghiệp của xe chỉ được dán hờ trên thành xe, dễ dàng bóc ra, trong khi theo qui định là phải sơn cố định. Đây là chiêu của các tài xế taxi 'gửi' xe vào một doanh nghiệp nào đó nhằm được cấp phù hiệu, chứ không phải xe chính hãng” ông Mạnh cho hay.

Để phân biết taxi “dù” với các hãng xe taxi khác bằng mắt thường, ông Mạnh liệt kê yếu tố có thể nhận biết như: không có đồng phục, phù hiệu xe taxi giả, logo doanh nghiệp dán lên xe mà không sơn, đồng hồ tính tiền nhảy làm sai lệch đồng hồ khi có xung điện…

Đồng tình quan điểm đó, ông Bùi Danh Liên, Chủ tich Hiệp hội vận tải Hà Nội kiến nghị cơ quan chức năng cần tiến hành dán tem vào phù hiệu mỗi xe để hành khách có thể phân biệt.

Đưa ra những giải pháp chống lại nạn taxi “dù”, ông Mạnh cho biết, sẽ bố trí lực lượng hóa trang tiếp cận xử lý.

Đồng thời cơ quan chức năng cũng khuyến cáo các doanh nghiệp phải có trách nhiệm quản lý phương tiện, lái xe. Việc triển khai xử lý sẽ tạo mặt bằng kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp và hạn chế thấp nhất nạn taxi dù, taxi không đủ chất lượng làm giảm uy tín của các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực này.

Thống kê số liệu của lực lượng liên ngành, tính từ tháng 1 đến tháng 4/2011, lực lượng liên ngành đã kiểm tra xử lý 1.640 trường hợp vi phạm.

Cụ thể, thanh tra Sở Giao thông vận tải đã lập biên bản xử lý 1.172 trường hợp xe taxi vi phạm, tạm giữ 97 phương tiện. Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội đã kiểm tra xử lý lập biên bản 468 trường hợp.

Vũ Điệp