– Là một nghề cao quý, nhưng hiện nay, người thầy thuốc đang đứng trước nhiều áp lực. Áp lực vì khám chữa bệnh trong điều kiện quá tải, cơ chế đãi ngộ chưa tương xứng, luôn đứng trước cám dỗ của kinh tế thị trường…

Nhân kỷ niệm 58 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), VietNamNet đã có những trao đổi với một vài bác sỹ về những tâm sự, chia sẻ của họ về nghề nghiệp của mình.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai: “Làm gì cũng nghĩ đến tiền trước sẽ thất bại”

Tôi nhận thấy những bác sỹ có chuyên môn giỏi, thái độ làm việc nhiệt tình chu đào thì y đức đều tốt. Trong hoàn cảnh hiện nay, y đức bị tác động mạnh bởi nhiều yếu tố.

Làm công tác quản lý, chúng tôi luôn giáo dục cho anh em kỹ càng về điều này để tránh tác động xấu của kinh tế thị trường.

Từ khi nghị định 43 về tự chủ tài chính ở các bệnh viện công lập được áp dụng, đời sống của anh em được cải thiện phần nào.

Tuy nhiên, cái nguy hiểm của nghị định này là nó có thể khiến mọi người nghĩ rằng đơn vị nào càng thu được nhiều tiền để chia cho cán bộ y tế thì càng tốt.

Điều đó khiến bệnh nhân trở thành đối tượng tận thu dưới nhiều hình thức khác nhau.

Tôi luôn giáo dục anh em rằng: Không bao giờ được nghĩ sẽ thu bao nhiêu tiền trước mà phải nghĩ ngược lại: Làm sao phục vụ bệnh nhân tốt hơn, khám chữa bệnh tốt hơn, phương pháp điều trị hiệu quả hơn? Như vậy thì bệnh nhân mới tìm đến mình, mình mới thu được tiền của bệnh nhân được Nhà nước cho phép thu.

Trong những cái tốt hơn ấy, lúc nào cũng phải nhớ: Tối thượng phải vì bệnh nhân trước. Người thầy thuốc nào chưa làm gì đã nghĩ đến chuyện lấy được tiền của bệnh nhân trước thì người đó thất bại.

Tôi cho rằng tiền là vô cùng. Năm nay lương anh 5 triệu anh kêu ít, 2 năm sau lương anh 10 triệu vẫn là ít, lên đến 20 triệu có thể vẫn chưa đáp ứng được mong muốn. Nếu quanh quẩn mãi chuyện tiền, người thầy thuốc không thể làm gì được.

Khoa Nhi hiện nay có quy mô nhỏ (60 giường bệnh), trong khi bệnh nhân lại quá đông. Các kỹ thuật tiên tiến đều đã được áp dụng.

Tôi chỉ có một mong muốn là có thể mở rộng quy mô để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu khám chữa bệnh của các cháu.
 

Th.S., B.S. Đặng Quốc Ái (khoa Ngoại, bệnh viện ĐH Y Hà Nội)
Th.S., B.S. Đặng Quốc Ái (khoa Ngoại, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội): “Làm nghề y không phải để kiếm tiền”

Tôi khi chọn nghề Y và ra Hà Nội làm việc không phải vì mục đích kiếm tiền mua nhà lầu xe hơi. Tất nhiên ai cũng phải có tiền để sống, nhưng tôi muốn từ công việc này sẽ có cơ hội được đi học tiếp để có thể nâng cao trình độ, phục vụ người bệnh tốt hơn.

Xã hội chúng ta hiện hay nói đến phong bì, y đức và lấy một hiện tượng chung của toàn xã hội để phán xét một ngành riêng thì không thỏa đáng.

Nhiều bác sỹ lý giải phiến diện rằng đó là vì cuộc sống. Nhưng tôi tin không bác sỹ nào đánh đổi công việc, uy tín, danh dự, sự phấn đấu chỉ vì vài chiếc phong bì của người bệnh.

Cũng không bác sỹ nào vì không có phong bì mà làm những việc gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người bệnh.

Ngay từ xa xưa, dư luận về ngành y đã có rồi. Vì thế mới có lời thề Hypocrat. Cho nên, nghe những dư luận ấy, tôi thấy bình thường. Tôi quan niệm việc mình thì mình làm, sao cho bệnh nhân mỗi lần gặp lại người ta quý trọng, người ta vui vẻ.

Qua đây, tôi cũng muốn nhấn mạnh một điều: “Văn hóa phong bì” của người miền Bắc quá nặng nề, họ cứ nghĩ phải có phong bì mới giải quyết được vấn đề của họ.

Tôi sinh ra ở Tây Nguyên, học tập và làm việc ở miền Trung 10 năm, tôi thấy người miền Trung không tìm mọi cách đưa phong bì cho bác sỹ như người miền Bắc.

Ở miền Bắc, có bệnh nhân đưa phong bì cho tôi rồi bị từ chối, họ gọi điện cho Giám đốc vì sợ không nhận phong bì thì tôi sẽ làm không tốt. Nhiều người trước khi mổ cũng cố tìm bằng được bác sỹ để đưa phong bì để đổi lấy sự yên tâm. Suy nghĩ ấy là không đúng và dễ làm hư những người thầy thuốc.

Bác sỹ sản khoa Lê Thị Kim Dung (Trung tâm y tế 178 Thái Hà)
Bác sỹ sản khoa Lê Thị Kim Dung (Trung tâm y tế 178 Thái Hà): “Xã hội không bạc đãi người thầy thuốc nếu họ toàn tâm toàn ý với người bệnh”

Những ai thích cảm giác phiêu lưu thì hãy làm bác sỹ phẫu thuật, đặc biệt là phẫu thuật sản khoa (tính cấp bách cao). Cảm giác của một bác sỹ trên bàn mổ không khác gì cảm giác của một phi công, thuyền trưởng phải tự chèo lái con thuyền của mình ra đại dương một mình.

Tôi yêu nghề thầy thuốc vì nó mang lại cho tôi những trải nghiệm, cảm xúc tuyệt vời.

Mỗi ngày tôi gặp một người bệnh khác nhau, trong tình trạng khác nhau, hoàn cảnh khác nhau.

Và tôi hạnh phúc khi có người bệnh gặp lại mình, họ khỏe mạnh, họ nhớ mình, tay bắt mặt mừng. Chữa được bệnh cho người bệnh là niềm hạnh phúc lớn của người thầy thuốc.

Ngày nay, thầy thuốc đứng giữa nhiều áp lực. Nhiều bệnh nhân tôi cho là không biết thầy thuốc muốn gì, nghĩ gì. Họ cứ tự đút tiền vào túi bác sỹ mà không hiểu rằng điều bác sỹ nghĩ đến là bệnh tật chứ không nghĩ trước tiên đến tiền.

Phong bì làm thầy thuốc rất áp lực, khó nghĩ. Họ không thoải mái, lúc nào cũng nghĩ không biết mình có làm tốt không vì đã nhận tiền rồi.

Tuy nhiên, thực tế là làm việc trong môi trường quá đông bệnh nhân, thật khó để mang lại sự hài lòng cho người bệnh. Từ đây, nhiều tiêu cực tất yếu đã phát sinh.

Trước đây tôi làm trong bệnh viện Nhà nước, tôi không có thời gian nói chuyện, chia sẻ với bệnh nhân vì quá đông. Có người vào viện chẳng được hỏi han kỹ, bệnh tình không khỏi, đành ngậm ngùi chấp nhận sống chung với nó.

Nhưng khi ra làm tư, tôi được trò chuyện thoải mái, thẳng thắn với người bệnh. Chúng tôi được bàn bạc, lắng nghe nhau khiến hiệu quả điều trị tốt hơn hẳn.

Đến nay, trải nghiệm trong nghề đã mấy chục năm trời, tôi nhận ra rằng: Xã hội, người bệnh không bạc đãi người thầy thuốc nếu anh toàn tâm toàn ý phục vụ họ.

Cẩm Quyên
(Thực hiện)