- Trao đổi bên lề hội nghị tập huấn về quy chế phát ngôn hôm nay (7/8), Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Đỗ Quý Doãn thẳng thắn chia sẻ về việc cung cấp thông tin cho báo chí.

>> Báo chí không đăng, mạng xã hội sẽ chiếm lĩnh
>> Bộ trưởng TT&TT: Báo chí phải xây dựng lòng tin

- Thưa ông, một trong những khó khăn mà phóng viên hay gặp khi liên hệ với các cơ quan nhà nước là việc đùn đẩy, lãnh đạo các cục, vụ đổ cho người phát ngôn, người phát ngôn nói không nắm vấn đề cụ thể nên đề nghị liên hệ với lãnh đạo cục, vụ.

Tôi nghĩ việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí là cả một quá trình, có quy chế, quy định chưa hẳn đã thực hiện tốt trong thực tiễn. Điều này phụ thuộc nhiều vào kỹ năng của người làm nhiệm vụ phát ngôn. Không phải cán bộ, công chức nào, kể cả người đứng đầu, đều có kỹ năng cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, thoải mái với báo chí.

Vì vậy, cần tiếp tục rèn luyện, bồi dưỡng, đào tạo cho đội ngũ này các kỹ năng về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Chắn chắn khi có đầy đủ kỹ năng, dần dần, cán bộ, công chức, những người thay mặt cơ quan hành chính nhà nước làm nhiệm vụ này sẽ làm tốt.

Kinh nghiệm các nước cũng cho thấy, ban đầu không phải người thay mặt cơ quan hành chính nhà nước nào cũng sẵn sàng và có khả năng cung cấp thông tin cho báo chí một cách đầy đủ, "ngon lành", nhiều người ngại, luôn né tránh, nhưng khi có kỹ năng sẽ dần quen.

{keywords}
Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: Ban đầu không phải ai cũng sẵn sàng và có thể trả lời báo chí đầy đủ, "ngon lành". Ảnh: Chung Hoàng

Trong thực tế, tình trạng đùn đẩy, né tránh còn do đôi khi họ chỉ nhận thức đơn lẻ từng loại văn bản, không nhìn tổng thể tất cả các quy định về lĩnh vực này. Không phải việc cung cấp thông tin cho báo chí chỉ nằm ở quyết định 25 hay quyết định 77 trước đây, mà việc này đã được quy định rõ trong luật Báo chí.

Theo luật, mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin cung cấp. Nghĩa là tất cả tổ chức, cá nhân, khi báo chí cần tiếp cận nội dung gì, đều có nghĩa vụ cung cấp thông tin đó.

Còn khi một người nhân danh cơ quan hành chính nhà nước để cung cấp thông tin chính thức về một vấn đề được dư luận, xã hội, báo chí quan tâm, họ sẽ tuân thủ các quy định trong quyết định 25.

Bên cạnh vấn đề tâm lý, việc đùn đẩy, né tránh của các cơ quan nhà nước nhiều khi còn do cơ quan báo chí khi tiếp cận không thể hiện được rõ mục đích của việc khai thác, phỏng vấn. Cần lưu ý rằng việc thông tin phải có sự cộng tác và chia sẻ, vì nhiệm vụ cuối cùng của người phát ngôn và báo chí đều là đưa thông tin tới công chúng. Do vậy, báo chí cũng phải thực hiện đúng quy trình, quy định.

- Vậy những hạn chế này sẽ được khắc phục thế nào khi các cơ quan nhà nước thực hiện quy chế mới về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí?

Trước hết, các cơ quan hành chính nhà nước cần quán triệt và nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ này. Việc tuyên truyền, phổ biến để quy chế này đi vào cuộc sống cũng rất cần thiết. Và như tôi đã nói, việc minh bạch hóa thông tin là cả một quá trình.

Nhưng nếu các cơ quan hành chính nhà nước né tránh, hoặc không đáp ứng được nhu cầu thông tin của báo chí, báo chí chắc chắn sẽ đi tìm những nguồn thông tin khác. Trong xã hội, nếu không có thông tin chính thống, công chúng cũng sẽ đi tìm những nguồn thông tin khác, không thể tránh được.

Khi ấy, không những cơ quan đó phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng vì không thực hiện đúng quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, mà việc công chúng, người dân hiểu về hoạt động, chính sách của cơ quan đó cũng gặp khó khăn.

Thông tin là để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Đó cũng là cơ hội để cơ quan hành chính nhà nước làm cho công chúng hiểu đúng hơn về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của việc những mình đang làm.

Chung Hoàng