- Kết quả khảo sát chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh với doanh nghiệp FDI 2011 công bố sáng nay (23/2) cho thấy hiệu ứng lan tỏa của các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam rất thấp.

Đây là năm thứ hai báo cáo về PCI được Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) và dự án Sáng kiến Cạnh tranh Việt Nam (VNCI) mở rộng diện khảo sát  tới các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI (trước đây chỉ thực hiện trong khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh VN).

Hiệu ứng lan tỏa thấp

Lâu nay, một trong các ích lợi thường được nhắc tới trong thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là sự lan tỏa và chia sẻ về công nghệ, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệp quản lý, làm "đòn bẩy" cho sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát chỉ ra một thực tế là hiệu ứng lan tỏa rất hạn chế. Đầu tư trực tiếp nước ngoài không hỗ trợ được là bao cho việc phát triển thị trường nội địa. Khi mà doanh nghiệp FDI mua hàng hóa, dịch vụ trung gian từ các doanh nghiệp trong nước rất ít (40% đối với các loại doanh nghiệp và chỉ 2% đối với doanh nghiệp tư nhân).

Kết quả hoạt động của doanh nghiệp FDI (Nguồn: VCCI)

Sản phẩm của doanh nghiệp FDI chủ yếu để xuất khẩu. Rất nhiều doanh nghiệp FDI cho hay, khách hàng chính của họ là cá nhân hoặc doanh nghiệp nước ngoài.

Chính việc thiếu kết nối với khu vực kinh tế tư nhân trong nước mới là điều đáng lo ngại bởi doanh nghiệp trong nước sẽ mất đi nhiều cơ hội tận dụng và khai thác lợi thế công nghệ, năng suất từ khu vực FDI.

"Điều này làm hạn chế hiệu ứng lan tỏa về tiếp thu công nghệ, kinh nghiệp quản lý và cải thiện năng suất cho DN trong nước. DN trong nước rất ít học hỏi hay thu thập được gì từ phía các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách cần nghiên cứu cải thiện", giám đốc dự án USAID/VNCI Jim Winkler nhận xét.

Doanh nghiệp lớn chỉ chiếm thiểu số

Một trong các lý do có thể giải thích cho việc hiệu ứng lan tỏa của khối doanh nghiệp FDI chưa cao là bởi hầu hết các doanh nghiệp FDI  hoạt động tại Việt Nam có quy mô tương đối nhỏ về cả lao động và vốn, hoạt động chủ yếu trong các ngành nghề sử dụng nhiều nhân công hơn là ngành nghề chất lượng cao.

Theo khảo sát, các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu đến từ các nền kinh tế Đông Á, Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc, chiếm 66% số doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát. Nếu kể cả các nước ASEAN thì con số này là 75%.

Đáng chú ý, có tới 75% doanh nghiệp FDI ở Việt Nam có dưới 300 lao động. Trong số đó, có tới 37% có dưới 50 lao động. Số doanh nghiệp quy mô lớn chỉ là thiểu số.

Đa số các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp - chế tạo có chi phí lao động thấp như dệt may, da giày, điện tử, chế biến thực phẩm (65%), dịch vụ - thương mại chiếm 24% trong tổng số. Hiện tại, chỉ khoảng 5% doanh nghiệp FDI hoạt động trong ngành công nghệ hiện đại, 5% trong dịch vụ khoa học - công nghệ, 3,5% trong dịch vụ tài chính, quản lý đòi hỏi kỹ năng cao.

Thực tế, khi giới thiệu về tiềm năng đầu tư tại Việt Nam các cơ quan xúc tiến đầu tư luôn nhấn mạnh đến yếu tố lợi thế như nhân công giá rẻ, ổn định chính trị và đặc biệt các ưu đãi về thuế và đất đai (do các tỉnh mở rộng thu hút đầu tư nước ngoài).

Khảo sát PCI-FDI cho thấy các doanh nghiệp FDI đều coi nhẹ các yếu tố đảm bảo tính bền vững của môi trường kinh doanh và bảo đảm điều kiện phát triển trong những lĩnh vực công nghệ cao, chẳng hạn như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, khả năng tiếp cận các nhà hoạch định chính sách, bảo hộ đầu tư và thực thi hợp đồng...

"Hiện tượng ít quan tâm đến điều hành có thể lý giải cho một thực tế là hầu hết doanh nghiệp FDI có mô hình hoạt động chi phí thấp, đứng ở cuối chuỗi giá trị toàn cầu. Chính vì vậy, họ không mấy quan tâm đến vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mà thường chỉ chú trọng cắt giảm chi phí", nhóm nghiên cứu đánh giá.

Về lâu dài, ông Jim Winkler cho rằng Việt Nam cần tăng cường thu hút các nhà đầu tư mang lại giá trị gia tăng cao hơn, các ngành nghề chất lượng và công nghệ hiện đại hơn. Để làm được điều này, Việt Nam cần cải thiện chất lượng lao động, giáo dục và xây dựng các chiến lược cụ thể hóa theo từng ngành, từng lĩnh vực.

Lê Nhung