Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành nông nghiệp tập trung chỉ đạo quyết liệt tái cơ cấu với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao thu nhập người nông dân. 

Báo cáo tại hội nghị tổng kết năm 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016, kế hoạch 5 năm 2016-2020 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn hôm nay cho biết thời gian qua, dù có nhiều bất lợi của thời tiết, khí hậu và thị trường tiêu thụ, ngành nông nghiệp đã vượt qua khó khăn.

{keywords}
Thu mua lúa, gạo tạm trữ ở Đồng Tháp

Bình quân cả giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng GDP của ngành đạt 3,13%, chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện. Thu nhập của người dân nông thôn năm 2015 tăng khoảng 2 lần so với năm 2010. 

Nhiều địa phương đã tạo được chuyển biến rõ nét trong việc lựa chọn cây, con chủ lực để tập trung đầu tư phát triển; tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên liệu, đến chế biến và tiêu thụ với quy mô lớn hơn; đã chú trọng quy hoạch và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến hết 2015 cả nước có 1.478 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 15 huyện được công nhân đạt chuẩn nông thôn mới. 

Đối với năm 2016 và 5 năm tới (2016-2020), ngành nông nghiệp xác định chỉ tiêu tăng GDP 3%; tỉ lệ hộ nghèo nông thôn là 7,5%, giảm bình quân 2%/năm...

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, các nhiệm vụ, giải pháp đề ra là tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của ngành nông nghiệp, luôn là bệ đỡ, giá đỡ cho sự ổn định và phát triển kinh tế-xã hội. 

Thủ tướng chỉ đạo ngành hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, luật pháp để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước để phát triển mạnh hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn, cải thiện đời sống người nông dân. 

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị

Trong tái cơ cấu, cần đặc biệt quan tâm xây dựng các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi đưa khoa học - công nghệ, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, bởi khoa học-công nghệ là yếu tố rất quyết định, rất cụ thể mà ở đây chính là giống, là quy trình sản xuất, canh tác, là chế biến, bảo quản sản phẩm... 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành, trong đó có các nông lâm trường quốc doanh. 

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, theo Thủ tướng, cũng phải đặc biệt quan tâm việc tăng thu nhập cho người nông dân; xây dựng hạ tầng nông thôn; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động... 

Nhấn mạnh VN nằm trong số ít quốc gia trên thế giới mà theo nhiều dự báo sẽ chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành nông nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch phòng tránh thiên tai; hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiên tai; củng cố và phát triển hệ thống thủy lợi...

Theo TTXVN