“Chúng ta phải quyết tâm thực hiện để các đối tượng không thể, không muốn, không cần và không dám tham nhũng” – thứ trưởng Trương Minh Tuấn nói.

Ngày 23/12 Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn - Thành viên Ban chỉ đạo tổng kết 10 năm (2006 -2015) Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ TT&TT vào làm việc tại UBND tỉnh Đắk Lắk để kiểm tra về công tác phòng, chống tham nhũng.

{keywords}

Khung cảnh buổi làm việc ngày 23/12.

Báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk cho thấy, trong 10 năm qua công tác tự kiểm tra nội bộ đã phát hiện 8 vụ (19 đối tượng) với tổng số tiền vi phạm 343 triệu đồng (đã thu hồi), Qua công tác thanh tra phát hiện 34 vụ (58 đối tượng) với tổng số tiền vi phạm 4,6 tỷ đồng và 2.400 mét vuông đất các loại. Trong khi đó qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 30 vụ, có tổng số tiền sai phạm 422 triệu và 28.270 mét vuông đất.

Kết quả điều tra của ngành công an cũng cho thấy nơi này đã tiếp nhận 133 tin tố giác (232 đối tượng), qua điều tra đã xác minh và khởi tố 83 vụ với 149 bị can. Thống kê của tòa án cho thấy đã thụ lý 133 vụ, xử 105 vụ, trả hồ sơ điều tra bổ sung 27 vụ, đang thụ lý 1 vụ.

Kết quả xét xử cho thấy tòa án đã phát hiện số tiền thiệt hại gần 15 tỷ đồng, 177 bị cáo bị phạt tù từ 3 đến 15 năm, 40 bị cáo được hưởng án treo, 7 bị cáo được tuyên không có tội hoặc đình chỉ xét xử.

Về công tác thu hồi tài sản tham nhũng, báo cáo cho thấy tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện tổng cộng tài sản thiệt hại do tham nhũng trong 10 năm là 41 tỷ đồng và 40.670 mét vuông đất các loại. Hiện tỉnh đã thu hồi được 21 tỷ đồng và 38.270 mét vuông đất.

Đánh giá về những kết quả đã đạt được, UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng 10 năm thực hiện công tác PCTN, lãng phí tại tỉnh đã mang lại nhiều kết quả, chuyển biến tích cực. Những hành vi phi phạm được phát hiện và xử lý nghiêm đã góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Đề cập đến các mặt hạn chế, UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng việc phát hiện và xử lý tham nhũng còn ít, do đó chưa có tác dụng răn đe, giáo dục phòng ngừa sai phạm. Công tác phối hợp giữa các cấp các ngành cũng được nhận xét rằng chưa thường xuyên, chưa chặt chẽ.

Về những bất cập trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng, UBND tỉnh cho rằng các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng khi được phát hiện đều bị điều tra, truy tố, xét xử theo quy định. Tuy nhiên khoảng thời gian từ khi phát hiện đến khi xét xử tương đối dài nên các đối tượng phạm tội đã lợi dụng điều này để tẩu tán tài sản.

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham nhũng, ngoài việc do bị ảnh hưởng bởi mặt trái của cơ chế thị trường, sự cạnh tranh không lành mạnh… thì còn có những nguyên nhân thuộc về con người.

Cụ thể, UBND tỉnh thẳng thắng nhìn nhận rằng công tác quản lý trên một số lĩnh vực còn sơ hở, cải cách hành chính còn chậm và lúng túng, cơ chế ‘xin – cho” trong hoạt động công vụ còn phổ biến, thủ tục hành chính còn nặng nề, phiền hà. “Đồng lương không đủ đảm bảo cuộc sống là một động cơ đẩy cán bộ, công chức thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực khi có điều kiện, cơ hội” – báo cáo viết.

Bổ sung thêm cho những số liệu, nhận định trên ông Nguyễn Hải Ninh – Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng chống tham nhũng là việc lâu dài, khó khăn, gian khổ do phải động chạm trực tiếp đến con người trong khi thể chế và thiết chế chưa hoàn thiện.

Theo ông Nguyễn Hải Ninh, Luật PCTN gắn trách nhiệm của người đứng đầu nhưng việc thể chế hóa thành quy định pháp luật chưa được sát. Ngoài ra một số hành vi chưa được ghi nhận trong luật. Ông Ninh cho rằng cần xây dựng một mô hình, cơ quan quản lý tham nhũng với nguyên tắc phải độc lập và có thẩm quyền đủ mạnh.

“Chúng ta cần quy định cụ thể, chặt chẽ việc công khai minh bạch khi thực hiện dự án, đấu thầu dùng ngân sách nhà nước và gắn với trách nhiệm giải trình. Chúng ta có quy định cụ thể về kê khai tài sản thu nhập nhưng tác dụng không lớn. Đối tượng kê khai rộng nhưng sử dụng kết quả đấy để kiểm soát thì gần như bỏ ngỏ, nên chăng chỉ tập trung vào một số ít và làm thật chặt” – ông Ninh nói về một số biện pháp cần thực hiện để PCTN.

{keywords}

Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn.

Trước các vấn đề trên của tỉnh Đắk Lắk, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đánh giá cao sự chuẩn bị của tỉnh, thông qua một báo cáo rất đầy đủ, chi tiết. Ông cũng cho rằng trong 10 năm qua tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện khá tốt nhiều công việc, giải pháp để PCTN.

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nhất chí với những điểm còn yếu kém mà báo cáo đã nêu ra và nhấn mạnh UBND tỉnh cần đặc biệt chú ý đến nguyên nhân chủ quan, vì đây là nguyên nhân chủ yếu, cốt lõi dẫn đến tham nhũng.

Về kê khai tài sản, theo Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đây là việc làm đúng, nhưng nếu làm không tốt thì lại là hình thức để tham nhũng len lỏi vào.

“Tham nhũng làm xói mòn niềm tin với Đảng, lung lay thể chế, do đó chúng ta phải xác định đây là nhiệm vụ của mọi tổ chức, ngành nghề chứ không chỉ của công an, tòa án, viện kiểm sát. Chúng ta phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện theo tiêu chí “cấp trên trước – cấp dưới sau, trong Đảng trước – ngoài Đảng sau” – Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh.

Thời gian tới Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị UBND Đắk Lắk cần tập trung xử lý những vấn đề còn yếu kém, nghiêm túc thực hiện kế hoạch được giao, quan tâm hơn nữa đến việc triển khai tổng kết công tác PCTN và xác định công tác này có vai trò rất quan trọng để hoàn thiện pháp luật, thể chế, phát hiện những sai sót trong chính sách pháp luật để kịp thời bổ sung.

“Chúng ta phải quyết tâm thực hiện để các đối tượng không thể, không muốn, không cần và không dám tham nhũng” – Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nói.

(Theo Infonet)