- Đầu tuần tới, Thủ tướng Angela Merkel sẽ có lịch trình làm việc bận rộn ở Hà Nội và TP.HCM, nhằm đẩy mạnh lợi ích hợp tác của Đức với Việt Nam.  

Thủ tướng Đức Angela Merkel lần đầu tiên thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trước đó, người tiền nhiệm Gerhard Schroeder đã thăm chính thức Việt Nam năm 2003 và 2004. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức CHLB Đức năm 2008.

Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh:EU2007.de

Ngày 10/10, bà Angela Merkel sẽ đáp chuyên cơ, có mặt tại Hà Nội. Tiếp đó, trong hai ngày 11 và 12/10, bà sẽ hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, dự Diễn đàn doanh nghiệp hai nước. Bà cũng dự kiến gặp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, thăm một số cơ sở kinh tế, văn hóa tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Tháp tùng bà Merkel là đoàn doanh nghiệp Đức đông đảo. Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (GIC) tại Việt Nam cho hay GIC và Hiệp hội Thương mại Đức (GBA) sẽ tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Đức tại TP Hồ Chí Minh ngày 12/10. 

Chuẩn bị cho chuyến thăm của bà Angela Merkel, hôm qua (7/10), Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Emily Haber có mặt tại Hà Nội và tiến hành tham vấn chính trị với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Hai bên đã trao đổi và cơ bản hoàn tất nội dung các văn kiện hợp tác để ký kết nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel, đồng thời khẳng định quyết tâm sẽ triển khai tích cực và hiệu quả các dự án hợp tác “hải đăng” như trường Đại học Việt - Đức, tuyến tàu điện ngầm số 2 tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm đào tạo nghề xuất sắc tại miền Bắc..

Đức có quan hệ lâu đời với Việt Nam. Năm 2010, hai nước vừa kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. 5 mảng hợp tác song phương trọng tâm hiện nay là chính trị - ngoại giao, thương mại - đầu tư, tư pháp và pháp luật, hợp tác phát triển và bảo vệ môi trường, giáo dục, khoa học, công nghệ, văn hóa, truyền thông và giao lưu nhân dân.

Việt Nam và Đức đang tìm kiếm các cơ hội hợp tác, hướng tới nâng cấp quan hệ song phương lên tầm cao mới, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Phía Đức mong muốn xây dựng một “Ngôi nhà Đức” để củng cố sự hiện diện kinh tế, chính trị và văn hóa tại Việt Nam.

Linh Thư