- Ngày 26/7/2011, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã kí quyết định số 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Điều đó cũng có nghĩa, hàng trăm dự án bất động sản nằm trong Hành lang xanh và Vành đai xanh có nguy cơ phải xem xét lại hoặc hủy bỏ.

Tầm nhìn 2050

Theo quy hoạch này, trung tâm hành chính - chính trị quốc gia vẫn được đặt tại Ba Đình. Không quy hoạch các cơ quan Chính phủ tại Ba Vì, một số bộ, ngành sẽ chuyển trụ sở đến Khu vực Tây Hồ Tây và Mỹ Đình...

Từ vành đai 4 trở vào là các trung tâm chính trị, văn hóa, giáo dục, y tế chất lượng cao của cả nước...

Trong bản Quy hoạch Hà Nội 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Mô hình về không gian của Thủ đô định hướng: Hình thành hành lang xanh dọc sông Đáy, sông Tích, sông Cà Lồ nhằm phân tách kiểm soát ngưỡng phát triển của đô thị hạt nhân và các đô thị vệ tinh.

Hành lang xanh chiếm 68% tổng diện tích đất tự nhiên, có chức năng bảo vệ những khu vực tự nhiên quan trọng như hệ thống sông hồ, vùng núi Ba Vì, Hương Tích, Sóc Sơn; bảo vệ vùng nông thôn, nông nghiệp năng suất cao, các làng xóm, làng nghề truyền thống, các di tích văn hoá và kiểm soát lũ lụt.

Công trường xây dựng trong hành lang xanh (ảnh chụp 2010) - Ảnh: Thu Lý

Trong khu vực hành lang xanh, xây dựng đường cảnh quan Bắc-Nam và 3 đô thị sinh thái mật độ thấp là Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn (quy mô dân số tối đa 5 vạn người/đô thị) tại giao cắt của 3  tuyến chính QL6, đường Láng - Hòa Lạc và QL32.

Duy trì các thị trấn hiện hữu như Phùng, Tây Đằng, Phúc Thọ, Liên Quan, Kim Bài, Vân Đình, Đại Nghĩa, Thường Tín… và hình thành mới một số thị tứ.

Hà Nội hình thành 5 đô thị vệ tinh la Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên - Phú Minh và Sóc Sơn và các đô thị sinh thái...
Các đô thị sinh thái và các thị trấn, thị tứ có nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ công cộng hỗn hợp cho khu vực nông thôn.

Thiết lập vành đai xanh dọc theo sông Nhuệ kết nối các không gian mở và hệ thống công viên đô thị tạo vùng đệm và là không gian cách biệt giữa đô thị lõi lịch sử với phần mở rộng mới của đô thị hạt nhân trên tuyến vành đai IV tránh việc phát triển theo vết dầu loang.

Vành đai xanh dọc sông Nhuệ sẽ giảm tối đa mật độ xây dựng, tiến tới không phát triển dân cư đô thị chỉ có các công trình công cộng sinh thái cây xanh và mặt nước...

Nhiều dự án bất động sản ảnh hưởng?

Từng trao đổi với PV VietNamNet khi bắt đầu công bố Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đền năm 2050, Thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Đình Tòan có cho biết: Nguyên tắc của hành lang xanh và vành đai xanh là nhất định diện tích phải nhiều màu xanh, không có nhà cao quá 3 tầng trong đó.

Điều đó có nghĩa, khi quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt, những dự án đô thị nằm trong khu vực này có nguy cơ “chết yểu”.

Những huyện ảnh hưởng nhiều là Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai (trong khu vực có dự án đường vành đai 4 chạy qua), với mỗi địa phương có hàng trăm dự án BĐS, chủ yếu là dự án nhà ở, khu đô thị. Trong số này, có thể kể đến những dự án có diện tích rất lớn lại nằm trong khu vực hành lang xanh và vành đai xanh.

Liên quan đến thông tin này, trả lời báo chí, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã khẳng định: “Những dự án vướng vành đai xanh chắc chăn sẽ phải xử lý. Các dự án đó đã được rà soát lại, xem xét để xắp xếp, dự án nào được tiếp tục, dự án nào không tiếp tục. Sau khi cho phép triển khai tiếp tục, bước thứ 2 là rà soát chi tiết cụ thể hơn để làm sao khớp kết nối với nhau về mặt hạ tầng, không gian kiến trúc, không gian xanh…”.

Năm 2009, khi bản dự thảo Quy hoạch được công bố và tổ chức triển lãm tại Triển lãm Vân Hồ để lấy ý kiến người dân, hàng chục nghìn người đã kéo về để xem và xuống tiền “ôm đất” theo quy hoạch.

Ngay sau đó, cơn sốt đất tại Ba Vì, Lương Sơn, Quốc Oai… đã làm cho không ít người đầu tư cả gia tài để mong được ở gần Trung tâm hành chính tương lai để rồi lâm vào cảnh méo mặt vì không bán lại đựơc cho ai.

Đến thời điểm này, khi hàng trăm dự án bất động sản có nguy cơ phải hủy bỏ vì vướng vành đai xanh, hành lang xanh, một lần nữa, hàng chục nghìn người dân đã trót đóng tiền “góp vốn” vào các dự án sẽ méo mặt vì không biết số phận đồng tiền của mình sẽ đi đâu, về đâu?

  • Thu Lý