- Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), các nhà sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng khi sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn.

Ngày 5/2, tại Hội nghị trực tuyến về phòng chống bệnh và các công tác đảm bảo an toàn vệ sinh dịp Tết với hơn 600 điểm cầu, ông Phong nhấn mạnh: "Chúng ta phải tuyên truyền để người dân biết được, theo quy định của luật An toàn thực phẩm cũng như luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người dân có quyền được tiếp cận đầy đủ các thông tin liên quan đến thực phẩm và được bồi thường khi sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn. Theo quy định của Luật, các nhà sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng".

Ông Phong cho biết, trong năm 2014, Bộ Y tế đã tổ chức gần 33.000 đoàn thanh tra, kiểm tra đối với trên 510.000 cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm. Kết quả cho thấy, số trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) đã giảm 30% so với năm 2013.

{keywords}
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra một siêu thị tại Hà Nội. Ảnh: VFA

Cụ thể, trong số trên 3.000 tấn rau quả với hàng chục nghìn mẫu được kiểm nghiệm, xét nghiệm, tỉ lệ vượt ngưỡng chỉ chiếm 1,67%, trong đó có 1 mẫu táo và 1 mẫu nho có nguồn gốc từ Trung Quốc; thủy sản vượt ngưỡng kháng sinh với tỉ lệ 0,19%. Cục trưởng Cục ATTP đánh giá, tỉ lệ này tương đương với các nước phát triển như EU, Nhật Bản.

Riêng gia súc, gia cầm, tỉ lệ nhiễm vi sinh vật vẫn ở mức cao 25%, chủ yếu do giết mổ, tuy nhiên không đáng lo ngại vì có thể xử lý bằng nhiệt khi đun nấu.

"Gần đây nhất, chúng tôi đã lấy 143 mẫu táo và 80 mẫu lê thì chưa phát hiện sản phẩm nào vượt ngưỡng. Tại TP.HCM cũng đã cho kiểm tra mứt, lạp xường, rượu trắng... nhưng chưa phát hiện vi phạm", ông Phong thông tin.

Ông Phong cho biết, để siết chặt giám sát, xử phạt các cơ sở vi phạm được sát sao hơn, Chính phủ vừa đồng ý cho thí điểm thanh tra ATTP tại cấp quận, phường tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM, cho phép các đơn vị xử phạt trực tiếp các cơ sở vi phạm.

Mỗi thành phố sẽ thí điểm 10 đơn vị, trong đó gồm 5 quận, huyện với 5 xã, phường trên cơ sở không vì biên chế không lấy thêm biên chế mà sử dụng biên chế của các lực lượng chuyên ngành hiện có.

Theo đó, khi phát hiện vi phạm, đội trưởng, đội phó được phạt đến 20 triệu đồng, tổ trưởng được phạt đến 2,5 triệu, còn các thành viên được phạt đến 500.000 đồng.

Đây là lần đầu tiên đội thanh tra an toàn thực phẩm tuyến xã, phường được thành lập. 100% số tiền xử phạt sẽ được giao cho địa phương giữ lại để tiếp tục có kinh phí đẩy mạnh hoạt động thanh tra, xử phạt.

Để chuẩn bị cho công tác đảm bảo ATTP dịp Tết, tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo phải tập trung thanh tra, kiểm tra các sản phẩm rượu nếp, mứt kẹo tết, nước giải khát, các loại thịt và chế phẩm từ thịt như giò chả... Phải tập trung lấy mẫu, ưu tiên kiểm nghiệm sớm, trả kết quả sớm, tránh trường hợp sau tết mới có kết quả.

Khi có kết quả cần phải công bố ngay trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân cảnh giác, tẩy chay và phải ngừng cấp giấy phép, ngưng hoạt động đối với các cơ sở vi phạm.

Thúy Hạnh