Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời các nhà phân tích nhận định, ông Kim có thể đang muốn tạo dựng hình tượng bản thân như một nhà lãnh đạo đáng tin cậy về hợp tác ngoại giao và kinh tế.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2, diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 27 - 28/2 dự kiến sẽ mang tới một cơ hội nữa để ông Kim khắc họa hình tượng đó, một việc thiết yếu cho những nỗ lực của ông nhằm làm giảm sự cô lập Bình Nhưỡng, tạo ra các cơ hội ngoại giao và kinh doanh cũng như tái thiết nền kinh tế đất nước.

{keywords}
Ông Kim Jong-un bắt tay Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore ngày 12/6/2018. Ảnh: Korea Times

Cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai với Tổng thống Trump là đỉnh điểm của chiến dịch xây dựng hình tượng mới mà ông Kim xúc tiến hồi đầu năm ngoái, khi chuyển trọng tâm chính sách sang phát triển kinh tế Triều Tiên sau tuyên bố "hoàn thiện lực lượng hạt nhân quốc gia" tháng 11/2017.

Theo Kim Tae-hyeong, giáo sư chuyên ngành khoa học chính trị tại Đại học Soongsil (Hàn Quốc), trong vài năm đầu sau khi lên nắm quyền, ông Kim ưu tiên củng cố quyền lực trong nước. Hiện, khi đã ở vị thế lãnh đạo vững chắc, ông Kim dường như muốn chứng tỏ với thế giới rằng, ông là một nhà đối thoại ngoại giao nhất quán, đồng thời xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo hiện đại, tự tin trên trường quốc tế trước người dân trong nước.

Năm 2016, ông Kim đã cho triển khai một chương trình phát triển quốc gia kéo dài 5 năm. Tuy nhiên, chương trình tạo ra rất ít động lực thúc đẩy kinh tế đất nước do các lệnh cấm vận quốc tế cùng sự không rõ ràng về chính trị khiến các nhà đầu tư ngoại sợ hãi và làm cạn kiệt các cơ hội kinh doanh.

Việc Tổng thống Mỹ Trump nhiều lần đề cập đến khả năng Triều Tiên trở thành "một cường quốc kinh tế" có thể càng gia tăng những nỗ lực của ông Kim nhằm xây dựng bản thân như một vị lãnh đạo kinh tế.

Hội nghị thượng đỉnh sắp diễn ra ở Hà Nội nhiều khả năng sẽ tập trung vào làm sáng tỏ các bước phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng để đổi lấy những động thái tương ứng từ Washington, có thể bao gồm cả các biện pháp khuyến khích kinh tế hoặc nhân đạo nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự "bánh mì và bơ" của ông Kim.

Bảo vệ nền kinh tế là phần duy nhất còn dang dở trong tầm nhìn dài hạn của Bình Nhưỡng nhằm biến Triều Tiên trở thành một quốc gia "mạnh về kinh tế, tư tưởng và quân sự". Triều Tiên tuyên bố, họ đã trở thành một quốc gia hùng mạnh về mặt tư tưởng với ý thức hệ "tự lực, tự cường" và mạnh về quân sự.

"Xét về các khía cạnh kinh tế, cộng đồng quốc tế hiện biết rất ít về các cơ hội và thách thức đầu tư, các khung pháp lý và quyền sở hữu trí tuệ ở Triều Tiên. Chủ tịch Kim cần phải làm nhiều việc hơn nữa để thông báo cho thế giới biết tại sao ông ấy nhìn nhận đất nước của mình là một đối tác làm ăn và điểm đến đầu tư hấp dẫn", Shawn Ho, một chuyên gia nghiên cứu an ninh tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) nói.

Các địa điểm được chọn tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ cũng hé lộ sự háo hức của lãnh đạo Triều Tiên trong việc tạo dựng hình ảnh lãnh đạo kinh tế của ông.

Singapore, nước đăng cai hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim lần đầu tiên, nổi tiếng về "chủ nghĩa tư bản nhà nước mở", vốn đưa nước này vào hàng ngũ các quốc gia giàu nhất châu Á. 

Việt Nam, nước đăng cai hội nghị thượng đỉnh lần hai trong tuần này, đã nổi lên như một nền kinh tế đang phát triển thịnh vượng nhờ các cải cách tự do hóa thị trường khởi xướng từ cuối những năm 1980.

Theo giáo sư Kim Tae-hyeong thuộc Đại học Soongsil, ông Kim có thể nhất trí chọn Singapore và Việt Nam để tổ chức các cuộc gặp lịch sử với lãnh đạo Mỹ khi ông muốn tìm kiếm một mô hình kinh tế mới phù hợp cho Triều Tiên.

Xem thêmToàn cảnh thượng đỉnh Mỹ Triều Lần 2 Tại Việt Nam

Võ sư Việt ‘sốc’ trước cam kết sắt đá của người thầy Triều Tiên

Võ sư Việt ‘sốc’ trước cam kết sắt đá của người thầy Triều Tiên

Võ sư Lê Ngọc Minh (74 tuổi) kể, đầu năm 1966, ông được chọn đi học đại học Thể dục Thể thao tại Triều Tiên. Tháng 1/1967, đoàn gồm 200 người lên đường.

Quỳnh Anh