- Bàn dự thảo luật Tổ chức Viện kiểm sát, Phó đoàn ĐBQH Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền nhận định khâu yếu nhất hiện nay là đội ngũ cán bộ.

Một trong những điểm mới trong dự thảo luật Tổ chức Viện kiểm sát (VKS) là chuyển từ hệ thống VKS theo đơn vị hành chính như hiện nay thành theo khu vực.

Thảo luận dự thảo luật này sáng nay (5/6), ĐB Nguyễn Bá Thuyền, nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Lâm Đồng, nói về lý luận để các cơ quan tư pháp thành khu vực sẽ có tính độc lập: Tiền bạc, tình cảm đi vào tòa thì công lý sẽ cắp cặp ra đi.

{keywords}

ĐB Nguyễn Bá Thuyền: Cán bộ có trái tim nhiệt huyết, cái đầu lạnh và bàn tay sạch. Ảnh: Minh Thăng

Tiền bạc và tình cảm không biên giới, bất cứ chỗ nào cũng có thể đi vào được và sẽ làm cho công lý không còn ở trong đó. Chính vì vậy, tôi cho việc yếu nhất hiện nay là đội ngũ cán bộ chứ không phải do tổ chức bộ máy, vì cán bộ của chúng ta là bản lĩnh chính trị không vững vàng, không tinh thông về nghiệp vụ, đạo đức không trong sáng thì mới xảy ra oan và sai - ông Thuyền nói.

"Không phải do tổ chức nhập cơ quan này với cơ quan khác thì tốt, không phải chúng ta cộng vào tự nhiên nó tốt lên, mà cái chính yếu nhất hiện tôi cho là đội ngũ cán bộ, phải đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, để cán bộ có trái tim đầy nhiệt huyết, nhưng cái đầu phải lạnh và bàn tay sạch thì mới làm cho cán cân công lý và công bằng xã hội được thực hiện".

ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM), nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát, chia sẻ: VKS bảo vệ quyền con người, theo Hiến pháp quy định là chống oan sai ngay từ khi điều tra, chứ không phải chờ đến khi tòa án quyết định, đấy là tính kịp thời.

"Tôi cho rằng để nâng cao chất lượng công tác tư pháp không phải cải cách trụ sở, không phải cải cách vỏ vật chất. Tôi nhất trí phải cải cách con người, cải cách cái đầu, cải cách lương tâm và cải cách trách nhiệm, kinh phí phải tập trung vào việc này", ông Đương nói.

Theo ĐB TP.HCM, tập trung vào cải cách con người làm sao để người thẩm phán, người kiểm sát viên độc lập chỉ có theo luật, có chế độ, lương bổng thỏa đáng.

"Họ không nghĩ đến tiền thì họ mới trong sáng được. Không đói cũng ăn vụng cũng làm liều. Biện chứng cuộc đời như thế, không ai có thể nói mình sạch được đâu. Có điều kiện làm liều", ông Đương nói.

Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cũng nhấn mạnh yếu tố con người. Việc tuyển chọn, bổ nhiệm, nâng ngạch kiểm sát viên thông qua một hội đồng tuyển chọn và thi tuyển.

"Bởi vì nếu chỉ có tuyển chọn không theo một hội đồng thì chúng ta lại không đánh giá được năng lực trình độ của kiểm sát viên và nếu chỉ có thi tuyển không thì chúng ta lại không xem xét được phẩm chất đạo đức và trách nhiệm của kiểm sát viên".

ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) thì phân tích tác động đến người dân nếu tổ chức VKS theo khu vực: Chỉ phù hợp đối với các tỉnh đồng bằng có mật độ dân số trung bình, tình hình an ninh chính trị ổn định. Còn đối với các thành phố lớn mật độ dân số đông, tỷ lệ án cao, phức tạp, đối tượng phạm tội tập trung đông, phạm tội có tổ chức thì lại rất vất vả.

"Với các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, các tỉnh vùng sông nước có khoảng cách giữa các huyện tương đối xa, điều kiện đi lại không thuận lợi thì vô cùng khó khăn, bởi vì việc phê chuẩn phối hợp với các cơ quan điều tra trong công tác xét xử, khám nghiệm, truy tố tại một số huyện, một số xã có thôn bản cách xa trên 100 cây số, đường xá đi lại khó khăn, đi cả ngày mới tới nơi. Điều đó làm cản trở trong công tác điều tra, mục tiêu xây dựng một nền tư pháp gần dân sẽ bị cản trở".

Tổ chức các cơ quan tư pháp theo khu vực, tức là thay đổi hoàn toàn so với hiện nay, không phải cách tối ưu để nâng cao tính độc lập, các ĐB cũng chia sẻ ý kiến này khi thảo luận dự thảo luật Tổ chức Tòa án nhân dân trước đó.

Chung Hoàng