Một nghệ sĩ đã nói vui, nước ta là cường quốc thơ. Từ khi có thêm dàn loa karaoke, nước ta cũng trở thành cường quốc ca hát với tuyên ngôn dân dã để đời "hát hay không bằng hay hát". 

Đầu tiên, phải khẳng định nhu cầu giải trí ca hát của mỗi cá nhân, của quần chúng là có thực, là chính đáng và không thể phủ nhận. Những ca khúc hay đáng để nghe và cũng đáng để tự mình hát lên.

Ngoài việc chơi nhạc, hát hò như một sự giải tỏa căng thẳng sau một ngày lao động mệt mỏi, tiếng hát tự thân đôi khi cũng là tiếng lòng. Ngay cả các cựu chiến binh chúng tôi nữa, khi gặp gỡ liên hoan kỷ niệm, được đàn hát với bạn bè chiến trường sinh tử ngày xưa những khúc quân hành, những nỗi nhớ quê hương, những bài hát tình yêu thời trai trẻ…ai cũng thấy cũng phơi phới tâm hồn.

{keywords}
Karaoke tự phát đang hành hạ người dân ở nhiều đô thị trong cả nước

Giờ tiếp đến chuyện dân tình hát ở đâu, ca thế nào? Thường thấy và dễ thương nhất là ở các quán nhậu chiều tối. Nhóm bạn bè mang theo cây guitar gỗ, vài giọng ca thường, thế là vui vẻ cả các bàn kế bên.

Cũng ở các quán bình dân Sài Gòn, đôi khi người ta gặp các ca sĩ đình đám Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Phương Thanh hay Lê Cường… góp vui giọng mộc với các ca sĩ đường phố.

Hay quá! Vui quá! Kể cả từ hồi kháng chiến, “Có anh chiến sĩ đi qua khu rừng vắng…Anh cười một mình rồi cất tiếng hát vang. Anh hát một mình, có chim rừng nghe anh, suối chảy nghe anh. Thực yêu đời!.

Nhưng giờ đây người ta không hát một mình, người ta hát cả một đám và qua tăng âm hết công suất. “Một đêm bước chân về gác nhỏ”, chợt điếc tai rung màng loa.

Thật là chuyện kinh thiên động địa. Đã uống tới bến rồi thì cứ thế mà hát tới bến. May ra chỉ có các ca sĩ chuyên nghiệp sân khấu, những tay kẹo kéo vỉa hè kiếm ăn độ nhật khi phố xá lên đèn mới hát “chay” vì đó là nghề của họ.

Bình dân thường thường không hát khi không nhậu, bia rượu đẫy vào mới lên hứng, mới đủ tự tin mà khoe giọng thẳng cánh cò bay khi thành phố bắt đầu yên giấc.

Thời buổi công nghệ, với một chiếc loa kéo Trung Quốc đôi triệu, là bất cứ một người trong nhóm nhậu sương sương nào đó cũng có thể giật micro để trở thành ca sĩ không chuyên giữa đêm khuya.

Tửu nâng hứng cho nhạc, nhạc dìu tone cho hứng, cứ thế làm khổ tai hàng xóm bằng những liên khúc không ngờ. “Lỡ mai anh chết em có buồn không?” Anh chưa chết nhưng mà người nghe đã chết. Trời ơi!.

Người hát ắt phải có người nghe, mà người hát chẳng phải Bá Nha, người nghe chẳng phải Tử Kỳ. Khi hành hạ nhau trong âm lượng volume hết cỡ, tiếng hát át cả tiếng bom thì chuyện án mạng hay đập loa xảy ra như đã từng là một điều có thể hiểu được.

Đó là chưa kể góc phố cà phê yên tĩnh buổi sáng hay riêng tư buổi chiều hôm, chiếc loa quái vật kéo qua vỉa hè, rầm rĩ cả một trời thương nhớ, lạnh lùng kiên nhẫn chào bán tăm bông ngoáy tai hay kẹo cool air chống hôi miệng, khiến cặp khách tình nhân mộng mơ đành nhăn mặt rút ví, chuồn vội.

{keywords}
Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, hành vi gây tiếng ồn vượt quá giới hạn tối đa cho phép là hành vi vi phạm pháp luật

Nhiều người đổ tội cho cái loa. Thực ra cái loa vô tội. Ở đây nó là cách cư xử văn hóa giữa con người với nhau. Ca hát là quyền của anh, nhưng anh đừng để cái quyền ca hát ấy ảnh hưởng, cưỡng chiếm cái quyền muốn được yên tĩnh của người khác.

Một đám cưới ở làng quê hay trong ngõ nhỏ, vui vẻ ầm ĩ quá chút trong ngày hạnh phúc cô dâu chú rể thì có thể châm chước được. Nhưng ngày nào “ca nhạc qua loa” cũng diễn ra, vào bất kỳ lúc nào, thì đó là một thảm họa môi trường thực sự.

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, hành vi gây tiếng ồn vượt quá giới hạn tối đa cho phép là hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và phải chịu xử phạt hành chính.

Ngay chính loa phường các thành phố lớn bây giờ cũng đang tuân thủ luật và các quy định dưới luật này, chỉ phát khi thật cần thiết, đúng thời điểm không gây phiền nhiễu đến dân chúng.

Loa phường tuân thủ, giờ lại đến lượt các “loa nhà” lớn tiếng. Song các dụng cụ, phương tiện đo dung lượng tiếng ồn dBA (đề xi ben) lại chẳng được trang bị cho tới cấp phường.

Hơn nữa không phải lúc nào cũng cần thiết phải gọi đến cảnh sát khu vực. Tôi cho rằng để giải quyết triệt để nạn “hung thần karaoke”, như một số tờ báo đã than, quan trọng nhất là phải giải quyết từ cấp cơ sở.

Ở đây thái độ bất bình cùng sự góp ý của các hộ xung quanh, hàng xóm láng giềng chính là một áp lực lớn nhất. Ngoài ra, tổ trưởng dân phố, công an phường sở tại nên phổ biến các quy định đến từng hộ dân, nhắc nhở trước các cuộc họp phố xóm, hoặc cảnh cáo đến những hộ tái vi phạm.

Hãy yêu đời, và cùng ca hát văn minh!

Chủ tịch TP.HCM: 'Karaoke tự phát tra tấn người dân không thể chấp nhận được'

Chủ tịch TP.HCM: 'Karaoke tự phát tra tấn người dân không thể chấp nhận được'

"Sau một ngày lao động mệt mỏi, tối về bị tra tấn bởi tiếng ồn karaoke thì không thể chấp nhận được”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong bức xúc.

                  
 Nhà văn Trung Sĩ