- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu trong tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, phải đặc biệt lưu ý phòng tránh những sự cố như từ trước đến nay, phát hiện ngăn ngừa tất cả các hành vi lợi dụng việc thiêng liêng này vì mục đích khác.

Giao toàn bộ cho quân đội

Hôm nay, tại hội nghị quán triệt, triển khai việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến năm 2020 và tiếp theo, Bộ Quốc phòng cho biết theo thông tư mới, toàn bộ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được giao cho lực lượng quân đội là đầu mối, các địa phương tham gia phối hợp.

Theo Thiếu tướng Trần Văn Minh, Cục trưởng Cục chính sách, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về công tác này, cả nước có 1,146 triệu liệt sĩ, hiện đã tìm được hài cốt của 940.000 người, còn hơn 200.000 hài cốt chưa tìm thấy trong đó có khoảng 1.000 ở Lào và 6.000 ở Campuchia.

Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng, khâu khó nhất là thông tin về liệt sĩ và mộ liệt sĩ. “Quân đội dù vất vả mấy, trong nước hay ở nước bạn, đều mong muốn có nhiều thông tin để tìm mộ liệt sĩ”, ông Trần Văn Minh nói.

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Chung Hoàng

Chia sẻ nhận định này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chủ trì hội nghị, nhắc nhở các lực lượng tham gia tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ rằng “càng về sau việc tìm kiếm sẽ càng khó, vì những địa bàn dễ đã triển khai, còn lại những địa bàn khó tiếp cận, ít thông tin”.

Để đảm bảo thực hiện nghiêm túc công tác này, Thiếu tướng Trần Văn Minh cũng cho biết chủ trương của Bộ Quốc phòng là “chỉ thực hiện khi có nguồn tin xác thực được kiểm chứng và kết luận, theo đúng quy hoạch, kế hoạch, do lực lượng chuyên trách đảm nhiệm và có khảo sát lên phương án đầy đủ”.

Đồng tình biện pháp này, ông Vũ Đức Đam nói: “Thông tin từ nhiều nguồn, phải làm chặt chẽ, khoa học, bài bản, nhất định giao quân đội, không để làm tự phát, huy động các lực lượng nhưng quân đội phải chỉ huy, đồng thời kéo các nhà khoa học, cơ sở giám định vào tham gia”.

Thủ tướng cũng vừa ra văn bản quyết định hỗ trợ tài chính cho thân nhân liệt sĩ khi đi tìm mộ, gồm cả những trường hợp chỉ biết là hy sinh chứ chưa biết ở địa bàn nào, cũng là đối tượng đang bức xúc nhất hiện nay.

Tùy cơ ứng biến

Chia sẻ từ ban chỉ huy quân sự các địa phương cho thấy công việc này cần nhiều sự hỗ trợ từ trung ương.

Đại diện Hà Nam chỉ ra liệt sĩ ở địa phương chủ yếu là thời kháng chiến chống Pháp, số lượng không nhiều nhưng do thời gian quá lâu, hồ sơ không đủ, nhân chứng tuổi cao, nên thông tin ngày càng ít, độ chính xác không cao...

Đại diện Lạng Sơn thì cho rằng với công việc khó và cần đồng bộ này, việc bố trí lực lượng như hiện nay là “hơi mỏng”: Chỉ trưng dụng một số cán bộ được phân công, kiêm nhiệm trong một thời gian, trong khi công việc cần bài bản, nghiệp vụ, không chỉ trong quân đội mà cả trong các cơ quan dân sự.

Do lực lượng còn hạn chế nên thiếu sự hướng dẫn, khiến trên thực tế nhiều gia đình tự bỏ kinh phí đi khắp nơi tìm hài cốt người thân, đại diện tỉnh này phản ánh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định đây là việc ta đã làm nhiều chục năm, đã có nhiều kinh nghiệm và nhiều thế hệ nối tiếp nhau: “Ta quyết tâm làm nhưng không phải theo đợt, hay cao điểm, mà thường xuyên liên tục, cả hệ thống chính trị phối hợp với quân đội là nòng cốt”.

Để khắc phục “lực lượng mỏng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải “quy định rõ người đứng đầu, người chịu trách nhiệm, có tổ chức, có hệ thống”.

Ông đề nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu cải thiện các chính sách tài chính để đảm bảo phương tiện, chế độ cho các lực lượng tìm kiếm, quy tập hài cốt, cũng như khen thưởng những người dân địa phương có công thông tin, dẫn đường giúp tìm kiếm thành công mộ liệt sĩ.

Chung Hoàng