Trong các bộ phim kinh dị, những điều rùng rợn thường ập đến khi người nào đó quyết định đi dạo trong rừng vào lúc khuya khoắt. Tương tự, đối với vấn đề tài chính, điều tồi tệ cũng có thể đến một cách bất ngờ dù ông chủ ngân hàng khăng khăng cho rằng tổ chức của mình hoàn toàn vững chắc.


Mấy tuần qua, các ngân hàng châu Âu tiếp tục khẳng định mọi thứ vẫn ổn, thậm chí ngay cả khi họ đang mất đi các khoản tiền gửi do luồng tiền rút khỏi ngân hàng trong bối cảnh lo ngại khủng hoảng nợ công tại các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) gia tăng. Trong khi đó, các công ty tài chính của Liên minh châu Âu (EU) đang có xu hướng giảm cho vay lẫn nhau, cho thấy sự mất niềm tin giữa các tổ chức tài chính ở khu vực này.

Sấm sét nợ công giáng xuống châu Âu. Ảnh: Economist
Mối lo ngại "căn bệnh tài chính" ở châu Âu đã ảnh hưởng tới kinh tế Mỹ. Tuần này, các ngân hàng của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã để chỉ số S&P500 của thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc tới hơn 20% so với mức hồi tháng 4 năm nay. Để trấn an dư luận, Giám đốc điều hành Tập đoàn Morgan Stanley - một trong những thể chế tài chính lớn nhất thế giới - phải gửi thư tới các nhân viên nhằm tái khẳng định rằng cân đối kế toán của tập đoàn này vững mạnh hơn so với năm 2008 - thời điểm Tập đoàn tài chính khổng lồ Lehman Brothers sụp đổ.

Tất nhiên, châu Âu không phải là vấn đề "đau đầu" duy nhất của các ngân hàng Mỹ. Một loạt nỗi lo khác được liệt kê gồm tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, hàng đống luật lệ mới và làn sóng tranh chấp kiện tụng liên quan tới sự phá sản thị trường đất đai Mỹ... Việc Quốc hội Mỹ xem xét dự luật trừng phạt Trung Quốc thao túng tiền tệ là một tín hiệu khác cho thấy Mỹ khó hãnh diện về chính sách kinh tế của mình.

Tuy nhiên, lý do đáng lo lắng nhất nằm ở khu vực đồng tiền chung châu Âu. Hàng loạt vụ vỡ nợ ở khu vực này có thể tàn phá kinh tế EU, khiến các ngân hàng châu Âu thiệt hại nặng do nắm giữ trái phiếu mất giá thảm hại của nhiều chính phủ. Hậu quả là khách hàng và các nhà đầu tư của các ngân hàng này phải chịu rủi ro lớn.

Vào đầu năm nay, khả năng xảy ra "vụ Lehman thứ hai" còn rất nhỏ. Nhưng kể từ đó đến nay, do sai lầm của các nhà lãnh đạo kinh tế châu Âu, "bóng ma" khủng hoảng tài chính năm 2008 bắt đầu xuất hiện. Chính phủ các nước châu Âu một lần nữa phải ra tay cứu giúp các ngân hàng.

Hôm 5/10 vừa qua, chính phủ
Pháp và Bỉ đã đồng ý giải cứu Tập đoàn tài chính Dexia liên doanh giữa hai nước, sau khi hãng xếp hạng tín dụng Moody's của Mỹ cảnh báo rằng Dexia có thể trở thành định chế tài chính lớn đầu tiên ở châu Âu bị phá sản kể từ khi bùng nổ khủng hoảng nợ công. Kế hoạch giải cứu Dexia có giá trị tương đương số tiền bảo lãnh vỡ nợ trị giá 6,4 tỷ euro mà Dexia từng nhận được hồi năm 2008. Một trong những giải pháp đang được Pháp và Bỉ cân nhắc là thành lập "ngân hàng nợ khó đòi" nhằm tiếp nhận những khoản nợ xấu nhất của Dexia.

Hiện chi phí mua bảo hiểm vỡ nợ nhà băng ngày càng tăng. Tuần này, bảo hiểm vỡ nợ của Morgan Staley và Goldman Sachs đạt mức kỷ lục kể từ hồi tháng 10/2008 tới nay. Tin đồn lan tràn rằng các nhà băng không thể yêu cầu bảo lãnh tại các ngân hàng trung ương, và các quỹ đầu tư ít bị quản lý chặt chẽ đang tìm cách hút  tiền từ các nhà môi giới lớn.

Lối thoát trong năm Mèo

Liệu những e ngại kinh tế trong năm 2011 có trở thành sự hỗn loạn như năm 2008? Trong thế giới có nhận thức, điều này không được phép xảy ra. Các nhà hoạch định chính sách kinh tế chắc chắn không lặp lại sai lầm của thời suy thoái kinh tế, khi họ để một ngân hàng lớn như Lehman Brothers chết chìm. So với khoản nợ công vào đỉnh điểm khủng hoảng tài chính năm 2008 thì các khoản vay nợ dưới mức tiêu chuẩn gây ảnh hưởng tiêu cực cho kinh tế châu Âu lần này có thể định giá dễ hơn nhiều. Lần này, người ta cũng xác định rõ hơn về nơi nắm giữ các trái phiếu chính phủ, bất chấp việc hệ thống ngân hàng Mỹ chưa thực sự minh bạch trong mối liên hệ giữa họ với châu Âu.

Khác với năm 2008, các nước đã sớm nhận thức tầm quan trọng của việc đưa ra một giải pháp thống nhất cho cuộc khủng hoảng tài chính khu vực Eurozone. Một số chuyên gia kinh tế thế giới đề xuất giải pháp. Thứ nhất, phải tạo ra một bức tường bảo vệ vây quanh các thành viên khác trong khu vực Eurozone như Italy và Tây Ban Nha. Hai nước này có đủ tiền để trả nợ song vẫn cần sự giúp đỡ tài chính. Thứ hai, phải tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng châu Âu. Thứ ba, cho phép Hy Lạp tuyên bố vỡ nợ theo cách thức cũ.

Tuy nhiên, hiệu quả của giải pháp trên phụ thuộc vào cách người châu Âu hành động. Khủng hoảng nợ công đến nay đã kéo dài 18 tháng và điều duy nhất mà các nhà lãnh đạo Eurozone gây kinh ngạc là thể hiện... sự kém cỏi, thiếu thống nhất. Đến nay, một số chính trị gia châu Âu đã lên tiếng thừa nhận khó mà giúp Hy Lạp thoát nợ, do vậy họ muốn để Hy Lạp phá sản, thậm chí còn nghĩ tới việc trục xuất Hy Lạp ra khỏi Eurozone.

Trong khi đó, số khác tiếp tục bàn cách hỗ trợ Hy Lạp nhưng cũng chưa đưa ra được quyết định mang tính đột phá nào. Sự "chơi vơi" của châu Âu trong việc giải quyết vấn đề Hy Lạp dẫn tới rủi ro ngày càng tăng cho các ngân hàng đang nắm giữ nợ Hy Lạp, đồng thời khiến nền kinh tế Hy Lạp thêm "thắt lưng buộc bụng".


Để lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư, một kế hoạch rõ ràng, không chậm trễ để huy động vốn cho các ngân hàng trong Eurozone là hết sức cần thiết. Ông Antonio Borges, Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại châu Âu cho rằng, châu Âu cần từ 100 tỷ đến 200 tỷ euro để tái cấp vốn cho các ngân hàng. Tất cả bộ trưởng Tài chính Eurozone cần phải giải trình xem chương trình kinh tế của họ có đáp ứng được với những điều kiện khắc nghiệt trong thời gian dài hay không. Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) cần đồng thời "bơm" vốn cho các ngân hàng trong Eurozone ngay khi có thể. Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương của các quốc gia thuộc Eurozone phải đặt mình vào tình thế "dập lửa". Đặc biệt, sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với sự sống còn của đồng euro nếu Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB quyết định giảm lãi suất và cung cấp thanh khoản không giới hạn trong vòng 2 năm tới.

Viễn cảnh khủng khiếp

Vấn đề chủ quyền và lợi ích riêng đang cản trở tiến độ giải quyết nợ công của Eurozone, trong khi sự giúp đỡ của ECB cho một quốc gia khủng hoảng nợ bị giới hạn và phải theo những điều kiện bắt buộc.

Thực tế, không có một lượng vốn nào đủ để bảo vệ các ngân hàng trước "dòng thác" vỡ nợ ở khu vực đồng tiền chung châu Âu. Không có gì đáng tranh cãi trong việc xây bức tường chắn cho Italy và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, các tin tức có vẻ ảm đạm.

Chủ tịch sắp ra đi của ECB, ông Jean-Claude Trichet- miêu tả đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà châu Âu phải đối mặt kể từ Thế chiến II đến nay. Ấy vậy mà tổ chức do ông điều hành vẫn chậm phản ứng đúng với mức độ nguy cấp của thị trường. Cách đây mấy hôm, ECB còn băn khoăn trong việc mua tiếp các trái phiếu chính phủ, trong khi đề xuất mượn thêm nợ của EFSF để phát triển. Đức cho rằng đây là "ý tưởng sai lầm".  

Năm 2008, chính phủ các nước đã tạo điều kiện cho các ngân hàng của họ cùng Cục dự trữ liên bang Mỹ làm tất cả để lấy lại lòng tin của các đối tác. Đến nay, vấn đề chủ quyền và lợi ích riêng đang cản trở tiến độ giải quyết nợ công của Eurozone, trong khi sự giúp đỡ của ECB cho một quốc gia khủng hoảng nợ bị giới hạn và phải theo những điều kiện bắt buộc.

EFSF được coi là "chiếc phao cứu sinh" của kinh tế khu vực Eurozone. Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô EFSF và các hoạt động đi kèm phải nhận được
sự đồng ý của 17 nghị viện các nước thành viên Eurozone. Đây là quá trình hết sức phức tạp và có thể phải kéo dài đến giữa tháng 10.

Không ít chuyên gia kinh tế dự báo vận mạng đồng euro đang trên bờ vực, có thể dẫn tới sự sụp đổ của Eurozone nói riêng và EU nói chung. Nếu viễn cảnh này xảy ra, nó không khác gì một bộ phim kinh dị.

Võ Giang (theo The Economist, Financial Times)