- TP.HCM có hơn 2.000 tuyến đường, trong đó hàng trăm tên đường viết tắt, đánh số khó hiểu, khó tìm. Nhiều đường trùng tên, sai tên danh nhân gây phản cảm cũng như gây ra nhầm lẫn...

"Ma trận" tên đường   

Người dân sống ở TPHCM, nhất là các khu vực quận ngoại thành như quận 12, Hóc Môn, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức là những quận tập trung nhiều khu dân cư mới, nhiều Khu chế xuất, Khu Công nghiệp...chắc hẳn không khỏi lạ lẫm với những cái tên đường được viết tắt. Tuy nhiên, với những ai lần đầu đến, hoặc đi tìm địa chỉ nhà người thân, họ sẽ vô cùng ngỡ ngàng vì lạc vào "ma trận tên đường".

Ghi nhận tại các phường ở quận 12 như Tân Hưng Thuận, Đông Hưng Thuận, Trung Mỹ Tây, Tan Chánh Hiệp…hầu hết các tuyến đường được đánh số thứ tự, ký tự các chữ cái. Đơn cử, tên đường có tên viết tắt của địa phường kết hợp số, kiểu chữ như HT (phường Hiệp Thành), TA (phường Thới An), TMT 01 (phường Trung Mỹ Tây), TMT 02 hay TMT 2A, TMT 14A…

{keywords}

Nhiều tuyến đường tại quận 12 được viết bằng ký tự và số rất rối loạn, gây khó khăn cho việc tìm kiếm địa chỉ (Ảnh: Một số tuyến đường tại phường Tân Hưng Thuận)

{keywords}

Nhiều người mới lần đầu đến phường Tây Thạnh (quận Tân Phú) sẽ bị choáng bởi "ma trận" tên đường


Tại quận Bình Thạnh, nhiều tuyến đường được viết theo ký tự và số như D1, D2, D3, D4, D5...Còn quận Tân Phú, nhiều tuyến đường tại phường Tây Thạnh được viết theo ký tự chữ kết hợp với số như: S1, S2...S9, C1, C2, C4A khiến nhiều người dân không biết đâu mà tìm...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều con đường trên do địa phương hoặc nhà thầu xây dựng tự nghĩ ra đặt theo cách gọi bình dân, không hề sử dụng quỹ tên đường do thành phố lập ra.

{keywords}

Tên đường Kênh nước đen nghe có vẻ rất thực tế 

{keywords}
{keywords}

Một số tên đường như Cống Lỡ (Q. Tân Bình), Bờ Bao Tân Thắng, đường Bờ Bao 1 (Q. Tân Phú)...hết sức bình dân, thực tế  

Đơn cử như đường Điện Cao Thế (phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú) mặc dù đã được đặt tên mới là đường Nguyễn Thế Truyện, nhưng ngoại trừ bảng hiệu được lấy từ quỹ tên đường thì các bảng hiệu, bảng số nhà hầu như vẫn còn chữ "Điện Cao Thế". Thậm chí có một số cơ quan nằm trên đường Nguyễn Thế Truyện vẫn còn giữ nguyên địa chỉ đường Điện Cao Thế.

Những người sống bên đường Nguyễn Thế Truyện lý giải rằng, sở dĩ có tên Điện Cao Thế vì con đường này có hàng điện cao thế đi qua, người dân tự đặt để tạo sự quen thuộc dễ nhớ. "Chỉ có những người sống cách con đường có hàng điện cao thế đi qua khoảng 100m trở lại hoặc những xe ôm hành nghề lâu năm mới biết mà chỉ đường đến, còn những người sống hơi cách xa một chút sẽ không biết đường Điện Cao Thế là đường nào đâu"- anh Minh Lập một người dân sống trên đường Nguyễn Thế Truyện cho hay.

Nhiều tên đường khó lý giải

Đường Kênh Nước Đen chạy qua địa phận quận Tân Phú và quận Bình Tân, ngày trước là một dòng kênh dài, nước dơ và bốc mùi rất khó chịu. Trong những năm trở lại đây, một phần kênh đã được san lấp, trồng cây xanh, phần còn lại mới được gia cố bờ kè. Tuy nhiên, hiện tại cái tên Kênh Nước Đen vẫn được quận Tân Phú và Bình Tân dùng để đặt tên cho một con đường đi chung qua 2 quận.

Có những tên đường nghe khá hài hước, đơn cử đường Rạch Bùng Binh (quận 3), đường Cống Lở (quận Tân Bình), đường Vành Đai Trong, Lò Thiêu, Mã Lò (quận Bình Tân), đường Bờ Bao Tân Thắng (quận Phú) và cả đường Bờ Bao 1 “ăn theo” con đường này.

Chưa hết, có những tên đường khá "sinh động" như đường Trung tâm Thương mại Bình Điền (đường số 1, quận 8), đường nối từ Đường Thành Thái ra đường Sư Vạn Hạnh (quận 10), Đường dưới chân cầu Sài Gòn (quận 2), Đường nối từ Cách Mạng Tháng Tám ra Hoàng Sa (quận 3), Đường kênh 19/5 (quận Tân Phú), đường Ao Đôi (quận Bình Tân), đường liên khu 1 2 3 (quận Bình Tân), đường Hoa Lan, Hoa Phượng, Miếu Nổi... (quận Phú Nhuận).

{keywords}

Đường số khủng "đường số 668"

Ngoài ra, hiện TP còn có nhiều tên đường trùng nhau như đường An Dương Vương (quận 5 và quận Bình Tân), Lê Thị Riêng (quận 1 và quận 12), đường Phan Văn Trị (quận 5 và quận Gò Vấp), đường Song Hành (quận 12, Hóc Môn, Quận Thủ Đức, quận 2). Riêng quận Bình Tân có tới hai con đường cùng tên Ấp Chiến Lược.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Phó tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhận xét: tên đường không nhất thiết phải là tên nhân vật lịch sử, nhất là những đường nhỏ hay đường nội bộ khu đô thị, khu dân cư. Nếu tên đường là một loài hoa, hoặc cây thì sẽ là một sự khuyến khích cư dân trồng nhiều hơn để tạo vẻ đẹp mang tính đặc thù riêng, làm cho cảnh quan thành phố thêm đa dạng hơn.

TS Hậu cho biết ở những đô thị mở rộng, những tên đường, tên dự án, tòa nhà nên cố gắng giữ lại những địa danh cũ, địa danh dân gian. Ngoài những tên ấp, tên xóm, tên cầu cũ thì nên ưu tiên những hiện tượng, sự kiện văn hóa cũ, thậm chí cả những món ăn tiêu biểu của vùng.

Với quỹ tên đường, cần mở rộng đối tượng danh nhân được đặt tên: danh nhân lịch sử, danh nhân văn hóa của nhiều giai đoạn lịch sử, nhiều vùng miền và danh nhân văn hóa nước ngoài, những người có công với đất nước.

Những nhà bác học người Pháp, những nhân vật lịch sử, nhà văn...có công giới thiệu VN với thế giới, làm cho thế giới biết đến VN nhiều hơn cũng nên đưa vào quỹ tên đường. Cố gắng cân đối quỹ tên đường giữa danh nhân văn hóa và danh nhân chính trị xã hội. Tên đường phố nên có tính chất vĩnh cửu và phổ thông nên những giá trị về văn hóa dễ được số đông chấp nhận và thường bền lâu.

Mới đây, báo cáo với UBND TPHCM về đề án đặt, đổi tên đường, công trình công cộng đến năm 2020, Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển cho biết toàn TP có hơn 3.600 đường.Trong đó có 1.774 đường mang tên tạm và khoảng 400 tên đường “có vấn đề” như tên không có ý nghĩa, tên trùng, tên khác nhau của cùng một nhân vật; nhiều tên đường còn ghi sai tên danh nhân; tên thiếu thẩm mỹ…

Trung tâm này chỉ ra nhiều đường ghi sai tên danh nhân như Đoàn Như Hài (đúng là Đoàn Nhữ Hài), Hà Tôn Quyền (đúng là Hà Tông Quyền), Nơ Trang Long (đúng là N’ Trang Lơng), Trần Khắc Chân (đúng phải là Trần Khát Chân)...

Ngoài ra, gần 50 đường mang các tên khác nhau của 16 nhân vật như Trần Hưng Đạo - Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Huệ - Quang Trung, Học Lạc - Nguyễn Văn Lạc...Hàng trăm tên đường trùng nhau như Cao Thắng, An Dương Vương... hoặc tên đường không mang tính thẩm mỹ như hai đường Kênh Nước Đen.

Cũng theo Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển, hiện TP.HCM cần hơn 2.100 tên để đặt hoặc đổi cho các con đường (chưa kể khoảng 810 con đường sẽ được mở theo quy hoạch từ nay đến năm 2025), trong khi đó quỹ tên đường của TP đang cạn.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu giao các đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất những tên cụ thể để đưa vào quỹ tên đường. Bên cạnh đó, xác định số đường sẽ được mở từ nay đến năm 2020 để hội đồng đặt và đổi tên đường có số liệu dự định cụ thể.

Như Sỹ