Đúng vào lúc bài toán giao thông Hà Nội và TP.HCM trở nên nóng hơn bao giờ hết, ông Vũ Mão – Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã chia sẻ, đánh giá về Bộ trưởng Đinh La Thăng.

Giải mã “hiện tượng Đinh La Thăng”

Kể từ khi nhậm chức, Bộ trưởng Đinh La Thăng nổi lên như một “hiện tượng”, đó là chuyện “trảm tướng”, “vi hành” bằng xe buýt, cấm cán bộ lãnh đạo của Bộ GTVT chơi golf... Ông nghĩ gì về Bộ trưởng Thăng và những việc làm ấy?

Ông Vũ Mão: Tôi hoan nghênh và ủng hộ những việc làm thể hiện tư duy, phong cách mạnh mẽ của của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng. Có thể nói rằng, đó là những việc làm cần thiết với một người có cương vị ở cấp Bộ trưởng. Đất nước chúng ta cần phải có những con người như thế. Hiện nay, dư luận đồng tình với Bộ trưởng Thăng rất nhiều, những ý kiến qua lại cũng không ít, tôi cho đó là chuyện bình thường.

Cuộc sống của nhân dân ta, tình hình của đất nước ta đang đặt ra những vấn đề cấp bách, yêu cầu chúng ta phải giải quyết và rất cần có những con người dám chịu trách nhiệm để giải quyết. Vấn đề ùn tắc giao thông, vấn đề tai nạn giao thông là một trong những vấn đề bức xúc của cuộc sống hiện nay. Không thể để tình trạng ấy kéo dài hơn nữa, vì thế những việc làm của Bộ trưởng Đinh La Thăng thể hiện trách nhiệm và tình cảm với nhân dân.

Nhưng dường như vẫn còn rất nhiều ý kiến chưa đồng tình trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo, thưa ông?

Ông Vũ Mão:
Người trong cuộc thì phải hành động cụ thể, đôi khi buộc phải đưa ra những quyết định cứng rắn (thậm chí là chưa có tiền lệ), nhưng quyết định ấy thể hiện rõ ràng đó là ý thức trách nhiệm với công việc thì rất tốt. Tôi cho rằng, quyết định ấy được khoảng 70% ủng hộ đã là tốt lắm rồi, được khoảng 70% dư luận đồng tình cũng là thuận lợi, chứ không có việc gì mà lại nhận được sự tán thành 100% cả.

Tôi cho rằng, những gì có được ở Đinh La Thăng ngày hôm nay là cả một quá trình tích lũy, rèn luyện nhiều năm – quan trọng là ở chỗ đó và cũng phải thấy đây là kết quả của cả một quá trình đào tạo cán bộ lâu dài của Đảng, Nhà nước và Đoàn thể của chúng ta.

Ông Vũ Mão: Những gì Bộ trưởng Thăng làm thể hiện trách nhiệm với nhân dân

 

Nói như vậy thì có phải ông đã hiểu tường tận về Bộ trưởng Thăng?

Ông Vũ Mão:
Tôi nói tới Đoàn thể là vì có liên quan tới Đoàn Thanh niên. Tôi nhớ lại quãng thời gian đầu những năm 80 của thế kỷ XX, Đoàn Thanh niên đã nhận lấy trách nhiệm tham gia vào Công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình trên Sông Đà và được Hội đồng Bộ trưởng lúc đó ra Quyết định công nhận đó là “Công trường thanh niên Cộng sản Sông Đà”.

Ở đầu giai đoạn này, Đinh La Thăng tốt nghiệp Đại học Tài Chính và về công tác tại Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà, trực tiếp tham gia công việc tại “Công trường thanh niên Cộng sản Sông Đà”.

Những ai được tham gia làm việc tại công trường đó, từ cán bộ kỹ thuật, cán bộ nghiệp vụ cho tới những công nhân đều thấm thuần tư tưởng, mang trong mình dòng máu của người thanh niên cộng sản. Họ được sống trong không khí sôi sục ấy là niềm tự hào và hạnh phúc. Đinh La Thăng là một trong những người có may mắn như thế và đã trưởng thành trong môi trường sống động của một tập thể trong sáng.

Tôi nghĩ rằng, với sự nhạy cảm của lớp thanh niên, được bồi đắp bởi những tư duy mới và phong cách cộng sản như vậy, Đinh La Thăng đã trưởng thành và cống hiến. Từ một cán bộ trẻ tuổi, sau gần 10 năm, anh Thăng đã trở thành một cán bộ giỏi về chuyên môn và tích cực tham gia vào công tác Đoàn, rồi trở thành Bí thư Đoàn thanh niên Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà – một Thủ lĩnh Thanh niên tiêu biểu trong cả nước.

Tính quyết đoán của Đinh La Thăng ngày hôm nay được hình thành từ ngày ấy, tất nhiên là trước đó thì phải kể đến sự ảnh hưởng của cha mẹ, gia đình và của quê hương. Tuy nhiên, môi trường làm việc, sự phấn đấu đầy gian khổ thời bấy giờ mới chính là yếu tố quyết định hình thành nên sự mạnh mẽ trong tính cách của Đinh La Thăng.

Có thể nói, tôi không lạ gì anh Thăng hay những ai biết tới anh ấy từ gần 30 năm về trước thì sẽ thấy được ở Bộ trưởng giao thông sự thông minh, trẻ trung, nhạy cảm, vui tính, đôi khi hài hước và đồng thời trong công việc thì mạnh mẽ và quyết đoán.

Có người đã nhận xét rằng phong cách của Đinh La Thăng là “phong cách công trường” – tức là “đốc chiến”. Điều đó là phù hợp với quá trình trưởng thành của Thăng. Tôi nghiệm ra rằng, những ai đã qua cái “nghề” công trường và cái “nghề” thanh niên thì thường có phong cách ấy.

“Dân người ta biết cả đấy…”

Ông coi những việc làm của Bộ trưởng Thăng vừa qua là bình thường, là việc đương nhiên phải làm… còn với nhiều người dân thì đó lại là “hiện tượng”. Ông có thể lý giải điều này?

Ông Vũ Mão: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết nhường phần ai…”, đó là một câu hát có thể phản ánh được tâm tư của Đinh La Thăng và nhiều cán bộ cấp cao luôn ngày đêm tâm huyết với những vấn đề nóng bỏng của đất nước.

Theo tôi điều quan trọng nhất đối với những người giữ trọng trách như Đinh La Thăng là cần có động cơ trong sáng, mọi hành động và việc làm luôn hướng về nhân dân. Đã làm lãnh đạo thì ai cũng có một chút quyền lợi, nếu không phải vậy thì chẳng ai phấn đấu làm lãnh đạo, nhưng có những lúc phải biết dẹp bỏ cái tôi để ưu tiên cho đại cục. Dân người ta biết cả đấy, ai làm được việc gì tốt, làm vì nhân dân, ai chỉ nói hay mà làm dở thì rốt cuộc cũng lộ ra hết cả.

Thí dụ như việc vừa qua Đinh La Thăng cấm cán bộ chủ trốt chơi golf, nhiều ý kiến phản biện cho rằng như vậy là vi phạm quyền này quyền khác, nhưng tôi cho rằng ở một khía cạnh nào đó thì quyết định của Bộ trưởng cũng có cái lý. Điều đó thể hiện là chúng ta đang có quá nhiều vấn đề thời sự mà ngành giao thông chưa giải quyết được, trong khi đó có một số cán bộ còn dửng dưng, thậm chí vô cảm với những yêu cầu chính đáng của nhân dân.

Bộ trưởng Thăng đang hết sức nỗ lực để giải quyết nạn ùn tắc giao thông


Một số ý kiến cho rằng, văn bản này là trái luật, quan điểm của ông thì sao?
 
Ông Vũ Mão: Việc ra văn bản để khắc phục những thiếu sót đó để điều hành công việc tốt hơn là cần thiết, còn nội dung của văn bản cần phải tuân thủ các quy phạm pháp luật.
 
Còn có coi những việc làm ấy là “hiện tượng” hay không là do quan niệm của mỗi người. Dư luận rất có lý khi gọi những việc làm của Đinh La Thăng là “hiện tượng”, bởi vì hiện nay còn có những cán bộ có cương vị và thẩm quyền tương tự như thế mà lại “trầm” quá. Có lẽ, họ muốn giữ “hòa khí”, muốn “yên ổn” nếu không muốn nói là muốn “yên thân”.

Vẫn biết rằng, con người ta không ai có thể là toàn diện cả, nhưng đã là người lãnh đạo thì phải khiêm tốn, nâng cao tinh thần học hỏi không ngừng để hoàn thiện chính mình. Đồng thời, đã là người lãnh đạo thì họ phải xứng đáng là Thủ lĩnh, biết tập hợp đông đảo những người tài giỏi, thậm chí tài giỏi hơn cả mình thì mọi việc mới có hiệu quả và thành công.

Nhưng một nhiệm kỳ làm Bộ trưởng chỉ có 5 năm thì khi “hoàn thiện mình” cũng đã hết nhiệm kỳ rồi…?

Ông Vũ Mão: 5 năm là khoảng thời gian không ngắn. Với khoảng thời gian đó, nếu dốc hết sức mình cho công việc, sống thanh bạch và trong sáng, không tham nhũng thì một vị Bộ trưởng cũng có thể chứng minh được tài năng của mình.

Thước đo hiệu quả công việc và uy tín có được chính là sự ghi nhận và đánh giá của nhân dân. Rõ ràng rằng, chúng ta không thể chấp nhận cái kiểu “tư duy nhiệm kỳ”như thế!

Một số cán bộ trong một nhiệm kỳ không phát huy được hiệu quả công tác có phải là do đặt nhầm vị trí, thưa ông?

Ông Vũ Mão: Khái niệm đặt nhầm vị trí cũng cần trao đổi làm cho rõ hơn. Tôi cho rằng, trong công tác cán bộ phải công tâm, phải lấy tiêu chuẩn để xem xét, cân nhắc để bổ nhiệm vào đúng vị trí. Tiêu chuẩn là gì? Ai cũng hiểu được, đó là Đức và Tài, bây giờ người ta hay dùng cụm từ “Tâm và Tầm”, cũng rất đúng.

Có những trường hợp đề bạt cán bộ mà không đủ đức và tài thì ở bất cứ công việc nào thì họ cũng không thể hoàn thành được nhiệm vụ được giao. Trong trường hợp này, gọi là đặt nhầm vị trí cũng đúng; nhưng khốn khổ, đặt ở một vị trí khác thì họ cũng không thể hoàn thành được nhiệm vụ. Như thế thì có nên gọi là đặt nhầm hay không? Có lẽ nên gọi là chọn sai cán bộ...

Tóm lại, khi một cán bộ không đủ tiêu chuẩn, không có đức lại không có tài thì dù bố trí ở vị trí nào họ cũng không thể hoàn thành được nhiệm vụ.

Bằng sự chiêm nghiệm của mình, tôi cho rằng, điều quan trọng với người làm lãnh đạo là dám đưa ra những quyết sách đột phá, tôi tin những người như anh Thăng hay anh Huệ (Bộ trưởng Bộ Tài chính) sẽ làm được những việc ấy. Điều quan trọng nhất là chủ trương phải đúng đắn, đã làm thì làm cho tới cùng, đừng e ngại một cách thái quá, tất nhiên người Việt Nam ta và người Á Đông nói chung ưa thích cách ứng xử tế nhị, nhưng việc gì dứt khoát là phải quyết, không được chần trừ, cũng đừng đổ lỗi tại điều gì cả.

(Theo GDVN)