- Hôm nay (18/1), Ban chấp hành Trung ương khóa XI họp bầu Tổng bí thư - chức danh có vai trò quan trọng bậc nhất đối với toàn bộ hoạt động của ban lãnh đạo Đảng, và do đó đối với toàn Đảng và đất nước.

VietNamNet ghi nhận ý kiến xung quanh tiêu chí lựa chọn Tổng bí thư.


Ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng:

Quyết đoán, biết lắng nghe

Trong khi tình hình kinh tế thế giới chuyển biến nhanh thì ngay trong nước, tình trạng trì trệ kéo dài quá lâu, phải nhanh chóng có bước đột phá.

Về mặt kinh tế, phải chuyển từ chú trọng đầu tư, bán tài nguyên sang phát triển sâu dựa trên khai thác trí tuệ của nhân dân.

Thời điểm này đòi hỏi phải có một ban lãnh đạo xứng tầm của thời đại và đáp ứng yêu cầu đất nước.

Thứ nhất, đó phải là những người có tầm trí tuệ.

Người có tầm trí tuệ phải là người nắm bắt được xu thế thời đại, thể hiện được ước nguyện sâu xa của cả dân tộc, không bị tư duy giáo điều, cũ kỹ lôi kéo và không bị các nhóm lợi ích tác động. Đó phải là người biết vì nước, vì dân.

Các yếu tố khác chỉ là phụ. Bởi, khi đã có tầm trí tuệ cao, anh sẽ có năng lực để hình thành và xây dựng được thể chế hợp lý, đúng đắn. Một khi xây dựng được thể chế hợp lý, công khai, lành mạnh, rõ ràng mọi trách nhiệm giải trình thì không còn đất cho tham nhũng.

Việc bầu Tổng bí thư dù tiến hành tại Đại hội hay trong BCH TƯ khóa XI cũng nên nhất thiết có số dư. Hai chọn một có lẽ hợp lý trong điều kiện hiện nay.

Để mỗi đại biểu Đại hội tự giới thiệu (bằng phiếu kín) 2 ứng cử viên cho chức danh Tổng bí thư. Từ kết quả tổng hợp, lập danh sách bầu cử Tổng bí thư gồm 2 người có số phiếu giới thiệu cao nhất để bầu.

Nguyên chuyên gia cao cấp Ban Tổ chức TƯ Bùi Đức Lại

Thứ hai, Tổng bí thư phải là người quyết đoán, dám chịu trách nhiệm. Anh phải để lại dấu ấn cá nhân trong những quyết sách và phải dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đại hội không nên bầu ra những vị lãnh đạo chỉ biết trông chờ vào quyết định của đa số.

Tuy nhiên, để quyết đoán và dám quyết, người lãnh đạo cũng cần phải có phẩm chất quan trọng là lắng nghe. Có lắng nghe thì việc quyết đoán mới khách quan và khoa học. Nên lắng nghe nhiều chiều. Nghe các góp ý tâm huyết, các ý kiến trái chiều...

Lắng nghe phải trở thành một tập quán, một tư cách đạo đức của người lãnh đạo chứ không phải lắng nghe hình thức.

GS Nguyễn Đình Cử - Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội:

Có số dư ứng viên thì tốt

Tôi mong Đảng tiếp tục đổi mới một cách toàn diện. Biến khẩu hiệu đổi mới thành hiện thực hành động là điều khó. Còn chúng ta đã nói nhiều về nhu cầu đổi mới rồi. Mong Đảng đổi mới toàn diện cả kinh tế, chính trị, đưa đất nước ta phát triển bền vững. Nói như Nghị quyết như vậy thì đúng rồi. Nhưng vấn đề quan trọng nhất, làm sao trong 5 năm tới, qua các kỳ hội nghị của Trung ương Đảng, cần cụ thể hóa nghị quyết về đường lối đổi mới.


Những nội dung đổi mới chủ yếu đã được hình thành chủ yếu trong báo cáo trình Đại hội. Vấn đề là tổ chức thực hiện. Khung lớn đã có, giờ chủ yếu nhất là nêu được vấn đề cụ thể, những bước đi thích hợp cho tiến trình đổi mới đó. Tức khả năng cụ thể hóa của Tổng bí thư.

Trong bối cảnh kỳ vọng đó, vai trò của Tổng bí thư rất quan trọng, một vai trò nổi bật như con chim đầu đàn trong đàn chim bay, là người đề xuất, thiết kế các nghị quyết cụ thể của các hội nghị Trung ương tiếp theo, nêu được những ý chính, chủ đề chính, giải pháp chính, ý tưởng chính. Tất nhiên bộ máy Trung ương với các ủy viên sẽ góp ý, cùng xây dựng nhưng Tổng bí thư phải là người đề xuất, xây dựng được, không phải tất cả nhưng phải là tác giả của hầu hết các ý tưởng chính.

Tân Tổng bí thư phải mạnh bạo, có những bước đi mới hơn trước. Như trong chính trị, cần nhìn thẳng vào những vấn đề đã tồn tại trong nhiều năm qua như thể chế kinh tế thị trường, mở rộng dân chủ trong Đảng, trong xã hội... tức nhằm thẳng vào những vấn đề then chốt nhất, phải bật ra những ý tưởng mới, những bước đi tiếp theo, những vấn đề trì trệ thì phải có tiến bộ rõ rệt.

Về việc bầu nhân sự, nếu Đại hội tiến hành bầu chức danh Tổng bí thư với số dư ứng viên thì tốt quá. Ít nhất có 2 ứng viên để đại biểu lựa chọn. Và chỉ được lựa chọn thì mới chọn được cột cờ, nếu chỉ có 1 ứng viên thì sao họ biết được có người hay hơn, đáng cân nhắc hơn?

Thực hiện được cơ chế bầu nhân sự lãnh đạo như vậy cũng thể hiện bước đi cụ thể của tiến trình dân chủ khi mở rộng lựa chọn cho các đại biểu. Bao giờ sự lựa chọn từ nhiều phương án cũng có kết quả tốt hơn từ một phương án.


GS Nguyễn Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Việt Nam, ủy viên Đoàn Chủ tịch UB TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:

Nên trưng cầu ý kiến Đại hội

Tôi trông đợi Đại hội sẽ tiến hành bầu trực tiếp chức danh Tổng bí thư cho nhiệm kỳ 5 năm tới. Việc bầu trực tiếp từ 1377 đại biểu nói lên uy tín của người được bầu chọn. Nếu Đại hội tiến hành bầu Tổng bí thư qua Ban chấp hành Trung ương thì Ban chấp hành Trung ương nên trưng cầu ý kiến của cả Đại hội, giới thiệu ai, bầu ai.

Do đó, số dư ứng viên cho vị trí chức danh Tổng bí thư là cần thiết. Nên có ít nhất 2 người để lựa chọn. Và Tổng bí thư được bầu chắc chắn phải là người có đức, có tài, có năng lực, trình độ lý luận chính trị, thể hiện trách nhiệm hàng đầu của mình.

Anh Thư (ghi)