Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình phòng chống dịch Covid-19 chiều nay (28/6), Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chia sẻ về những giải pháp trong thời gian tới, khi số ca lây nhiễm chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Cụ thể, theo ông Đức, tại cuộc họp sáng nay, thành phố thống nhất phân loại các địa phương theo các nguy cơ ở mức khác nhau, với ba nhóm: rất cao, cao và có nguy cơ.

Trong quy định Bộ Y tế chia bốn nhóm, nhưng thành phố chia ba nhóm và không để địa phương nào có nguy cơ thấp, tránh sự chủ quan. Căn cứ vào các chỉ đạo, sẽ xây dựng các kế hoạch phù hợp, mỗi địa phương cùng đánh giá, phân loại xuống tận phường.

{keywords}
Ca Covid-19 chưa thuyên giảm, TP.HCM họp báo khẩn

Ông Đức nêu ví dụ, TP Thủ Đức có ba vùng thì có sự đánh giá khác nhau, nơi Thủ Đức cũ có phức tạp hơn vì có các khu chế xuất - công nghiệp, chưa kể còn là nơi giáp ranh Bình Dương, Đồng Nai và có sự giao lưu nhiều. Thứ hai, rà soát lại các biện pháp, kiểm soát kỹ việc thực hiện Chỉ thị 10 của TP.

Trước đó, tại cuộc họp sáng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong  cho biết, thành phố đã triển khai rất nhiều các biện pháp phòng, chống dịch, thậm chí áp dụng một số biện pháp cao hơn Chỉ thị 16 nhưng, số ca nhiễm hàng ngày vẫn còn cao và chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Qua đó, ông Phong yêu cầu thực hiện phân nhóm mức độ diễn biến dịch bệnh đối với TP Thủ Đức, quận - huyện để có các giải pháp phù hợp.

Trên cơ sở ý kiến của Sở Y tế, hiện nay, đơn vị có nguy cơ rất cao gồm: Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 8, Tân Phú và một phần của TP Thủ Đức (quận Thủ Đức cũ).

Nơi có nguy cơ cao là Gò Vấp, Củ Chi, quận 1, Bình Thạnh, Tân Bình, quận 5, quận 4, quận 12 và một phần của TP Thủ Đức (quận 2 và quận 9 cũ). Các quận có nguy cơ gồm Cần Giờ, quận 10, quận 11, quận 7 và quận Phú Nhuận.

Chủ tịch UBND quận, huyện toàn quyền quyết định một số vấn đề, trong đó có việc ra lệnh phong tỏa các khu vực trên địa bàn.

{keywords}
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên yêu cầu mở chiến dịch xét nghiệm rộng toàn thành phố để tìm F0. Ảnh: Trương Thanh Tùng 

Sở Y tế hình thành các đội công tác đặc biệt khẩn cấp đến 22 quận huyện, TP Thủ Đức và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Trưởng ban chỉ đạo khu vực đó.

Riêng tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, công viên phần mềm Quang Trung, thành phố giao cho Ban quản lý chịu trách nhiệm cao nhất.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng nhấn mạnh, thành phố phải chống dịch với quyết tâm cao nhất, để khống chế dịch và thực hiện mục tiêu kép đã đề ra.

“Phải mở một chiến dịch cao điểm tấn công, truy vết, xét nghiệm, tìm F0 bằng việc xét nghiệm rộng toàn thành phố”, ông Nguyễn Văn Nên yêu cầu.

Tại họp báo, ông Dương Anh Đức cho biết, tuần vừa qua là khoảng thời gian đặc biệt khi thành phố cùng lúc thực hiện hai nhiệm vụ nặng nề. Đó là vừa tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 lớn nhất lịch sử, vừa căng sức chống lại sự hoành hành của virus SARS-CoV-2 biến chủng mới.

Thời gian tới, thành phố quyết định thực hiện tiếp Chỉ thị 10, và Chỉ thị 10 theo ông là không có thời gian. 

Chia sẻ về chiến dịch tiêm vắc xin ngừa Covid-19 vừa rồi, ông Đức cho biết, có thể vui mừng nói rằng thành phố đã thành công trong chiến dịch này. 

Tối nay, TP.HCM ghi nhận thêm 218 ca sau 24h (tính từ 18h ngày 27/6 đến 18h ngày 28/6).

Tính từ ngày 27/4 đến nay, thành phố ghi nhận 3.434 ca, đứng thứ 2 nước về số ca nhiễm.

Hồ Văn - Đ.Bảo

            >>> Xem thêm tình hình dịch covid-19 tại TP.HCM mới nhất

Ca Covid-19 chưa thuyên giảm, TP.HCM kéo dài thực hiện Chỉ thị 10

Ca Covid-19 chưa thuyên giảm, TP.HCM kéo dài thực hiện Chỉ thị 10

Phó Chủ tịch TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, thành phố quyết định thực hiện tiếp Chỉ thị 10 khi hết đợt giãn cách này và theo ông Chỉ thị 10 là không có thời gian.

 

Theo vietnamnet.vn